Bác Hồ với ngành Hàng hải

2/06/21 10:34 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Cách đây 110 năm, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với ý chí mãnh liệt, lòng yêu thương dân tộc sâu sắc, từ bến cảng Nhà Rồng (cảng Sài Gòn) quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.

Hành trình tìm đường cứu nước của người thủy thủ mang tên Văn Ba

Trên website Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral La Touche De Tréville từ cảng Sài Gòn, tự giới thiệu là Văn Ba xin làm phụ bếp, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt phi thường.”

Hanh trinh cuu nuoc anh 2

Ngày 5-6-1911, Bác Hồ lấy tên là Văn Ba lên tàu Amiral Latouche Tréville rời cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước

Sự kiện người thanh niên Văn Ba – Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc từ Thương cảng Sài Gòn trên con tàu của Pháp để sang phương Tây tìm kiếm con đường mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc không còn là một sự kiện lịch sử xa lạ đối với dân tộc Việt Nam và nhân dân trên toàn thế giới. Con tàu huyền thoại ấy đã đưa người thanh niên yêu nước Văn Ba rời cảng Sài Gòn trong hành trình tìm con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển ngành vận tải biển

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Giao thông là mạch máu của tổ chức, giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng, giao thông xấu thì các việc đình trệ”.

Trong xu thế hội nhập quốc tế, quá trình hợp tác hóa, quốc tế hóa ngày càng đến gần và là nhu cầu không thể thiếu của nền kinh tế thế giới, vì giao thông vận tải là “cầu nối” hết sức quan trọng giữa các quốc gia. Đặc biệt đối với ngành vận tải biển, thì điều đó càng có tính chất quốc tế hóa cao.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giao thông vận tải, bước sang thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức rõ được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo đối với phát triển kinh tế – xã hội. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ phát triển Kinh tế hàng hải: “Trọng tâm là khai thác có hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển. Quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ; xây dựng hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế”.

Đại đoàn kết sẽ đại thành công

Vinh dự được 3 lần đón Bác về thăm, công nhân, cán bộ cảng Hải Phòng vẫn khắc sâu lời dặn của Người: “Đoàn kết là sức mạnh, nước lên thì tàu nổi. Các cô chú ở đây một thuyền, một sóng nên phải đoàn kết với nhau, phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, bảo quản hàng hóa tốt, ra sức xây dựng bến cảng“.

Lần thứ hai Bác Hồ về thăm Cảng Hải Phòng (ngày 30/5/1957)

Lời căn dặn của Bác từ lâu đã trở thành nguồn động lực, cổ vũ to lớn các thế hệ công nhân, cán bộ của Cảng vượt qua bao khó khăn, gian khổ, không ngừng nâng cao năng lực giải phóng tàu hàng, từng bước xây dựng, hiện đại hoá bến cảng theo hướng vưon nhanh ra biển, đưa cảng Hải Phòng từ chỗ chỉ tiếp nhận được khoảng chưa đầy một triệu tấn với các con tàu nhỏ, đến nay đã có thể đón nhận các tàu sức chở lớn, thông qua hơn 21 triệu tấn hàng hóa/năm. Cảng Hải Phòng, bến cảng lớn nhất, trung tâm xuất, nhập khẩu hàng hóa khu vực phía Bắc, đang nỗ lực triển khai xây dựng các bến 03,04 cảng nước sâu Lạch Huyện để từng bước tiến ra biển lớn.