Vận tải biển cần “hộ chiếu vaccine” để hồi sinh

23/03/21 6:45 AM

Sorry, this entry is only available in Vietnamese.

Chính phủ cần xem xét, chỉ đạo cơ quan chức năng đưa thuyền viên vào đối tượng được ưu tiên bay về nước, tiêm vaccine phòng dịch Covid-19…

Hiện trạng phát triển của doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đang buồn, vui lẫn lộn dưới tác động dai dẳng của dịch Covid-19

Trong khi các tuyến nội địa vẫn “ảm đạm”, doanh nghiệp vận tải biển chạy tuyến quốc tế đang có hi vọng hồi sinh khi thị trường đang dần sôi động trở lại.

Cước nội địa đứng yên, quốc tế khởi sắc

Đại diện Công ty TNHH Phương Nam (Hải Phòng) cho biết, doanh nghiệp (DN) này đang hoạt động “thoi thóp” khi giá cước các mặt hàng clinker, than tuyến Bắc – Nam liên tục giảm từ 190.000 – 200.000 đồng/tấn xuống còn 160.000 – 180.000 đồng/tấn (mức thấp nhất trong thời gian ảnh hưởng bởi Covid-19).

Ước tính, doanh thu một chuyến tàu VR-SB trọng tải 3.000 tấn chỉ được khoảng 700 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi tháng, DN phải trả lương thuyền viên 140 triệu đồng/tàu; Nhiên liệu cho mỗi vòng tàu khoảng 400 triệu đồng, cộng với phí cầu cảng và lãi vay ngân hàng…

“Giá cước thấp cùng tần suất chạy tàu kém (3 tháng được 2 chuyến) khiến đơn vị không thể trả lãi khoản vốn vay đầu tư phương tiện, bị ngân hàng siết nợ 2 tàu, giờ chỉ còn 2 tàu hoạt động”, đại diện này chia sẻ.

Theo ông Vũ Đức Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Vũ Gia Tam (Thái Bình), với giá cước 160.000 – 170.000/tấn, một chuyến clinker trên tàu VR-SB trọng tải 5.000 tấn có doanh thu khoảng 1,1 tỷ đồng, thời gian hành trình hơn 1 tháng.

Sau khi trừ chi phí nhiên liệu gần 400 triệu đồng, cảng phí, lai dắt hai đầu bến khoảng 80 – 90 triệu, chi phí ăn uống, bảo hiểm tàu và thuyền viên khoảng 230 triệu, công ty còn khoảng 400 triệu, đủ trang trải chi phí tài chính và lãi vay.

“Thế nhưng, chủ tàu chỉ có doanh thu trên khi tàu đầy hàng ở cả hai chiều. Thực tế, trong suốt đợt dịch vừa qua, tàu xuất bến chỉ được chiều vào với doanh thu khoảng 800 triệu đồng. Trừ các chi phí, chủ tàu gần như không “bỏ túi” đồng nào.

Chưa kể, hiện 2/5 tàu chở clinker mắc kẹt ở cảng Vũng Tàu hơn 10 ngày nay do kho đầy, chưa thể dỡ hàng. Tàu nằm một chỗ, chi phí cố định không thay đổi (mỗi ngày gần 8 triệu lương thuyền viên, bảo hiểm và gần 1 triệu phí neo đậu) khiến DN đứng ngồi không yên”, ông Ngọ than thở.

Ngược lại với sự ảm đạm của vận tải biển nội địa, các DN chạy tuyến quốc tế đang có hi vọng hồi phục khi cước vận chuyển các mặt hàng có dấu hiệu tăng trở lại.

Ông Bùi Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải biển VN (Vosco) cho biết, do ảnh hưởng của dịch, năm 2020, giá cước trên các chặng đi Philippines, Trung Quốc giảm mạnh. Có thời điểm, mặt hàng xi măng bao rớt giá từ 11 USD chỉ còn 7 USD/tấn, clinker từ 9 – 10 USD chỉ còn 5 – 7 USD/tấn. Thu không đủ chi, Vosco từ lãi gần 49 tỷ đồng (năm 2019) đã lỗ hơn 187 tỷ đồng (năm 2020).

“Thế nhưng, thời điểm hiện tại, giá cước mặt hàng xi măng bao chặng Việt Nam – Philippines tăng lên khoảng 16 – 17 USD/tấn; clinker từ Việt Nam đi Trung Quốc tăng lên 9 – 12 USD/tấn. Thị trường thuê tàu cũng sôi động trở lại khi cước thuê tàu trọng tải 50.000 DWT tăng từ 4.000 – 4.500 USD/ngày (tháng 5/2020) lên 15.000 – 17.000 USD/ngày (tùy vị trí)”, ông Hoài dẫn chứng.

Ông Phạm Văn Tưởng, TGĐ Công ty CP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông cũng thông tin, giá cho thuê tàu 20.000 DWT trên tuyến Đông Nam Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) từ 2.000 – 2.500 USD/ngày (thời điểm thấp nhất năm 2020) tăng lên khoảng 6.000 USD/ngày.

Gỡ vướng “hộ chiếu vaccine”, giảm chi phí hoa tiêu, lai dắt

Nhận định về cơ hội của các DN vận tải biển trong năm 2021, lãnh đạo Vosco cho rằng, với mức tăng trưởng dự kiến 4,5% của thế giới, 6 – 7% của Trung Quốc, nhu cầu vận chuyển năm nay chắc chắn sẽ tăng. Trong đó, với tàu hàng khô dự báo nhu cầu vận chuyển tăng từ 30 – 40%.

“Tuy nhiên, khó khăn nhất là nguồn lao động, đối tượng phải đi khắp các quốc gia, tiếp xúc với đủ đối tượng (công nhân tại cảng, người làm thủ tục, chủ hàng) nhưng hiện chưa được tạo điều kiện để thuận lợi trong công việc.

Chính phủ cần xem xét, chỉ đạo cơ quan chức năng đưa thuyền viên vào đối tượng được ưu tiên bay về nước, tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 và cấp “hộ chiếu vaccine” để việc thay thế thuyền viên được xuyên suốt, giúp DN “chớp” được thời cơ tăng giá và đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng duy trì sự hiện diện của đội tàu Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Bùi Việt Hoài đề xuất.

Về phía DN vận tải biển nội địa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Vận tải biển Vũ Gia Tam cho rằng, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Hàng hải VN đã đề nghị các đơn vị hoa tiêu, lai dắt giảm giá dịch vụ cho phương tiện vận tải nội địa.

“Tuy vậy, hiện chi phí lai dắt tại khu vực Hòn La dù đã giảm nhưng vẫn ở mức khoảng 25 – 26 triệu đồng; khu vực Vũng Áng, Nghi Sơn từ 20 – 22 triệu đồng/2 lượt, trong khi thời gian lai dắt chỉ khoảng 15 – 20 phút”, ông Ngọ nói và mong muốn cơ quan có thẩm quyền có ý kiến đối với các đơn vị lai dắt để tiếp tục giảm giá dịch vụ, hỗ trợ tàu nội địa.

Trong khi đó, theo đại diện Công ty TNHH Phương Nam, trong bối cảnh hiện nay, Bộ GTVT cần đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có ý kiến với các ngân hàng thương mại giảm lãi suất hoặc cho chủ tàu giãn nợ.

Những DN vận tải biển nội địa có lý lịch trả nợ tốt cần giảm lãi suất gói vay trung hạn (3 – 4 năm) từ khoảng 11,7%/năm xuống còn 9 – 10%/năm, giúp DN cân đối tài chính, vừa thanh toán nợ, vừa duy trì hoạt động.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, cơ quan này đã và sẽ tiếp tục làm việc với các hiệp hội vận tải biển để tìm hiểu khó khăn và tiếp tục đưa ra các giải pháp hợp lý, trong đó có việc xem xét, đề nghị giảm giá hoa tiêu, lai dắt. Đồng thời, sẽ tiếp tục đồng hành cùng các hiệp hội đề xuất cơ quan chức năng nghiên cứu cơ chế ưu tiên đối với thuyền viên để các DN có được nguồn nhân lực tốt duy trì tuyến vận tải.


“Sự sôi động trên thị trường vận tải hiện nay chỉ là tức thời. Để DN có thể “sống khỏe” trong và sau dịch, Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu cơ chế cho DN khoanh nợ, tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư phương tiện để khắc phục tình trạng kinh doanh có lãi nhưng khấu hao tàu già và lãi vay ngân hàng quá cao so với mặt bằng cước khiến DN không thể thoát lỗ và tiếp tục lay lắt qua ngày.”

Ông Bùi Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT Vosco


Báo Giao thông