Những công nghệ được dùng phổ biến trong ngành logistics

31/08/23 3:14 PM

AI, blockchain, Internet vạn vật (IoT) giúp doanh nghiệp hậu cần tối ưu hóa quản lý hàng tồn kho, minh bạch quá trình vận chuyển và nâng cao trải nghiệm người dùng.

Tự động hóa quy trình bằng robot (RPA)

RPA cho phép tự động hóa các tác vụ thông thường, thủ công và lặp lại trong quy trình nghiệp vụ. Với giải pháp này, Amazon đã cải thiện đáng kể độ chính xác và giảm thiểu chi phí.

Shopify (công ty thương mại điện tử đa quốc gia của Canada) cũng đang sử dụng robot di động tự hành (AMR) để vận chuyển hàng hóa xung quanh nhà kho hoặc trung tâm phân phối. AMR cũng có thể giúp các công ty logistics tối ưu hóa việc quản lý hàng tồn kho bằng cách giảm nhu cầu theo dõi thủ công.

Theo Mordor Intelligence, thị trường robot hậu cần toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) 29,8% từ năm 2021 đến năm 2026. Sự tăng trưởng này là dấu hiệu cho thấy nhu cầu tự động hóa và nhu cầu ngày càng tăng về hoạt động logistics hiệu quả.

AI và Machine Learning

AI và Machine Learning (học máy) dự kiến sẽ biến đổi ngành hậu cần vào năm 2023. Bằng cách phân tích lượng dữ liệu khổng lồ, những công nghệ này có thể giúp các công ty hậu cần tối ưu hóa hoạt động và đưa ra quyết định sáng suốt.

Công nghệ AI có thể giúp doanh nghiệp quản lý đội xe bằng cách cung cấp dữ liệu thời gian thực về hiệu suất của phương tiện, như hiệu quả sử dụng nhiên liệu, khả năng sẵn sàng của tài xế và nhu cầu bảo trì.

AI cũng có thể giúp doanh nghiệp quản lý hàng tồn kho bằng cách dự đoán nhu cầu, phát hiện sự bất thường với mục đích cuối cùng là giảm nguy cơ hết hàng và ngăn ngừa chi phí bổ sung.

Công nghệ AI cũng có thể giúp các công ty hậu cần cung cấp dịch vụ khách hàng tốt hơn bằng cách cung cấp thông tin cập nhật theo thời gian thực về trạng thái lô hàng, trả lời các thắc mắc của khách hàng cũng như xác định và giải quyết các vấn đề trước khi chúng mang đến rủi ro.

Blockchain

Công nghệ blockchain giúp theo dõi sự di chuyển của hàng hóa và dịch vụ một cách an toàn, minh bạch, từ đó giảm thiểu gian lận của toàn chuỗi cung ứng.

Theo công ty nghiên cứu thị trường MarketsandMarkets, blockchain toàn cầu trong thị trường hậu cần dự kiến tăng trưởng với tốc độ CAGR là 70,4% từ năm 2020 đến năm 2025.

Công nghệ này có thể giúp giảm gian lận bằng cách tạo bản ghi chống giả mạo cho tất cả giao dịch; đảm bảo tất cả các bên trong chuỗi cung ứng đều có quyền truy cập vào cùng một thông tin. Một lợi ích khác là nó cho phép các công ty theo dõi quá trình di chuyển của hàng hóa theo thời gian thực

Công ty vận chuyển Maersk và IBM của Đan Mạch đã giới thiệu một hệ sinh thái vào năm 2018 để theo dõi các phương tiện vận chuyển, gói hàng và vận chuyển hàng hóa cũng như quản lý chuỗi cung ứng. Nền tảng này đã thu thập và hợp nhất dữ liệu về lưu lượng vận chuyển hàng hóa từ các công ty đối tác vào một mạng blockchain duy nhất, cho phép tất cả các bên liên quan truy cập thông tin an toàn.

Ngoài ra, FedEx (Mỹ) cũng có kế hoạch sử dụng công nghệ blockchain và hợp đồng thông minh để theo dõi và lưu trữ thông tin phục vụ việc hoạch định và phân tích chiến lược.

Internet vạn vật (IoT)

Internet of Things (IoT) là mạng kết nối các thiết bị và đồ vật thông qua cảm biến, phần mềm và các công nghệ khác, cho phép các đồ vật và thiết bị thu thập và trao đổi dữ liệu với nhau.

Theo các chuyên gia của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC), đến năm 2025, thị trường sẽ có 55,7 tỷ thiết bị được kết nối. Với ngành logistics, công nghệ này giúp theo dõi và giám sát thời gian thực. Cảm biến IoT có thể được gắn vào hàng hóa, phương tiện và thiết bị để cập nhật trạng thái và vị trí theo thời gian thực.

Với công nghệ này, người dùng có thể kiểm tra hiệu suất và tình trạng của thiết bị và phương tiện, đồng thời phát hiện các sự cố tiềm ẩn trước khi chúng trở thành sự cố nghiêm trọng. Doanh nghiệp cũng có thể theo dõi các kho hàng của mình, như nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng. Công nghệ này còn cung cấp khả năng hiển thị từ đầu đến cuối của chuỗi cung ứng, hay tối ưu hóa tuyến đường hay giúp doanh nghiệp cải thiện dịch vụ khách hàng bằng cách cung cấp thông tin cập nhật theo thời gian thực về trạng thái giao hàng và cho phép theo dõi đơn hàng trong thời gian thực.

Phương tiện tự hành

Xe tự hành, còn gọi là xe tự lái, có khả năng cách mạng hóa ngành hậu cần bằng cách cung cấp một phương thức vận chuyển an toàn và hiệu quả. Xe tự hành có thể loại bỏ sự cần thiết của người lái xe, giảm nguy cơ tai nạn và cải thiện thời gian giao hàng.

Đức đã đầu tư rất nhiều vào phương tiện tự hành và một số công ty hậu cần hiện sử dụng phương tiện tự hành để giao hàng. DHL, một trong những công ty hậu cần lớn nhất thế giới, đã thử nghiệm phương tiện giao hàng tự động ở Đức từ năm 2016.

Ngay cả các hãng vận chuyển như UPS, FedEx và Amazon cũng đang thử nghiệm các phương tiện giao hàng tự động ở nhiều thành phố khác nhau trên khắp nước Mỹ. Bang Arizona cũng trở thành trung tâm thử nghiệm xe tự hành, với Waymo (một công ty con của Alphabet Inc.).

Vnexpress