Sớm điều chỉnh giá dịch vụ xếp dỡ hàng hoá container

1/09/20 10:47 AM

Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) dịch vụ Logistic Việt Nam (VLA) vừa đề nghị cần sớm điều chỉnh giá dịch vụ xếp dỡ hàng hoá container trước thực tế mức giá này tại cảng biển Việt Nam đang thấp hơn mặt bằng chung của các nước trong khu vực.

Giá xếp dỡ container xuất nhập khẩu tại cảng biển Việt Nam cần điều chỉnh để tiệm cận với các nước trong khu vực

Giá dịch vụ xếp dỡ cảng biển Việt Nam thấp nhất khu vực

Cảng biển là đầu mối quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ logistics vì trên 90% hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) hàng năm của cả nước được thông qua cảng biển. Chất lượng dịch vụ của cảng biển được cải thiện, hàng hóa thông qua nhiều và được giải phóng nhanh chóng sẽ góp phần vào việc giảm chi phí logistics của các DN. Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là EVFTA và CPTPP, đòi hỏi việc xây dựng mới các cảng biển nước sâu bên cạnh cải thiện các phương tiện cảng biển hiện có để đáp ứng kịp thời yêu cầu của hàng hóa XNK và quá cảnh đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ.

Theo ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam đã tăng, được quy định rõ tại Thông tư số 54/2018/TT- BGTVT ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy, mức giá này vẫn có khoảng cách khá xa so với giá dịch vụ cảng biển trong khu vực, đặc biệt là Campuchia.

Giá bốc xếp của cảng trong thời gian qua cho thấy sự thay đổi đi xuống. Cụ thể, theo Quyết định số 85/2000/QĐ- BVGCP ngày 10/11/2000 của Ban vật giá Chính phủ hay Quyết định số 61/2003/QĐ- BTC ngày 25/04/2003 của Bộ Tài chính về biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải và giá dịch vụ cảng biển, đơn giá bốc xếp đưa ra đều là 57 – 85 USD/container loại 20 feet và 40 feet tại khu vực 1 và 3. Sau hơn 20 năm, theo Thông tư 54/2018, giá bốc xếp tại khu vực 1 và 3 đối với container loại 20 feet và 40 feet đã thấp hơn rất nhiều, chỉ còn 33- 20 USD khu vực 1; USD 41- 20 USD khu vực 2 và 52- 20 USD khu vực Cái Mép.

Ngoài ra, khi so sánh giá bốc xếp của cảng biển Việt Nam trong cơ cấu phụ phí THC (Terminal Handling Charge) trên thị trường hiện nay, gần như 100% hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) bằng container đi và đến Việt Nam đều do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận. Đội tàu biển Việt Nam chưa có đủ năng lực cung cấp các dịch vụ này. Vì vậy các hãng tàu container nước ngoài đang làm chủ việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa XNK của Việt Nam qua đường biển. Trong tình thế này, các hãng tàu container nước ngoài đang thu của khách hàng XNK Việt Nam rất nhiều loại phí và phụ phí chưa hợp lý, trong đó có phí bốc xếp hãng tàu trả cho cảng.

Đề xuất điều chỉnh giá bốc xếp cảng biển Việt Nam

Việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ để đảm bảo quyền lợi cho DN là cần thiết. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, giá xếp dỡ container xuất nhập khẩu tại cảng biển Việt Nam cần phải bằng 60- 70% so với giá xếp dỡ trong khu vực. Đến thời điểm sau 2025 phải tiệm cận bằng giá dịch vụ trong khu vực.

Trước thực tế này, Cục Hàng hải Việt Nam đã nghiên cứu đề xuất của DN để hình thành được một khung giá hợp lý nhất, đảm bảo cho DN tăng được nguồn thu để tái đầu tư, nâng cấp hạ tầng. Đối với khung giá dịch vụ đối với hành khách thông qua cảng tàu khách chuyên dụng.

Ngoài ra, theo đánh giá của VLA, do tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 đã làm cho sản xuất, xuất nhập khẩu và ngành dịch vụ logistics gặp nhiều khó khăn vì thế đối với dịch vụ hàng không, dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh thì báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá xem xét quyết định trên cơ sở kiểm soát lạm phát cả năm 2020” (Quy định tại Văn bản 251/TB- VPCP ngày 24/7/2020 của Văn Phòng Chính phủ về Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá Chính phủ ngày 1/7/2020).

Đảm bảo không làm tăng chi phí logistics quốc gia, theo tính toán của VLA, các hãng tàu chợ kết hợp chi phí THC vào cùng với giá cước vận tải đường biển, nhưng các Công hội cước nội vùng châu Á sau đó đã đưa ra THC vào cuối năm 1989 với yêu cầu tách các giá dịch vụ này ra riêng biệt để tăng tính minh bạch giá cước phí. Việt Nam là một trong những nước cuối cùng chấp thuận việc áp dụng THC ở khu vực châu Á. THC áp dụng tại Việt Nam ngày 1/6/2007 với mức 50 USD/container 20 feet và 75 USD/container 40 feet. Sau 13 năm, mức phí THC này đã tăng 2,5 lần, trong khi giá bốc xếp cảng biển lại giảm đi 30- 40%

Với quy định như vậy song hiện tại các hãng tàu container nước ngoài đang thu phụ phí THC cao nhưng chỉ trả lại cho cảng ở mức chỉ bằng 30 – 45% mức thu từ các khách hàng XNK. Vì vậy, khi điều chỉnh giá dịch vụ bốc xếp cảng biển, đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước về giá – phí và vận tải biển, cần đẩy mạnh việc quản lý các hãng tàu container nước ngoài không được tăng thu phụ phí THC và các phụ phí khác, thể hiện công cụ quản lý Nhà nước là yếu tố quan trọng nhằm góp phần cắt giảm chi phí logistics quốc gia.

Để tránh việc điều chỉnh giá bốc xếp cảng biển ảnh hưởng đến hoạt động của các DN XNK, DN cung cấp dịch vụ logistics và hãng tàu, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp và tác động làm đứt gãy chuỗi cung toàn cầu thì việc điều chỉnh giá bốc xếp cần có lộ trình rõ ràng vào thời điểm thích hợp năm 2021. Giá cảng biển nói chung và giá bốc xếp cảng biển nói riêng phải đảm bảo hiệu quả đầu tư của DN cảng và lợi ích quốc gia trong quá trình kinh doanh.

Công thương