Bản tin Pháp luật tháng 9/2018

8/10/18 7:45 AM

1.Ủy ban quản lý vốn tại 19 doanh nghiệp Nhà nước

Ngày 29/09/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (sau đây gọi là Ủy ban).

Ủy ban này là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Có 19 doanh nghiệp do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu, trong đó có: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam…

Tại các doanh nghiệp nêu trên, Ủy ban đảm nhiệm các nhiệm vụ như:

– Cử, bãi, miễn nhiệm, luân chuyển, điều động, quyết định tiền lương, phụ cấp trách nhiệm, tiền thưởng của người đại diện phần vốn Nhà nước;

– Quyết định việc tăng vốn, bổ sung vốn đầu tư nhà nước, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp của Nhà nước;

– Giám sát việc thu hồi vốn đầu tư, thu lợi nhuận, cổ tức…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 29/09/2018.

2.Chính sách đối với người lao động khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Ngày 01/8/2018, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xây dựng phương án sử dụng lao động và thực hiện chính sách đối với NLĐ khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Trong hướng dẫn xây dựng phương án sử dụng lao động và thực hiện chính sách đối với người lao động khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ban hành kèm theo Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định các đối tượng được mua cổ phần doanh nghiệp Nhà nước với giá ưu đãi gồm:

– Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động của doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp;

– Người lao động của doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được cử xuống làm đại diện phần vốn của doanh nghiệp khác, chưa được hưởng chính sách mua cổ phần hóa ưu đãi tại các doanh nghiệp khác;

– Người quản lý của doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa;

– Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và người quản lý doanh nghiệp cấp II, chưa được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại các doanh nghiệp khác tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa đối với trường hợp cổ phần hóa Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của Tổng công ty Nhà nước, Công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con.

– Người đại diện cho hộ gia đình nhận khoán (nếu có) của doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Ngoài ra, quy định về thời gian thực tế làm việc tại khu vực nhà nước để tính mua cổ phần với giá ưu đãi  (theo điểm b Khoản 1 Điều 42 Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017) bao gồm:

– Thời gian thực tế đối tượng mua cổ phần với giá ưu đãi đã làm việc (cộng dồn) tại DN cổ phần hóa tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

– Thời gian thực tế đối tượng mua cổ phần với giá ưu đãi đã làm việc (cộng dồn) tại những đơn vị sau trước khi về làm việc tại DN cổ phần hóa:Cơ quan hành chính nhà nước; Đơn vị sự nghiệp nhà nước; Tổ chức chính trị; Tổ chức chính trị – xã hội; Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (kể cả thời gian người lao động đi nghĩa vụ quân sự); DN do NN nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc DN do DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ đầu tư 100% vốn điều lệ.

Các thời điểm này cũng bao gồm  cả thời gian đã làm việc tại doanh nghiệp trước khi sáp nhập, hợp nhất với doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc chia, tách thành doanh nghiệp cổ phần hóa (nếu có).

Thông tư 07/2018/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2018.

3.Nhiều thay đổi về thủ tục đăng ký doanh nghiệp từ 10/10

Ngày 23/08/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

Theo Nghị định mới này, sẽ có một số thay đổi về đăng ký doanh nghiệp từ ngày 10/10/2018 như:

– Bổ sung quy định: Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nghị quyết, quyết định, biên bản họp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

– Bổ sung quy định: Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

– Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không yêu cầu phải nộp bản sao Điều lệ hoặc tương đương khác của chủ sở hữu công ty trong trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức.

– Bổ sung quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Theo đó, hồ sơ gồm bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế và các giấy tờ khác tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp trong 2 ngày làm việc.

– Bỏ quy định: Doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/10/2018.

4.Hướng dẫn cấp GCN đăng ký doanh nghiệp theo hệ thống ngành mới

Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ngày 20/08/2018 đã ban hành Công văn 234/ĐKKD-NV hướng dẫn một số nội dung liên quan đến việc thi hành Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.

Cụ thể như sau:

Đối với doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trước 20/8/2018:

+ Doanh nghiệp tiếp tục hoạt động theo nội dung ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký và không bắt buộc phải cập ngành, nghề kinh doanh theo Hệ thống ngành mới.

+ Việc cập nhật ngành, nghề kinh doanh theo Hệ thống ngành mới được thực hiện khi doanh nghiệp có nhu cầu hoặc khi doanh nghiệp thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh…

Đối với hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được tiếp nhận trước 20/8/2018 và chưa được chấp thuận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp:

– Đối với hồ sơ đề nghị cấp đổi sang giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Nếu tên, mã ngành, nghề kinh doanh không thay đổi so với Hệ thống ngành mới thì được cấp đăng ký doanh nghiệp; Nếu có thay đổi, doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ so với Hệ thống ngành mới.

– Đối với hồ sơ nộp qua mạng điện tử, đã được Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo về việc hồ sơ hợp lệ trước 20/08/2018 nhưng nộp hồ sơ bằng bản giấy sau ngày 20/08/2018 và mã ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp đã kê khai có sự thay đổi so với Hệ thống ngành mới thì:

+ Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được chấp thuận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

+ Doanh nghiệp làm đề nghị cập nhật, bổ sung thông tin theo mẫu tại Phụ lục II-5 ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT để Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật ngành, nghề kinh doanh theo Hệ thống ngành mới.

5.Sẽ sửa đổi Luật Đất đai để thống nhất với Luật Đầu tư

Nội dung này nằm trong Nghị quyết 110/NQ-CP ngày 25/08/2018 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng.

Cụ thể, Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo hướng thống nhất về thời gian chậm triển khai thực hiện dự án bị thu hồi đất giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư.

Tương tự, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường theo hướng thực hiện đồng thời thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường với thủ tục thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng…

Tại Nghị quyết này, Chính phủ cũng nhấn mạnh kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, lãnh đạo cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện dự án, công trình xây dựng; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực…

6.Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 113/2018/NĐ-CP ngày 31/08/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.

Nghị định này bổ sung thêm một số trường hợp bị tinh giản biên chế:

​          – Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

– Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương…

Theo đó, thời điểm được dùng làm căn cứ để tính đủ tuổi đời hưởng chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi là ngày 01 tháng sau liền kề với tháng sinh của đối tượng. Trường hợp trong hồ sơ không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh của đối tượng.

Kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong dự toán ngân sách Nhà nước của các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương được áp dụng từ năm ngân sách 2019.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.

7.Hiến máu tình nguyện được tặng dịch vụ khám chữa bệnh

Từ 01/11/2018, chế độ hỗ trợ đối với người hiến máu, bao gồm cả hiến máu lấy tiền và hiến máu tình nguyện không lấy tiền sẽ được áp dụng theo Thông tư 20/2018/TT-BYT…

Cụ thể, người hiến máu toàn phần tình nguyện được lựa chọn nhận quà tặng là dịch vụ khám, chữa bệnh thay vì chỉ được nhận quà tặng bằng hiện vật như trước đây. Giá trị tối thiểu của quà tặng như sau:

– 100.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 250ml;

– 150.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 350ml;

– 180.000 đồng với người hiến một đơn vị máu thể tích 450ml.

Thủ trưởng của đơn vị tiếp nhận máu có trách nhiệm công khai danh mục các dịch vụ khám chữa bệnh và mức giá của từng dịch vụ để người hiến máu lựa chọn.

Cũng theo Thông tư này, người hiến máu toàn phần lấy tiền được chi tiền trực tiếp như sau:

– 195.000 đồng với người hiến một đơn vị máu có thể tích 250ml;

– 320.000 đồng với người hiến một đơn vị máu có thể tích 350ml;

– 430.000 đồng với người hiến một đơn vị máu có thể tích 450ml.

Mức chi bình quân tối đa đối với ăn uống tại chỗ của người hiến máu (cả người hiến máu tình nguyện không lấy tiền và người hiến máu lấy tiền) là 30.000 đồng/người/lần hiến máu.

Thông tư này được ban hành ngày 30/08/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.

8.Chỉ được tổ chức Lễ kỷ niệm vào năm tròn

Trên đây là yêu cầu của Chính phủ tại Nghị định 111/2018/NĐ-CP quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

– Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn (năm có chữ số cuối cùng là số 0). Vào các năm khác thì chỉ tổ chức tuyên truyền, thi đua, hội thảo, tọa đàm… Trường hợp Bộ, ngành, cấp tỉnh đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức kỷ niệm;

– Không được tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm;

– Chỉ được tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền;

– Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức.

Nghị định này được ban hành ngày 31/08/2018, có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.

9.Đồng loạt sử dụng hóa đơn điện tử từ 01/11/2020

Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đã được Chính phủ ban hành ngày 12/09/2019.

Tại Nghị định này, Chính phủ yêu cầu việc thực hiện hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ và cá nhân kinh doanh phải được hoàn thành chậm nhất là ngày 01/11/2020. Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ và cá nhân kinh doanh đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, tự in hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/10/2020.

Nghị định này cũng quy định cụ thể về các đối tượng được cơ quan thuế cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử miễn phí, trong đó có:

– Hộ, cá nhân kinh doanh, trừ hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước từ 03 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng hoặc 10 tỷ đồng trở lên lĩnh vực thương mại, dịch vụ;

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong 12 tháng, kể từ khi thành lập doanh nghiệp;

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn;

– Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND cấp tỉnh, trừ doanh nghiệp hoạt động tại khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao;

Để khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính có thể quyết định một số trường hợp khác được sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử miễn phí.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/11/2018.

10.Thêm một trường hợp được bảo đảm ưu đãi đầu tư

Ngày 28/8/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 81/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 83/2016/TT-BTC hướng dẫn ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư và Nghị định 118/2015/NĐ-CP.

Thông tư này bổ sung một trường hợp được bảo đảm ưu đãi đầu tư theo Điều 3 Nghị định 118/2015/NĐ-CP, đó là:

Các dự án đầu tư được cấp giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trước ngày 1/7/2015 và dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng thực hiện trước ngày 1/7/2015 thực hiện chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của văn bản pháp luật có hiệu lực trước thời điểm ngày 1/7/2015.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/10/2018.

11.Thủ tướng chỉ thị tiếp tục cải cách TTHC thuế và hải quan

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 04/09/2018 về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn.

Thủ tướng chỉ thị từng bộ, ngành sẽ triển khai các công việc cụ thể như sau:

– Bộ Tài chính: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…

– Bộ Công Thương: Phối hợp với các bộ, ngành đánh giá tác động của việc xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cam kết trong ASEAN đối với các mặt hàng nhạy cảm như ô tô, đường, xăng dầu…

– Bộ Ngoại giao: Đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả đối ngoại đa phương, chú trọng thúc đẩy xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025;

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì tiến hành tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài và đánh giá tác động của việc thu hút đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế trong thời gian gần đây.

12.Bao che vi phạm của cấp dưới, tổ chức Đảng bị khiển trách

Quy định số 07-QĐi/TW về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng vi phạm đã được Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 28/08/2018.

Quy định này đặt ra một số hình thức kỷ luật đối với các lỗi vi phạm của các tổ chức Đảng như:

– Khiển trách với tổ chức Đảng không giữ vững vai trò lãnh đạo, để nội bộ mất đoàn kết, giảm sút ý chí chiến đấu hoặc để cá nhân lợi dụng thâu tóm, thao túng dẫn đến có những quyết định sai trái nhưng gây hậu quả ít nghiêm trọng;

– Cảnh cáo đối với tổ chức Đảng báo cáo sai sự thật, bao che khuyết điểm, vi phạm của cấp dưới; Không xử lý kịp thời Đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm dẫn đến Đảng viên đó vi phạm;

– Giải tán đối với tổ chức Đảng cố ý không tổ chức sinh hoạt Đảng trong 03 kỳ liên tiếp mà không có lý do chính đáng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…

Cũng theo Quy định này, thời hiệu xử lý kỷ luật tổ chức Đảng là 05 năm đối với vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hình thức cảnh cáo; với vi phạm đến mức giải tán, không áp dụng thời hiệu.