Bộ GTVT vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về tiêu chí phân loại cảng biển.
Cảng biển Việt Nam sẽ được phân loại theo tiêu chí cụ thể về năng lực, quy mô…
Theo Dự thảo, các cảng biển tại Việt Nam sẽ được đánh giá dựa trên các tiêu chí phân loại như tiêu chí về chức năng của cảng biển, tiêu chí về quy mô của cảng biển.
Cụ thể, tiêu chí về chức năng của cảng biển (tối đa 50 điểm) được đánh giá qua các chỉ tiêu: Phục vụ cho việc phát triển KT-XH của cả nước hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế (tối đa 50 điểm); Phục vụ cho việc phát triển KT-XH của cả nước hoặc liên vùng (tối đa 40 điểm); Phục vụ cho việc phát triển KT-XH của vùng (tối đa 30 điểm); Phục vụ cho việc phát triển KT-XH của địa phương (tối đa 20 điểm).
Tiêu chí về quy mô của cảng biển (tối đa 50 điểm) được đánh giá qua với các tiêu chí: Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển, tối đa 25 điểm; Cỡ tàu lớn nhất có thể tiếp nhận tại cảng biển, tối đa 25 điểm.
Dự thảo nêu rõ, việc đánh giá phân loại cảng biển theo phương thức chấm điểm. Thang điểm đánh giá là 100. Nếu đạt trên 90 điểm sẽ được xếp loại cảng biển đặc biệt, đạt trên 70 điểm đến 90 điểm được xếp vào nhóm cảng biển loại 1. Cảng biển loại II đạt từ 50 điểm đến 70 điểm và cảng biển được xếp loại 3 là những cảng đạt dưới 50 điểm.
“Việc phân loại cảng biển sẽ góp phần thống nhất quản lý nhà nước về cảng biển, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, định hướng đầu tư cho các cảng biển, giúp cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ khai thác của từng bến cảng, cầu cảng trong cảng biển và quảng bá thương hiệu cho từng bến cảng, cảng biển”, dự thảo nêu.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, dựa trên tiêu chí đánh giá trên, cảng biển nào khai thác tốt và đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ hoàn toàn có cơ hội được đánh giá, phân loại lại, từ đó đón nhận nhiều cơ hội đầu tư hơn.
Trong khi đó, một lãnh đạo cảng Cam Ranh cho rằng, việc phân loại cảng biển sẽ phục vụ cho các cấp chức năng đánh giá được tầm quan trọng của từng cảng trong chiến lược phát triển chung của KT-XH đất nước, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
‘Thực tế, cảng thu hút được nguồn hàng hay không phần lớn phụ thuộc vào các yếu tố như: tính hiện đại của hệ thống trang thiết bị xếp dỡ, thời gian thông quan, thời gian giải phóng tàu tại cảng, còn lại, việc cảng xếp loại nào không có tác động lớn đến việc hãng tàu lựa chọn cảng cập bến”, vị này nói.
Hiện tại, hệ thống cảng biển Việt Nam được phân chia thành 6 nhóm cảng biển với 45 cảng biển đang hoạt động trong đó: 2 cảng biển loại IA (cảng cửa ngõ quốc tế gồm: cảng biển Hải Phòng và cảng biển Vũng Tàu); 12 cảng biển loại I (cảng tổng hợp đầu mối khu vực); 18 cảng biển loại II (cảng tổng hợp địa phương) và 13 cảng biển loại III (cảng dầu khí ngoài khơi).