Trước xu thế các doanh nghiệp phải đẩy mạnh phát triển cảng xanh, số hóa, việc tăng giá bốc dỡ container tại cảng biển được cho là cần thiết để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đầu tư.
Giá chỉ bằng một nửa trong khu vực
Kể từ đầu tháng 2/2025, Công ty CP Cảng Cái Mép Gemadept – Terminal link (Cảng Gemalink, khu vực Cái Mép – Thị Vải) đã áp dụng khung giá mới dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển.
Giá dịch vụ bốc dỡ cảng biển tại Việt Nam được đánh giá còn thấp hơn nhiều so với các cảng khác trong khu vực
Theo niêm yết của doanh nghiệp, các mức giá dịch vụ bốc dỡ container xuất/nhập khẩu đều được niêm yết ở mức tối đa theo quy định hiện hành với 66 USD/container 20 feet, 97 USD/container 40 feet và 108 USD/container 45 feet có hàng.
Tuy nhiên mới đây, trong văn bản gửi Bộ GTVT và Cục Hàng hải VN, Công ty CP Cảng Cái Mép Gemadept – Terminal link đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ container, đảm bảo đưa mức giá dịch vụ của Việt Nam về gần mức giá bình quân của khu vực. Lý do, giá dịch vụ này tại cảng biển Việt Nam vẫn đang ở mức rất thấp.
Để bắt kịp xu hướng xanh hóa và số hóa của ngành hàng hải thế giới, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe với tiêu chuẩn cao từ các hãng tàu, các cảng cần có nguồn kinh phí lớn. Giá bốc xếp thấp, nguồn thu không đủ để doanh nghiệp tái đầu tư, không thể thực hiện được các dự án để bắt kịp các xu hướng này.
“Việc điều chỉnh giá bốc dỡ container góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của cảng mà không làm ảnh hưởng tới chi phí logistics quốc gia và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, nội dung văn bản của doanh nghiệp nêu.
Không riêng Gemalink, nhiều doanh nghiệp cảng biển cũng bày tỏ mong muốn tăng giá dịch vụ xếp dỡ cảng biển, nhất là tại các cảng nước sâu.
Theo các doanh nghiệp, dù cảng niêm yết giá dịch vụ ở mức tối đa so với quy định, song mức giá áp dụng thực tế thường chỉ ở giá sàn vì yếu tố cạnh tranh, cũng như phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mối quan hệ với đối tác, các hợp đồng ngắn hạn hay dài hạn… Trong khi đó, giá bốc dỡ container của Việt Nam chỉ đang bằng khoảng 50% so mức giá bình quân của khu vực.
Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, tại khu vực cảng nước sâu Cái Mép, giá bốc dỡ container trung bình khoảng 57 USD/container 20 feet và 85 USD/container 40 feet. Mức giá này lần lượt bằng 51% và 53% so với cảng biển tại Singapore, bằng 44% và 43% so với Hong Kong (Trung Quốc).
Giá thấp có phải lợi thế cạnh tranh?
Theo công bố của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Hãng tin tài chính S&P Global Market Intelligence, chỉ số hoạt động cảng container (CPPI) năm 2024 của Việt Nam với đại diện là cụm cảng Cái Mép tại Bà Rịa – Vũng Tàu xếp vị thứ 7/405 cảng container toàn cầu, xếp hạng cao hơn nhiều cảng trung chuyển lớn của thế giới là Yokohama – Nhật Bản (thứ 9), Hồng Kông (thứ 15), Singapore (thứ 17).
Điều này cho thấy chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của cảng biển Việt Nam tốt hơn so với nhiều cảng biển khác trong khu vực. Do đó, giá dịch vụ bốc dỡ container thấp hơn so với các quốc gia khác sẽ gây ra sự bất cân xứng với năng lực, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các cảng Việt Nam.
Theo một doanh nghiệp cảng biển tại Hải Phòng, thực tế, giá dịch vụ xếp dỡ thấp không giúp cảng biển Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các cảng khác trong khu vực. Bởi, các cảng trên thế giới đang cạnh tranh nhau bằng công nghệ, hạ tầng, quy hoạch.
“Cảng biển tại Singapore có chiều dài cầu bến lên tới 4-5km, tạo thuận lợi cho các hãng tàu đưa tàu vào làm hàng. Trong khi, chiều dài cầu bến của cảng biển Việt Nam trung bình chỉ vài trăm mét hoặc hơn 1km.
Tính liên thông giữa các cảng cũng kém, hạ tầng kết nối sau cảng phát triển chậm. Dù giá dịch vụ thấp nhưng từ trước tới nay, các hãng tàu cũng không đưa hub (điểm tập trung hàng hóa) trung chuyển về Việt Nam”, doanh nghiệp này nhận định và cho rằng, các cảng phải phát triển hạ tầng, công nghệ mạnh mẽ mới có thể cạnh tranh được với khu vực.
Nghiên cứu lộ trình điều chỉnh giá phù hợp
Năm 2024, Thông tư 12/2024 Quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam và Quyết định 810 của Bộ GTVT về khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam đã điều chỉnh mức giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển, tăng khoảng 10% so với trước đây.
Dù vậy, đại diện Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam (Visaba) cho rằng, giá điều chỉnh chưa bù đắp được chi phí đầu tư, vận hành và duy trì hoạt động tại các cảng Việt Nam.
Nếu giá bốc dỡ được điều chỉnh tăng thêm, doanh nghiệp cảng sẽ có kinh phí để đầu tư các công nghệ thân thiện với môi trường như hệ thống năng lượng tái tạo, xử lý khí thải và cơ sở hạ tầng hỗ trợ vận tải xanh.
Ông Phan Nguyễn Hải Hà, Trưởng phòng Dịch vụ vận tải, Cục Hàng hải VN thông tin, cơ quan này đã nhận được văn bản kiến nghị của các hiệp hội và doanh nghiệp đề xuất tăng giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng nước sâu như tại Lạch Huyện, Cái Mép – Thị Vải, bởi đây là những nơi tập trung nguồn hàng hóa chủ lực của quốc gia. Đồng thời, nghiên cứu có lộ trình, kế hoạch điều chỉnh giá, từng bước đưa giá dịch vụ tại cảng biển của Việt Nam tiệm cận với khu vực và thế giới.
“Cục Hàng hải đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất này”, ông Hà chia sẻ.
Tại Việt Nam, các hãng tàu nước ngoài đang thu giá THC (phụ phí xếp dỡ hàng hóa tại cảng) gấp 3 lần mức giá trả cho các nhà khai thác cảng. Giá THC trung bình của hãng tàu đang áp dụng tại Việt Nam khoảng 125 USD/container 20 feet.
Với mức thu này, hãng tàu trả cho cảng biển tại Hải Phòng trung bình gần 40 USD/container 20 feet và tại Cái Mép là hơn 50 USD. Trong khi theo thông lệ quốc tế, 80% giá THC mà các hãng tàu thu của chủ hàng sẽ phải trả cho các nhà khai thác cảng.