Theo kiến nghị của Cục Hàng hải Việt Nam, việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm thủ tục 1 lần cho phương tiện thủy nội địa vận tải qua biên giới thực hiện thủ tục xuất cảnh tại cảng biển TP. Hồ Chí Minh, ghi cảng đích là Phnompenh (Campuchia) là hoàn toàn phù hợp với hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy.
Những năm gần đây, nhất là từ khi Campuchia trở thành thành viên chính thức của tổ chức WTO thì lượng hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng tăng. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để hàng hóa trung chuyển qua các cảng của Việt Nam do tuyến vận tải thủy nội địa có chi phí rẻ hơn rất nhiều so với tuyến đường bộ từ TP. Hồ Chí Minh đến Campuchia.
Hiện nay các doanh nghiệp vận tải thủy bằng phương tiện thủy nội địa từ các cảng khu vực Cái Mép – Thị vải, TP. Hồ Chí Minh đi cảng Phnompenh (Campuchia) qua cửa khẩu Vĩnh Xương (An Giang), Thường Phước (Đồng Tháp) hàng năm làm thủ tục xuất nhập cảnh khoảng 1.000 lượt phương tiện chở các loại hàng hóa. Trong đó, có vận chuyển hàng container với tần suất khoảng 6 chuyến/tuần. Tuyến vận tải container này cũng đóng góp phần lớn trong việc bổ sung nguồn hàng cho các bến cảng tại khu vực Cái Mép hiện nay.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy, tàu biển và phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải qua biên giới phải tiến hành các thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, y tế, kiểm dịch động thực vật một lần tại cảng hoặc bến đi và cảng hoặc bến đến. Trong trường hợp tại những cảng không có bố trí cơ quan chức năng các thủ tục sẽ được tiến hành tại cửa khẩu.
Các cảng vụ hàng hải cấp giấy phép rời cảng từ cảng bến, cum cảng biển tại Việt Nam cho phương tiện thủy đi cảng bến, cụm cảng biển phía Campuchia đều ghi cảng đích là cảng, bến, cụm cảng phía Campuchia.
Do vậy, khi thực hiện giải quyết thủ tục tàu thuyền thì Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh căn cứ xác nhận hoàn thành thủ tục trên Bản khai chung tàu rời cảng của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại khu vực (Biên phòng, Hải quan. Kiểm dịch y tế…) để giải quyết thủ tục cho phương tiện xuất cảnh và giấy phép rời cảng đến cảng đích là cảng phía Campuchia.
Hiện nay các cơ quản quản lý nhà nước chuyên ngành đã xây dựng quy trình thủ tục cho phương tiện làm thủ tục rời cảng để xuất cảnh đi Campuchia tại các cơ quan: Biên phòng cửa khẩu cảng TP. Hồ Chí Minh, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực II, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế nhưng không thực hiện thủ tục xuất cảnh cho phương tiện thủy nội địa đi Campuchia và không xác nhận trên Bản khai chung như trước đây mà chỉ xác định đến Thường Phước, Đồng Tháp nên trên Giấy phép rời cảng từ TP. Hồ Chí Minh không ghi cảng đích là “cảng Phnompenh” như trước đây mà ghi là “Thường Phước”, cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp cho dù hàng vận chuyển là đi thẳng cảng Phnompenh, không thực hiện bốc dỡ tại Thường Phước mà chỉ dừng tại đó để làm thủ tục xuất cảnh và nhập cảnh cho phương tiện, thuyền viên và khai báo hàng hóa theo sự quản lý chuyên biệt của các ban ngành khác nhau theo Hiệp định.
Do vậy, Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh chỉ cấp Giấy phép rời cảng từ TP. Hồ Chí Minh ghi “cảng đích là Thường Phước, Đồng Tháp” nên doanh nghiệp phải làm thêm một lần nữa đối với với Giấy phép rời cảng tại biên giới Thường Phước, Đồng Tháp để ghi “cảng đích là Phnompenh” trong cùng chuyến hành trình (2 lần làm thủ tục).
Cục Hàng Hải Việt Nam cho biết, từ ý kiến của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng Hải Việt Nam báo cáo và kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm thủ tục 1 lần cho phương tiện thủy nội địa vận tải qua biên giới, thực hiện thủ tục xuất cảnh tại cảng biển TP. Hồ Chí Minh, ghi cảng đích là Phnompenh (Campuchia) hoàn toàn phù hợp với Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy.
Báo Hải quan