Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế-xã hội.
Nghị quyết nêu rõ, khu vực doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp nhà nước) là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Trong các năm qua, doanh nghiệp nhà nước đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 và những biến động trong khu vực và quốc tế, doanh nghiệp nhà nước đã tích cực triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như trong huy động nguồn lực.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác đầu tư nhằm khơi thông nguồn lực, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (địa phương), Hội đồng thành viên, Người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những nội dung sau:
Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến hết năm 2025 phấn đấu đạt một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể sau:
– 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ứng dụng quản trị trên nền tảng số, thực hiện quản trị doanh nghiệp tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của OECD;
– Phấn đấu 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới, trong đó có một số dự án đầu tư tiêu biểu, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước;
– Có ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ đô la Mỹ;
– 100% doanh nghiệp nhà nước có định hướng và thực hiện chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ xanh, sạch và giảm thải khí carbon;
– Đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 5%-10% so với giai đoạn 2016-2020.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Nghị quyết đề ra 5 nhóm giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; Đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; Đẩy mạnh việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước tham gia vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước; Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; Phát huy vai trò của tổ chức Đảng; coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra trong các doanh nghiệp nhà nước.
Trong nhóm giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước đưa ra những nội dung cụ thể sau:
– Rà soát, tinh giản bộ máy; thiết lập hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả. Kiên quyết phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích, tình trạng móc ngoặc, hình thành “lợi ích nhóm”, “sân sau”, lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.
– Chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp; tiết kiệm tối đa chi phí, tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai… của doanh nghiệp nhà nước, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đẩy mạnh xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước trên thị trường trong nước và quốc tế.
– Tăng cường áp dụng mô hình kinh doanh mới, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường để nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh.
– Giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.