Nhiều cơ chế hỗ trợ, tăng sức cạnh tranh của đội tàu biển Việt Nam

18/02/19 3:18 AM

Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, dự báo giai đoạn 2018 – 2020, thị trường tàu hàng khô thế giới sẽ dần hồi phục nhờ khoảng cách cung cầu đang được thu hẹp dần. Nhu cầu vận tải nhờ đó sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng từ 2,5 – 3% đến 2020. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao nhất vẫn là 2 mặt hàng than và quặng.

Tuy vậy, nhận định về cơ hội của đội tàu hàng khô Việt Nam, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q. Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) cho rằng, thời gian tới, thị trường vận tải dành cho đội tàu hàng khô trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi chưa có nguồn hàng ổn định.

“Từ năm 2017, nhu cầu các loại hàng như: thạch cao từ Trung Đông, than đá từ Indonesia, Úc, Trung Quốc về Việt Nam tăng do nhu cầu sử dụng của các nhà máy xi măng và các nhà máy nhiệt điện tăng cao. Tuy nhiên, đối với loại hàng này, tàu Việt Nam lại không đủ điều kiện tham gia vận tải mà hầu như do tàu nước ngoài đảm trách. Đối với mặt hàng gạo xuất khẩu, từ khi các DN Trung Quốc mua gạo theo đường chính ngạch với số lượng lớn, đội tàu Việt Nam do cỡ tàu nhỏ (khoảng 3.000 DWT) vận chuyển không nhiều, bởi không cạnh tranh được với đội tàu cỡ lớn của Trung Quốc. Các mặt hàng thường xuyên xuất khẩu khác như: gỗ dăm, sắn lát,… được vận chuyển bằng tàu chuyên dùng của Nhật Bản, Trung Quốc là chủ yếu”, ông Tĩnh nói.

Cũng theo ông Tĩnh, trong tương lai gần, thị trường cho các DN vận tải hàng khô của Việt Nam sẽ khả quan hơn khi các nhà máy nhiệt điện trong nước hoạt động mạnh, thị trường xây dựng ở Phú Quốc được thúc đẩy. “Khi đó, các tàu hàng khô cỡ nhỏ vẫn có thể tham gia vận chuyển các loại vật liệu như: đá, cát, sắt thép từ đất liền ra Phú Quốc”, ông Tĩnh nói thêm.

Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, để khuyến khích đội tàu vận tải biển Việt Nam nói chung, đội tàu hàng khô nói riêng có điều kiện phát triển, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty XNK có vốn nhà nước, đặc biệt là các chủ hàng nhập than cho các nhà máy nhiệt điện thực hiện đấu thầu trong nước với các tiêu chí phù hợp để nâng cao khả năng trúng thầu của DN vận tải biển Việt Nam.

“Đối với trường hợp phải tổ chức đấu thầu quốc tế, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo chủ hàng giành khoảng 30% sản lượng với giá bằng giá thắng thầu để giao cho đội tàu trong nước thực hiện”, đại diện này cho hay.

Báo Giao thông