Đưa đội tàu biển chinh chiến quốc tế, nâng cấp hạ tầng cho chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2030

23/12/22 9:00 AM

Để thực thi Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Bộ Giao thông vận tải đưa ra 4 nhiệm vụ cụ thể, trong đó, nhấn mạnh việc nghiên cứu phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế. Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông quốc gia, ưu tiên các dự án như đường sắt tốc độ cao, cao tốc Bắc – Nam…

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Quyết định số 1648/QĐ-BGTVT về Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, nhằm thực hiện Quyết định số 1445/QĐ-TTG ngày 19/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định số 1445 nêu rõ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả và phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cơ quan và cá nhân trong việc triển khai thực hiện; xử lý phù hợp, kịp thời, linh hoạt đối với những vấn đề mới phát sinh; kiến nghị, đề xuất những giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp, hiệu quả.

Để triển khai thành công Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Bộ Giao thông vận tải đưa ra 4 nhiệm vụ cụ thể.

Một là, nghiên cứu phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam để góp phần giảm chi phí và nâng vao tính chủ động cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ cho Cục Hàng hải Việt Nam trong việc tiếp tục tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam đã được phê duyệt.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về vận tải biển, tạo ra một hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Trước mắt, tập trung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về mua bán, đăng ký tàu biển và quản lý giá dịch vụ hàng hải và quản lý hoạt động vận tải container của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam.

Hai là, tập trung nguồn lực đầu tư công trình kết nối hạ tầng giao thông quốc gia quan trọng, thiết yếu, có tính chất kết nối vùng miền, khu vực có tiềm năng phát triển và kết nối các phương thức vận tải.

Bộ Giao thông vận tải giao Vụ Kế hoạch đầu tư, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Kế hoạch đầu tư thực hiện nhiệm vụ này.

Theo đó, ưu tiên tập trung phát triển những hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa: nâng cấp cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành; xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông; cải tạo, nâng cấp tăng cường năng lực các ga liên vận quốc tế hiện tại (Đồng Đăng, Lào Cai, Sóng Thần) và một số ga khác chuyển sang hoạt động khai thác liên vận quốc tế.

Đồng thời, “nghiên cứu chuẩn bị đầu tư một số đoạn tuyến quan trọng thuộc đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và kết nối đường sắt vào các cảng biển đầu mối (Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu), bao gồm các tuyến đường sắt đầu tư mới để triển khai thực hiện đầu tư ngay khi có điều kiện”, Quyết định số 1648 nêu rõ.

Cùng với đó, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải container đường thủy nội địa và các dịch vụ logistics tại khu vực Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ; giải quyết dứt điểm hủy nội địa huyết mạch.

Đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt, trong đó ưu tiên đầu tư các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa ở khu vực phía Nam, các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa, đường sắt ở khu vực phía Bắc làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ logistics; tăng cường kết nối các phương thức vận tải, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

Kêu gọi đầu tư phát triển các cảng thủy nội địa khai thác hàng container có chức năng đầu mối tại khu vực phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long với cơ sở vật chất, trang thiết bị bốc xếp đồng bộ, hiện đại nhằm gia tăng nhanh thị phần vận tải container bằng đường thủy nội địa.

Cân đối, bố trí các nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn ngân sách, vốn ODA cho các dự án nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải, ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình tại các nút thắt hạ tầng có tính quan trọng, cấp bách.

Đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy; đồng thời tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và các đối tác truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy.

Ba là, tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Tiếp tục nghiên cứu rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Bốn là, tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, gắn cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.


“Tập trung hỗ trợ một số hãng tàu container Việt Nam đủ mạnh để vươn ra hoạt động quốc tế ở những thị trường xa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… và có thể đi đến Châu Âu, Mỹ. Có cơ chế chính sách hỗ trợ các hãng tàu liên minh, liên kết trong hoạt động khai thác hàng hóa container để nâng cao quy mô của doanh nghiệp, năng lực tài chính… tăng năng lực cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài”, Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ.


Vneconomy