Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong năm 2019, vận tải hàng hải Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng ấn tượng, theo đó sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 654 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ); khối lượng hàng container ước đạt 19,35 triệu TEU; hành khách thông qua cảng đạt 7,5 triệu hành khách. Tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 154 triệu tấn – cao hơn so với năm 2018 (144,6 triệu tấn).
Tính đến cuối năm 2019, đội tàu biển Việt Nam có 1.507 chiếc (trong đó tàu vận tải hàng hóa là 1.047 chiếc). Đáng nói, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển. Hàng hóa vận chuyển nội địa chủ yếu là các mặt hàng gia dụng, lương thực, than, vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, container, xăng dầu, hàng hoá tổng hợp… Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia, Malaysia) và thứ 29 trên thế giới.
Đáng chú ý, cơ cấu đội tàu biển Việt Nam trong thời gian qua đã có bước cải thiện đáng kể, các doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển đội tàu theo hướng chuyên dụng hóa, đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước. Cụ thể, đội tàu container Việt Nam tăng trưởng khá tốt, số lượng tàu tăng từ 19 tàu trong năm 2013 lên 39 tàu trong năm 2019. Đây là những con số ấn tượng của ngành hàng hải sau giai đoạn 2014-2015 tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, đội tàu Việt Nam hiện cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu vận tải nội địa và vận tải hàng feeder tại một số nước trong khu vực, chưa tăng được thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Tàu container Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á, thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu đảm nhận vẫn dưới 10%.