Đến năm 2030 ngành logistics dự kiến thiếu 2 triệu lao động

17/05/19 8:33 AM

Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực logistics rất cao, tuy nhiên sinh viên tốt nghiệp các trường nghề không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Ngành logistics đang phát triển nhưng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng

Ngày 16/5, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã tổ chức diễn đàn Phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics và xu hướng tại Việt Nam 2019.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết: “Ngành logistics đang phát triển nóng, tốc độ phát triển hàng năm trên 10%. Hiện nay logistics đang đóng góp vào GDP cả nước khoảng 5%, Chính phủ đã giao nhiệm vụ 2020-2030, logictics phải đóng góp 10%, gần tiệm cận với ngành du lịch. Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực logistics rất cao, tuy nhiên sinh viên tốt nghiệp các trường nghề không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng về cả chất lượng và số lượng vì vậy dự kiến đến năm 2030 ngành logistics Việt Nam sẽ thiếu đến 2 triệu lao động. Để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam đòi hỏi sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và các trường dạy nghề”.

Bà Trần Thị Hạnh, Giám đốc nhân sự công ty TNHH Mai Hân cho biết : “Hiện nay các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi muốn phát triển nguồn nhân lực trong ngành dịch vụ logistics bởi lao động rất yếu về kiến thức chuyên môn và tiếng anh chuyên ngành. Hầu hết chúng tôi khi tuyển người đều phải đào tạo lại rồi mới sử dụng. Điều này rất tốn kém về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp”.

Do xuất phát điểm phát triển chậm so với các nước trong khu vực nên nguồn nhân lực của ngành logistics Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp tự đào tạo, trong khi các chương trình đào tạo chính quy chỉ mới được thực hiện vài năm gần đây, đã dẫn đến việc không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển nóng của ngành. Hiện nay có đến 70% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực logictics, từ các nhân sự quản lý cấp cao đến lao động phổ thông. Kỳ vọng trong thời gian tới, khi đã có sự liên kết giữa các doanh nghiệp và trường học để đào tạo nguồn nhân lực logistics phần nào sẽ giải quyết được bài toán khát nhân lực, ông Hiệp cho biết thêm.

Dự kiến đến năm 2030 ngành logistics Việt Nam sẽ thiếu đến 2 triệu lao động.

Các diễn giả tham gia diễn đàn cho rằng mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực và đầu tư vào phát triển kỹ năng, nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất trong khu vực. Một trong những nguyên nhân chính là các kỹ năng được đào tạo không gắn kết với nhu cầu của thị trường lao động. Do đó, sinh viên tốt nghiệp được sắp xếp vào những vị trí tay nghề thấp với mức lương khiêm tốn, trong khi các nhà tuyển dụng lại phải đầu tư đào tạo lại nhân viên.

Theo VLA, hiện nay 92% nhân viên làm việc tại doanh nghiệp logistics trong nước thực hiện công việc khai báo hải quan, 86,5% làm giao nhận hàng hóa tổng hợp, 86,5% thực hiện nhiệm vụ hành chính logistics, 64,9% điều hành vận tải. Giai đoạn 2017 – 2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 200.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, kỹ năng và trình độ tiếng Anh. Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. nước ta hiện nay có 3 hình thức đào tạo logistics: Tại các cơ sở đào tạo bậc đại học/sau đại học và nghề, hiệp hội và DN. Có khoảng 15 cơ sở đào tạo về chuyên ngành logistics hoặc gần chuyên ngành logistics ở cấp đại học/sau đại học và cơ sở dạy nghề về logistics.

Tạp chí GTVT