Cảng biển Việt Nam phát triển mạnh sau hai thập kỷ quy hoạch

24/07/19 7:55 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Với 281 bến cảng, tổng công suất đạt 550 triệu tấn/năm, hệ thống cảng biển Việt Nam đã “sang trang mới” với sự đầu tư, nâng cấp ngày càng hiện đại sau 20 năm quy hoạch.

Tăng mạnh cả “lượng” và “chất”

Thống kê mới nhất của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, hiện nay, cả nước có 281 bến cảng với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Hệ thống cảng biển  được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng: Cầu bến, phao neo, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa, phát triển cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ chức năng, quy mô và phân bố trải rộng theo vùng miền. Hầu hết cảng biển đã tận dụng được tối đa điều kiện tự nhiên, đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển, phục vụ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội vùng ven biển và cả nước, tạo động lực thu hút, thúc đẩy các ngành kinh tế, công nghiệp liên quan cùng phát triển. Cảng biển do các doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác sở hữu và trực tiếp tổ chức khai thác. 4 bến cảng được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước và giao Cục Hàng hải Việt Nam làm đại diện cơ quan nhà nước ký hợp đồng cho thuê khai thác gồm: Bến cảng Cái Lân, bến cảng container ODA Cái Mép, bến cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải và cảng An Thới – Kiên Giang đã phát huy hiệu quả đáng ghi nhận.

Nhờ đổi mới mạnh mẽ, 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 308,8 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ), tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018. Hàng xuất khẩu đạt 74,8 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018, hàng nhập khẩu đạt 98,1 triệu tấn, tăng 19%, hàng nội địa đạt 134,9 triệu tấn, tăng 11%. Hành khách qua cảng đạt 3,8 triệu hành khách, tăng 32%.

Hầu hết các cảng đầu mối khu vực: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh… đã được nâng cấp có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000DWT. Điển hình như cảng Cái Mép – Thị Vải tiếp nhận tàu trọng tải đến 18.300 TEU (194.000DWT) vào khai thác hàng tuần, kết nối trực tiếp hàng xuất nhập khẩu Việt Nam với thị trường Bắc Âu. Ở khu vực miền Trung, khối cảng biển cũng đang trên đà “khởi sắc”, nhất là cảng Đà Nẵng. Trước năm 2014, cảng Đà Nẵng có chiều dài cầu cảng hạn chế, tàu container phải xếp hàng chờ 6 – 8 tiếng. Sau khi cổ phần hóa, cảng tập trung nâng cấp hạ tầng cầu cảng, phát triển dịch vụ container. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2014 – 2018 là hơn 1.900 tỷ đồng, gấp 4 lần giai đoạn 5 năm trước đó (2009 – 2013). Cảng tiếp tục đưa vào sử dụng 2 cầu tàu mới trong dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng 5 năm qua tăng bình quân 10%/năm. Khả năng tiếp nhận tàu được nâng từ 1.800 TEU lên 3.500 TEU, tình trạng tàu chờ gần như không có.

Đẩy mạnh kết nối cảng biển

Hiện nay, kết nối các cảng biển lớn trên thế giới đều sử dụng phương thức vận tải lớn như đường sắt và đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, hệ thống cảng biển Việt Nam chỉ có cảng Hải Phòng được kết nối với đường sắt (cảng Cái Lân đã đầu tư nhưng chưa thể khai thác do thiếu đồng bộ về khổ đường), chưa có đường cao tốc riêng dành cho vận tải hàng hóa. Giao thông kết nối đường thủy bị hạn chế bởi tĩnh không các cầu vượt sông. Do đó, hiệu quả trong vận chuyển hàng hóa tới cảng biển chưa được tối ưu hóa về thời gian, chi phí vận tải. Bởi vậy, một vấn đề đặt ra là cần gắn cảng biển với vận tải đa phương thức để hệ thống cảng phát triển bền vững, chi phí logistics được kéo giảm.

Cục Hàng hải Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn – cánh tay nối dài của cảng biển để vừa hỗ trợ các dịch vụ của cảng biển, vừa góp phần tổ chức hiệu quả mạng lưới giao thông. Cục cũng lưu ý việc quy hoạch phải đồng thời dành quỹ đất thích hợp phía sau cảng để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia.

Thời gian tới, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ kiến nghị triển khai những điểm mới trong quy hoạch phát triển cảng biển, trong đó có quan điểm: “Cỡ tàu theo quy hoạch” để làm cơ sở đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển, chỉ cho phép các tàu có tải trọng có thông số kỹ thuật phù hợp với khả năng tiếp nhận của cầu cảng, chuẩn tắc kỹ thuật của luồng tàu, bảo đảm an toàn và chất lượng khai thác tại cảng biển.

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 chia thành 6 nhóm cảng biển với 45 cảng biển đang hoạt động trong đó: 2 cảng biển loại IA (cảng cửa ngõ quốc tế); 12 cảng biển loại I (cảng tổng hợp đầu mối khu vực); 18 cảng biển loại II (cảng tổng hợp địa phương) và 13 cảng biển loại III (cảng dầu khí ngoài khơi). Cảng biển loại I gồm: Cảng Quảng Ninh, Nghi Sơn (Thanh Hóa),  Nghệ An,  Hà Tĩnh,  Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Dung Quất (Quảng Ngãi), Quy Nhơn (Bình Định), Khánh Hòa (định hướng phát triển là cảng trung chuyển quốc tế – loại IA), cảng TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ. Các cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải từ 10.000 – 50.000 tấn, thực hiện vai trò đầu mối khu vực.

 

Báo Đại biểu nhân dân