Vận tải biển: Nhiều điểm sáng nhưng vẫn còn… rất chông chênh

17/07/19 8:02 AM

Đội tàu biển nội địa đủ sức ‘cõng’ sản lượng hàng hóa nhưng hiện cũng đang vấp phải sự canh tranh khốc liệt từ các hãng tàu nước ngoài.

Đội tàu biển và dịch vụ logistics hàng hải thời gian qua đã có nhiều bước cải thiện nhưng chỉ chiếm thị phần tương đối nhỏ và vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng nước ngoài.

Nhiều điểm sáng

Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến tháng 6/2019, đội tàu biển Việt Nam có 1.568 tàu (trong đó tàu vận tải 1.106 tàu) với tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu tấn, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia, Malaysia) và thứ 30 trên thế giới.

Tuổi tàu bình quân của đội tàu Việt Nam hiện là 15,6, trẻ hơn 5,2 tuổi so với thế giới (20,8 tuổi). Cơ cấu đội tàu biển Việt Nam cũng phát triển theo hướng chuyên dụng hóa, đặc biệt, đội tàu container Việt Nam tăng trưởng khá tốt từ 19 tàu trong (năm 2013) lên 39 tàu (năm 2019).

Về khối lượng hàng thông qua cảng biển do đội tàu Việt Nam vận chuyển đạt 81,2 triệu tấn tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khối lượng hàng container thông qua cảng của đội tàu biển Việt Nam đạt 1,2 triệu Teus tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

Thừa nhận cơ cấu đội tàu biển Việt Nam trong thời gian qua đã có bước cải thiện đáng kể, đội tàu phát triển theo hướng chuyên dụng hóa, đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước, tuy vậy, ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá, đội tàu cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu vận tải nội địa và vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu tại một số nước trong khu vực, chưa tăng được thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu.

“Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như hàng lỏng (LPG), xi măng rời… Hàng hóa vận chuyển nội địa chủ yếu là các mặt hàng gia dụng, lương thực, than, vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, container, xăng dầu, hàng hoá tổng hợp…,” ông Việt cho hay.

Đối với vận tải biển quốc tế, đội tàu biển nước ta đang đảm nhận vận chuyển khoảng 7% thị phần và chủ yếu vận tải các tuyến gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á, đội tàu container Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một số tàu hàng rời đã vận tải hàng hóa trên các tuyến châu Âu.

Về dịch vụ hàng hải và logistics, thống kê của Cục Hàng hải cho thấy, cả nước hiện nay có khoảng 300.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực logistics, trong đó có khoảng 1.300 doanh nghiệp tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ hàng hải và logistics. Khoảng 30 doanh nghiệp logistics xuyên quốc gia đang động tại Việt Nam.

“Các công ty logistics của Việt Nam với số lượng nhiều nhưng chỉ chiếm thị phần tương đối nhỏ, chủ yếu thực hiện một số khâu dịch vụ trong chuỗi dịch vụ logistics hoặc làm đại lý cho hãng tàu biển nước ngoài,” lãnh đạo Cục Hàng hải chỉ rõ thực tế.

Sau một số hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quyết định khung giá dịch vụ bốc dỡ container và quyết định giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển, qua đó sẽ hạn chế được tình trạng phá giá, bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Lo mất thị phần

Đánh giá lĩnh vực vận tải biển giữ được đà tăng trưởng ấn tượng, khối lượng hàng thông qua cảng biển do đội tàu Việt Nam vận chuyển đạt hơn 81 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công thừa nhận, ngành vận tải biển của Việt Nam vẫn còn thách thức khi năm 2018, đội tàu biển là hơn 1.600 tàu, nhưng thời điểm hiện tại con số đó giảm xuống còn 1.568 tàu.

“Đây là con số đáng lo ngại. Đội tàu suy giảm mạnh, mục tiêu đáp ứng vận chuyển 100% sản lượng vận tải hàng hóa nội địa sẽ khó đạt được như kỳ vọng,” Thứ trưởng Công đánh giá.

Cho rằng công tác quản lý đội tàu sông pha biển (VR-SB) cần phải rà soát để đảm bảo sự hài hòa giữa các loại hình vận tải biển, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, vừa qua, nhiều phương tiện lại hoạt động sai bản chất, vận chuyển hàng hóa từ cảng biển này qua cảng biển khác và nếu không được quản lý kịp thời sẽ phá vỡ đội tàu biển.

“Cục Hàng hải phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất những giải pháp để phát triển loại hình VR-SB hiệu quả hơn, phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế về an toàn, an ninh hàng hải,” Thứ trưởng Công chỉ đạo.

Ông Công cũng đề nghị Cục Hàng hải cần nghiên cứu, có đề xuất giải pháp hợp lý như xem xét chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ kinh phí thực tập cho học viên ngành đi biển; miễn thuế thu nhập cho thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển hoạt động nội địa; nghiên cứu mức lương tối thiểu cho thuyền viên đi biển… để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ nhằm thu hút nguồn nhân lực hàng hải chất lượng./.

Hiện nay, tổng số bến cảng được công bố là 281 bến cảng với tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng: cầu bến, phao neo, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa, phát triển cơ bản hoàn chỉnh.

Dự báo, năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 308,8 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018; hành khách qua cảng đạt 3,8 triệu hành khách, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, ngành hàng hải xảy ra 7 vụ tai nạn, giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Trên trường quốc tế, đội tàu biển Việt Nam tiếp tục nằm trong “danh sách trắng” (an toàn) của Tổ chức Chính quyền cảng các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Vietnamplus