Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã trình UBND TP.HCM kết quả lập đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ ở huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Sau khi hoàn thành, cảng đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế biển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đồng thời giúp TP.HCM giữ vững vị trí trung tâm logistics của khu vực, vươn lên đứng hàng đầu về vận tải biển.
Trong tương lai không xa, nơi đây đem về nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người dân, hoàn hiện hạ tầng đường sá, thu hút đầu tư…
Cảng Cần Giờ sẽ có tổng chiều dài mặt sông là 7,2km, dự kiến khả năng tiếp cận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay là 24.000 teus
Vị trí cảng là khu vực cù lao Phú Lợi nằm ở cửa sông Cái Mép (thuộc huyện Cần Giờ), nơi đây nằm biệt lập với các khu vực lân cận, hiện nay có kết nối thuận lợi với luồng hàng hải và luồng đường thủy
Hình ảnh cù lao Phú Lợi nhìn từ trên cao. Khu vực này nằm trong vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng đến vùng lõi khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ
Từ vị trí dự án có thể kết nối Biển Đông dễ dàng theo luồng Vũng Tàu – Thị Vải. Riêng khu vực TP.HCM còn có khí hậu thuận lợi cho hoạt động khai thác cảng với nhiệt độ trung bình năm khoảng 26,8 độ C và trong vùng ít khi chịu ảnh hưởng của gió bão lớn gây ra
Công nghệ khai thác: Cảng Cần Giờ sẽ được đầu tư khai thác với công nghệ hiện đại nhất hiện nay, toàn bộ các thiết bị khai thác trên bến và trên bãi sử dụng loại thiết bị chạy bằng điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Áp dụng hệ thống phần mềm chuyên dụng vận hành cảng (Terminal Operating System – TOS) để quản lý và tối ưu hóa hoạt động khai thác của cảng container.
Theo lộ trình, công tác chuẩn bị đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được triển khai từ năm 2023 đến năm 2024. Từ năm 2024 đến 2026 triển khai xây dựng và đưa vào khai thác cảng từ 2027. Quy mô đầu tư bến cảng đề xuất xây dựng cho tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT, tàu feeder trọng tải từ 10.000 – 65.000 DWT và sà lan trọng tải tới 8.000 T. Tổng chiều dài bến chính và bến sà lan lần lượt là 6,8km và 1,9km.
Về nguồn vốn, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, công trình phụ trợ, trung tâm dịch vụ logistics… sẽ đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp (nhà đầu tư). Còn hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ đầu tư bằng vốn ngân sách, hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khi hình thành sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại. Tạo việc làm cho khoảng 6.000 – 8.000 nhân viên, lao động tại cảng và hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics… Dự kiến giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh, cảng đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua các khoản thuế, phí ước tính từ 34.000 đến 40.000 tỉ đồng/năm