Bản tin pháp luật tháng 10/2018

17/11/18 9:02 AM

1.Nguyên tắc xử lý vướng mắc do sự khác nhau giữa Luật đầu tư và Luật thuế TNDN trước 2014

Ngày 06/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP, theo đó, tại Khoản 12, Chính phủ đã chỉ đạo nguyên tắc về xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp do có sự khác nhau trong Luật đầu tư và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian trước năm 2014 như sau:

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các trường hợp vướng mắc của doanh nghiệp do có sự khác nhau giữa Luật đầu tư và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian trước năm 2014.

Việc xử lý được thực hiện theo nguyên tắc không hồi tố các quy định pháp luật.

2.Nguyên tắc tái cơ cấu DNNN thông qua hoạt động mua bán nợ

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 69/2018/TT-BTC hướng dẫn thực hiện tái cơ cấu DNNN không đủ điều kiện cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần thông qua xử lý nợ để chuyển thành công ty cổ phần

Trong Thông tư, Bộ Tài chính nêu rõ nguyên tắc tái cơ cấu DN thông qua hoạt động mua bán nợ,cụ thể, phương án tái cơ cấu DNNN được thực hiện trên nguyên tắc đồng thuận giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu DN tái cơ cấu với Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) hoặc các chủ nợ tham gia tái cơ cấu.

DATC chỉ quyết định mua nợ sau khi đã thỏa thuận, thống nhất với cơ quan đại diện chủ sở hữu và có kết quả đàm phán mua nợ với các chủ nợ của DN tái cơ cấu. Phương án mua bán nợ để tái cơ cấu DN phải đảm bảo có tính khả thi, có khả năng thu hồi vốn hiệu quả và đủ nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ với giá trị sổ sách khoản nợ để xử lý tài chính, chuyển đổi thành công DNNN sang công ty cổ phần theo quy định.

Trường hợp phương án mua nợ để tái cơ cấu DN không khả thi và hiệu quả thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa/tái cơ cấu báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật.

Đối với việc xử lý tài chính khi xác định giá trị DN, DN tái cơ cấu thực hiện xử lý tài chính khi xác định giá trị DN theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 41/2018/TT-BTC ngày 4/5/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính và xác định giá trị DN khi chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Đối với việc bán cổ phần lần đầu, DN tái cơ cấu thực hiện trình tự, thủ tục, phương thức bán và giá bán cổ phần lần đầu theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 40/2018/TT-BTC ngày 4/5/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển thành công ty cổ phần. Trong đó, căn cứ quy định tại điểm d Khoản 1 và Khoản 3 Điều 42 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định giá bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn tại DN tái cơ cấu không thấp hơn 60% mệnh giá cổ phần.

DATC và các chủ nợ tham gia tái cơ cấu DN được chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo nguyên tắc thỏa thuận và được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt trong phương án tái cơ cấu.

Thông tư số 69 cũng quy định chi tiết một số nội dung như: chính sách đối với người lao động dôi dư; chi phí chuyển đổi DN tái cơ cấu thành công ty cổ phần; quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa/tái cơ cấu.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2018.

3.Quy định mới về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

Ngày 16/7/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 59/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 219/2015/TT-BTC về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Theo đó Thông tư 59 bổ sung quy định “Ghi giảm vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”. Cụ thể, doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động thực hiện điều chỉnh giảm vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong các trường hợp sau: Đối với doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giảm vốn điều lệ: Cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ tình hình thực tế hoạt động của doanh nghiệp, sự cần thiết phải giảm quy mô hoạt động của doanh nghiệp, nguyên tắc xác định vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP để xác định vốn điều lệ giảm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý giá trị vốn điều lệ giảm.

Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xử lý giá trị vốn điều lệ giảm, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định điều chỉnh giảm vốn điều lệ cho doanh nghiệp.

Trường hợp điều chỉnh giảm vốn điều lệ mà phát sinh phần chênh lệch vốn đầu tư của chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ điều chỉnh giảm thì xử lý như sau: Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm thông báo và yêu cầu doanh nghiệp nộp phần chênh lệch này về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc điều chỉnh giảm vốn điều lệ.

Doanh nghiệp nhà nước hạch toán giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu trên cơ sở vốn điều lệ đã được xác định lại.

Các trường hợp điều chỉnh giảm vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động nêu trên, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các thủ tục thay đổi và công bố thông tin về vốn điều lệ trong giấy đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/9/2018.

4.Chuyển nhượng vốn đầu tư tham gia trong hợp đồng hợp tác kinh doanh

Theo Thông tư 59/2018/TT-BTC ngày 16/7/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 219/2015/TT-BTC về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đã bổ sung nội dung “Doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng vốn đầu tư tham gia trong hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC)”

Doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng vốn đầu tư tham gia trong hợp đồng BCC theo quy định tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP và hướng dẫn sau đây: Cấp có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn căn cứ vào nội dung cụ thể của hợp đồng BCC, trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước được phép chuyển nhượng vốn để thực hiện thoái vốn thì quyết định việc áp dụng phương thức chuyển nhượng vốn phù hợp theo một trong hai trường hợp dưới đây:

Trường hợp chỉ được phép chuyển nhượng vốn cho các thành viên tham gia hợp đồng BCC thì áp dụng phương thức chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên quy định tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.

Trường hợp không có quy định ràng buộc chuyển nhượng vốn cho thành viên tham gia hợp đồng BCC thì áp dụng phương thức chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần chưa niêm yết quy định tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/9/2018.

5.Quy định về chuyển đổi hóa đơn điện tử thành hóa đơn giấy

Ngày 12/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Theo đó, quy định về việc chuyển đổi HĐĐT thành chứng từ giấy như sau:

– HĐĐT hợp pháp được chuyển đổi thành chứng từ giấy.

– Việc chuyển đổi HĐĐT thành chứng từ giấy phải bảo đảm sự khớp đúng giữa nội dung của HĐĐT và chứng từ giấy sau khi chuyển đổi.

– HĐĐT được chuyển đổi thành chứng từ giấy thì chứng từ giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về giao dịch điện tử, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán, trừ trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định 119.

Nghị định 119 bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2018.

6.Người lao động chậm đóng BHYT 30 ngày: Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm

Ngày 16/7/2018, Bảo hiểm xã hội đã ban hành Quyết định 888/QĐ-BHXH sửa đổi Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017.

Theo đó, người lao động (NLĐ) thuộc các trường hợp sau đây nếu chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên thì đơn vị sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 49 Luật bảo hiểm y tế (đã được sửa đổi năm 2014) như sau:

– NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, NLĐ là người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành Hợp tác xã hưởng tiền lương, làm việc tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định tại Khoản 3 Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH.

– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

– Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

– Đối tượng do NLĐ, Công an đơn vị, địa phương đóng BHYT: Công dân được tạm tuyển trước khi chính thức được tuyển chọn vào Công an nhân dân; công nhân Công an; NLĐ làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên.