Logistics nội có thể vượt ‘bẫy’ thâu tóm?

3/12/20 7:54 AM

Trước làn sóng thâu tóm của các doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới, doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để có thể cạnh tranh sòng phẳng với khối ngoại, vừa tránh bị “nuốt chửng” và chiếm được vị trí trong chuỗi logistics toàn cầu?

Thời gian gần đây, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) diễn ra sôi động trong ngành logistics Việt Nam. Báo cáo logistics Việt Nam năm 2020 đánh giá, các doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam đang được các công ty nước ngoài quan tâm, nhất là sau khi xuất hiện làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư của một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu rút khỏi thị trường Trung Quốc để tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng một thị trường.

Sôi động M&A

Đi kèm với những tác động từ dịch COVID-19 cũng như áp lực cạnh tranh gay gắt trên thị trường, không ít DN logistics tại Việt Nam đã thực hiện mua bán, sáp nhập (M&A) để tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Các doanh nghiệp logistics cần lớn mạnh để cạnh tranh sòng phẳng với khối ngoại

Những thương vụ M&A phải kể tới trong năm 2019-2020 như Tập đoàn Sumitomo thông qua công ty con là SSJ Consulting Việt Nam (Nhật Bản) chi 37 triệu USD để sở hữu 10% vốn tại công ty Gemadept Logistics; công ty Symphony Internationa Holdings (châu Á) chi 42,6 triệu USD để sở hữu công ty CP giao nhận và vận chuyển Indo Trans; hay công ty Mirae Financial Group và Naver (Hàn Quốc) chi 47,01 triệu USD để sở hữu hai trung tâm logistics tại khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh)…

“Vấn đề mua bán và sáp nhập cần được quan tâm và thận trọng. Khó khăn nhất là Việt Nam thiếu những DN lớn để nước ngoài hợp tác thực sự. Ví dụ như Emergent Cold Vietnam và Preferred Freezer vừa có quyết định sáp nhập với Lineage Logistics, tập đoàn lớn nhất thế giới về chuỗi cung ứng lạnh”, báo cáo trên chỉ ra.

Tính chung trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, bưu chính, chuyển phát, thị trường logistics Việt Nam đang thu hút khoảng trên 30.000 DN. Trong đó, chủ yếu là DN vận tải đường sắt, đường bộ và đường ống (59,02%), tiếp đó là DN kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải (33,26%), còn lại là DN vận tải đường thủy (5,27%), vận tải hàng không (0,02%) và DN bưu chính chuyển phát (2,34%).

Theo công ty nghiên cứu Orbis Reserch, về bản chất, hầu hết DN cung ứng dịch vụ logistics Việt Nam vẫn là các DN vừa và nhỏ, cung cấp dịch vụ logistics giá trị gia tăng thấp, 90% có số vốn đăng ký dưới 10 tỷ VNĐ, chỉ khoảng 5% có số vốn trong khoảng 10-20 tỷ VNĐ, còn lại là hơn 20 tỷ VNĐ.

Có khoảng 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, với các thương hiệu lớn như DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics… Số lượng ít những những DN logistics nước ngoài lại đang cho thấy sức cạnh tranh rất đáng gờm.

Khối nội hợp tác với nhau

Ông Lê Mạnh Cương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Logistics và Khai thác Cảng Lokaport, cho biết hiện nay nhiều DN logistics lớn trên thế giới đã vào Việt Nam bằng nhiều cách như mua cổ phần của các DN đã có sẵn, thậm chí là thâu tóm những DN yếu của Việt Nam. Trước thách thức này, các DN logistics của Việt Nam cần phải hợp tác lại với nhau để nâng cao sức mạnh cạnh tranh tốt với khối ngoại.

Trong khi đó, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam(VIMC), nhìn nhận lợi thế của các DN logistics nước ngoài là họ có nền tảng công nghệ thông tin, quan hệ thị trường, trình độ quản trị tốt hơn DN Việt Nam. Tuy nhiên, DN Việt Nam cũng có những lợi thế về hạ tầng, am hiểu tập quán kinh doanh. Vì vậy, nếu cải thiện được chất lượng phục vụ khách hàng thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp cách thức quản trị DN. DN Việt Nam có thể chiếm được vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.

VIMC ký thỏa thuận hợp tác với Erria A/S (Đan Mạch)

Mặt khác, ông Trung cũng cho rằng DN Việt có thể “bắt tay” với các DN nước ngoài. Trong mắt xích của chuỗi logistics cần sự tham gia giữa nguồn lực phía nội với đại lý bên nước ngoài. Ví dụ trong ngành dệt may, thị trường tiêu thụ nước ngoài, do vậy cần hệ thống logistics hỗ trợ ở nước ngoài.

“Chúng tôi đang tận dụng Hiệp định EVFTA để phát triển trung tâm logistics tại châu Âu”, ông Trung cho biết.

Cùng với sự nỗ lực của DN, ông Trung cho rằng chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước là rất quan trọng. DN cần có cơ chế thông thoáng để DN chủ động đầu tư, phát triển thị trường. “Hỗ trợ của Chính phủ về vốn, quy hoạch đất đai phục vụ phát triển logistics rất quan trọng. Hiện nay, nhiều trường hợp khu vực đất đai cần thiết để phát triển logistics lại hướng sang sử dụng mục đích khác như vậy sẽ làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt”, ông Trung cho hay.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các DN logistics trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn do một số các quy định vẫn còn chồng chéo, còn tồn tại những thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành chưa phù hợp. Một số chính sách chưa kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics trong thực tiễn. Điều này đòi hỏi, các cơ quan liên quan cần phải phối hợp để ra môi trường thuận lợi cho ngành logistics phát triển.

Mặt khác, người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng các DN cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng thành tựu của Cách mạng CN 4.0 trong các dịch vụ logisticis, đặc biệt đẩy mạnh kết nối thông tin với mạng logistics toàn cầu.

Quá trình mở cửa, bên cạnh những cơ hội luôn đi kèm với cạnh tranh, DN Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, bước đầu là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp, bài bản, phù hợp với môi trường làm việc quốc tế.

Thời báo kinh doanh