Hai bến khởi động cảng Liên Chiểu: Cảng Đà Nẵng mong muốn đầu tư, khai thác

8/08/22 9:54 AM

Cảng Đà Nẵng mong muốn được chỉ định là đơn vị đầu tư và khai thác hai bến khởi động cảng Liên Chiểu dựa trên bề dày lịch sử, sự hiểu biết về thị trường và đặc biệt là mối quan hệ khăng khít với khách hàng, kinh nghiệm và tiến trình số hóa thành công trong công tác quản lý, khai thác cảng.

Như tin đã đưa, trong chuỗi hoạt động của Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng 2022 (diễn ra từ ngày 3 – 8/8), UBND TP Đà Nẵng vừa tổ chức Diễn đàn Phát triển dịch vụ logistisc trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu từ các Bộ, ngành trung ương; các tỉnh, thành của Việt Nam, Lào; các hiệp hội và tổ chức quốc tế; các trường đại học, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp quan tâm đến hoạt động thương mại và dịch vụ logistics trên EWEC.

Cảng Đà Nẵng mong muốn được chỉ định là đơn vị đầu tư và khai thác hai bến khởi động cảng Liên Chiểu

Trình bày tham luận “Chia sẻ kinh nghiệm thu hút nguồn hàng quá cảnh trên tuyến EWEC và triển vọng phát triển“ tại Diễn đàn, ông Lê Quảng Đức – Phó Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng cho hay, Cảng Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất miền Trung, trải qua 121 năm xây dựng và phát triển hiện có vai trò rất quan trọng trong tuyến EWEC.
Những năm qua Cảng Đà Nẵng đã tập trung nguồn lực xây dựng cảng Tiên Sa có hạ tầng ngày càng hiện đại, ứng dụng hữu hiệu công nghệ 4.0 trong mọi hoạt động. Đặc biệt, Cảng Đà Nẵng đi đầu trong việc trở thành cảng điện tử (E-Port). Từ giữa năm 2021, khách hàng giao nhận container không cần đến cảng để làm các thủ tục hành chính.

Đây là nền tảng quan trọng để phát triển các phương án thu hút hàng quá cảnh trên EWEC. Đến nay, Cảng Đà Nẵng đã thu hút được 14 hãng tàu container, hàng tuần đón khoảng 30 chuyến tàu. Trong đó có những hãng tàu hàng đầu thế giới như Mearsk Lines, MSC, CMA-CGM, YangMing, SITC, WanHai, ZIM.

Nhận thức được vai trò quan trọng của TP Đà Nẵng trên tuyến EWC và để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của lượng hàng hóa thông qua, tại Diễn đàn, lãnh đạo Cảng Đà Nẵng đã đề xuất chính quyền TP đẩy nhanh việc hình thành cảng Liên Chiểu để dần thay thế cảng Tiên Sa, góp phần đáp ứng chất lượng dịch vụ logistics trên EWEC.

“Cảng Đà Nẵng mong muốn được chỉ định là đơn vị đầu tư và khai thác hai bến khởi động cảng Liên Chiểu dựa trên bề dày lịch sử, sự hiểu biết về thị trường và đặc biệt là mối quan hệ khăng khít với khách hàng, kinh nghiệm khai thác cảng và tiến trình số hóa thành công trong công tác quản lý, khai thác cảng của Cảng Đà Nẵng”, ông Lê Quảng Đức bày tỏ.

Phối cảnh dự án Cảng Liên chiểu

Cũng liên quan đến cảng Liên Chiểu, trước đó như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 220/TB-VPCP (ngày 1/8/2022) kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng nhân dịp vào dự và phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 (tháng 6/2022).

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 435/QĐ-TTg (ngày 25/3/2021) phê duyệt chủ trương đầu tư phần cơ sở hạ tầng dùng chung thuộc bến cảng Liên Chiểu. Trong đó đã giao cho TP Đà Nẵng đầu tư các hạng mục kè chắn sóng và đê chắn sóng, nạo vét luồng tàu và vũng quay tàu, đường giao thông sau cảng kết nối đồng bộ với đường tránh Nam hầm Hải Vân.

Tại Thông báo 220/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Đà Nẵng khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng và sớm hoàn thành các hạng mục nêu trên; đồng thời kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các phân khu chức năng của khu bến cảng để khai thác đồng bộ, hiệu quả bến cảng Liên Chiểu.

DNVN