Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực sẽ làm cho hoạt động xuất nhập khẩu sôi động hơn và đây là cơ hội để ngành dịch vụ hậu cần (logistics) gia tăng khách hàng cũng như mở rộng quy mô thị trường.
Cơ hội mở rộng quy mô thị trường
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam Nguyễn Tương cho biết những năm vừa qua, ngành dịch vụ hậu cần nước ta tăng trưởng rất nhanh.
Theo báo cáo điều tra về chỉ số hoạt động dịch vụ hậu cần (LPI) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp thứ 39/160 nước điều tra, tăng 25 bậc so với năm 2016.
Tham gia CPTPP, Việt Nam đứng trước cơ hội thu hút đầu tư, hợp tác với các nước nhằm đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hạ tầng dịch vụ hậu cần. Vốn đầu tư từ các nước thành viên CPTPP sẽ mang lại lợi ích lan tỏa về công nghệ và kỹ năng quản lý hay các dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Theo thống kê từ Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần, bao gồm cả vận tải đường bộ, đường hàng hải, hàng không nội địa lẫn quốc tế. Quy mô thị trường hàng năm ước tính 40 – 42 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 12 -14%/năm.
CPTPP có hiệu lực sẽ làm hoạt động xuất nhập khẩu sôi động hơn và đây là cơ hội gia tăng khách hàng cũng như mở rộng quy mô thị trường dịch vụ hậu cần, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định. Theo tính toán của WB, đến năm 2030, CPTPP giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,1 – 3,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 4,2 – 6,9%, tổng nhập khẩu tăng thêm 5,3 – 7,6%.
Hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu càng nhộn nhịp thì thị trường dịch vụ hậu cần càng mở rộng, đặc biệt là dịch vụ hậu cần quốc tế.
Điểm nổi bật nữa là CPTPP có những cam kết cắt giảm hàng rào phi thuế quan và cam kết về tạo điều kiện thương mại. Chính những điều kiện quan trọng này góp phần làm giảm chi phí dịch vụ hậu cần.
Hợp tác công – tư xây cảng biển nước sâu
Tuy vậy, hội nhập kinh tế quốc tế luôn đi kèm rủi ro và thách thức. Trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực logistics năm 2018 của WB, các thành viên của CPTPP như Singapore xếp thứ 5, còn Nhật Bản, Canada, Australia đều thuộc top 20. CPTPP có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho các đối tác này mở rộng kinh doanh ở Việt Nam và cạnh tranh mạnh mẽ với doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tương cho hay quy mô doanh nghiệp dịch vụ hậu cần trong nước còn nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao, sự thâm nhập vào hệ thống phân phối và chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần chưa tốt, chi phí logistics ở Việt Nam còn cao. Việc tham gia vào CPTPP vì thế sẽ tạo sức ép cạnh tranh lớn với các doanh nghiệp dịch vụ hậu cần Việt Nam.
Để tận dụng lợi thế từ CPTPP, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam Nguyễn Tương cho rằng, hợp tác công – tư là giải pháp hữu hiệu. Hiện nay, công suất của hệ thống cảng biển khoảng 540 triệu tấn/năm và lượng hàng thông qua đã gần đạt ngưỡng này. Với tốc độ phát triển vận tải biển khoảng 13-15%/năm, cùng với CPTPP thúc đẩy xuất nhập khẩu và đầu tư, lượng hàng thông qua cảng biển sẽ tăng nhanh, trong khi hơn 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta là vận tải bằng đường biển. Thực tế này đòi hỏi nhà nước phát triển cảng biển nước sâu theo hình thức đầu tư công – tư.
Cũng theo ông Tương, cần có hợp tác công – tư của các bộ, ngành liên quan để phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ hậu cần như cảng hàng không, cảng biển, đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, trước hết là đường ra vào cảng để giảm ách tắc trong việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt luồng tàu cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long nơi xuất khẩu trên 90% sản lượng gạo và 70% sản lượng trái cây. Bên cạnh đó, cần hợp tác công – tư phát triển các Trung tâm dịch vụ hậu cần lớn. Bản thân doanh nghiệp dịch vụ hậu cần trong nước cần tận dụng CPTPP để mở rộng hợp tác, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của các nước thành viên CPTPP, đặc biệt là mua bán sáp nhập.
Cùng quan điểm, GS.,TS. Nguyễn Đình Đào, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ hậu cần hạng một theo chuẩn mực quốc tế tại các điểm giao cắt vận tải thương mại của các vùng kinh tế trọng điểm nhằm kết nối các phương thức vận tải, thực hiện liên kết kinh tế, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương và doanh nghiệp.
Ưu tiên xây dựng hạ tầng kết nối mạng lưới giao thông theo hướng vận tải đa phương thức để khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại hiện có. Đặc biệt, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật về dịch vụ hậu cần nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho ngành này.