Theo nhận định của Bộ GT-VT, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải (CM-TV) sẽ khó đáp ứng được nhu cầu cập cảng của những con tàu container lớn trong tương lai, nếu không khắc phục được hạn chế là cầu cảng ngắn và nhỏ, diện tích mặt nước bị chia cắt. Bắt tay liên kết các cảng là đòi hỏi tất yếu để đón đầu xu thế phát triển của vận tải biển trong tương lai.
Toàn cảnh cụm cảng Cái Mép – Thị Vải
Cầu cảng ngắn, mặt nước bị chia cắt
Một trong những hạn chế của cụm cảng CM-TV là hầu hết các cảng có cầu cảng ngắn, khó tiếp nhận cùng lúc nhiều tàu trọng tải lớn. Trong số 21 dự án cảng đang hoạt động, chỉ có cảng SP-SPA chiều dài cầu cảng đạt mức 1.200m. 9 cảng có cầu cảng dài từ 600-890m, còn lại đều dưới 460m.
Thêm vào đó, do thời điểm đầu những năm 2000, việc cấp phép đầu tư cùng lúc nhiều dự án cảng biển trên địa bàn TX. Phú Mỹ vô hình chung mâu thuẫn với chiều hướng phát triển của vận tải biển trong tương lai. Cụ thể, vận tải biển vào thời điểm đó còn ít tàu trọng tải cỡ lớn, nên các dự án cảng thường có diện tích nhỏ, cầu cảng ngắn. Bên cạnh đó, việc thiếu một tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về cảng biển, cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thiếu đồng bộ trong việc cấp phép các dự án đầu tư, dẫn đến hiện trạng các cảng nhỏ lẻ, chia cắt, không có được sự liên kết.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc Cảng CMIT cho biết: Xu thế hiện nay của các hãng tàu trên thế giới là sẽ đưa các tàu kích cỡ lớn vào khai thác để tiết giảm chi phí. Hiện số tàu từ 10.000-21.000 TEUs chiếm 34% tổng số tàu vận tải container đang hoạt động. Dự kiến đến năm 2021, những tàu container sức chở đến 18.000 TEUs sẽ chiếm 70% lượng tàu hoạt động trên tuyến Á – Âu. Những con tàu này thường có chiều dài từ 350-400m. Trong khi đó, cầu bến tại CMIT cũng như 1 số cảng khác chỉ có 600m. Với chiều dài này CMIT không thể đón 2 tàu mẹ cùng lúc. Khi liên minh các hãng tàu đưa thêm các tàu lớn với tần suất dày hơn vào CM-TV thì DN cảng sẽ gặp khó khăn trong việc bảo đảm chất lượng dịch vụ.
Liên kết là xu thế tất yếu
Cảng SSIT
Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian qua, các cảng: CMIT, TCIT, TCTT, SSIT đã bắt tay hợp tác để tận dụng tối ưu cơ sở hạ tầng cầu cảng trong việc đón tàu mẹ trọng tải lớn (trên 18.000 TEUs), nâng cao hiệu quả kinh doanh. Cảng CMIT và TCTT đã ký thỏa thuận khai thác chung từ năm 2019. Cùng đó, từ tháng 4/2014, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn có chủ trương liên kết hoạt động của cảng TCIT với cảng TCCT (nằm sát bên) bằng việc TCIT thuê lại hạ tầng và thiết bị của TCCT. “Nhờ vậy, chiều dài cầu cảng của TCIT hiện đạt 890m, đáp ứng được nhu cầu làm hàng cho 2 tàu có tải trọng lớn và một số sà lan cùng lúc. Với sự liên kết này, nhiều năm qua sản lượng contairner thông qua cảng TCIT luôn đạt mức tăng trưởng từ 30-40%, chiếm 75% thị phần xếp dỡ container tại khu vực CM-TV”, ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh cảng TCIT cho hay.
Theo các DN cảng biển, việc liên kết giữa các cảng là xu thế tất yếu trong thời gian tới. Nếu hai cảng liền kề liên kết lại sẽ có thể đón được cùng lúc 3-4 tàu mẹ. Qua đó, giúp nâng cao năng suất cầu cảng và lợi nhuận cho DN. Ông Nguyễn Xuân Kỳ cho rằng, minh chứng rõ nhất là cuối năm 2019 khi xảy ra các sự cố về tai nạn hàng hải, hàng hóa bị tắc nghẽn tại CM-TV. Lúc đó, nhờ 2 cảng CMIT và TCTT đã phá bỏ hàng rào nên 2 cảng đã hỗ trợ, chi viện cho nhau để tiếp nhận các tàu tới làm hàng.
Vấn đề là ở phần còn lại, hầu hết các cảng khác vẫn hoạt động riêng lẻ. Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, các DN cảng cho rằng do loại hình khai thác các cảng khác nhau, các DN có phương án, chiến lược kinh doanh riêng, nên khó thống nhất được phương án liên kết khai thác.
Mới đây, tại cuộc họp báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng (logistics)”, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát cho rằng, để hệ thống cảng phát triển, thời gian tới, UBND cần tỉnh kiến nghị Bộ GT-VT và Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các cảng liền kề hợp tác để nâng cao sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của CM-TV. Tránh tình trạng phân tán, nhỏ lẻ, từng DN quản lý từng bến cảng nhỏ với các quy trình thủ tục không đồng nhất, gây lãng phí công suất cầu bến, làm gia tăng thời gian, chi phí. Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục hành chính khi các DN cảng biển thực hiện liên kết hoặc sáp nhập, nhằm mở rộng chiều dài và nâng cao hiệu quả khai thác cảng.