Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do, mà gần đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Khi hiệp định này chính thức có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải biển.
Cơ hội rộng mở
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,6% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Dự kiến, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU sẽ tăng mạnh và sản lượng xuất, nhập khẩu qua các cảng của Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng trong thời gian tới.
Đặc biệt, Hiệp định này cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam cho phương tiện vận tải, các loại máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ hoạt động logistics từ EU là cơ hội để doanh nghiệp logistics trong nước có thể mua những sản phẩm phục vụ sản xuất với giá hợp lý; tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực công nghệ, tăng cường năng lực tự thực hiện, giảm các dịch vụ thuê ngoài.
Có thể nhận định, đây là cơ hội thu hút đầu tư từ EU, tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nguồn vốn, mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với EU trong phát triển cảng biển, kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong phát triển cảng, các cơ sở và dịch vụ logistics. Mặt khác, đây cũng là điều kiện để tiếp cận thị trường dịch vụ logistics các nước thành viên EU khi EU mở cửa nhiều dịch vụ nhóm logistics cho nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam.
Ông Lennart Janssen – Chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Hậu cần thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá, kể từ khi có hiệu lực từ ngày 01/8, hiệp định này sẽ tác động tích cực đến ngành logistics, hỗ trợ cơ sở hạ tầng vận tải biển và logistics nhằm nâng tầm, thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng logistics.
“Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội hợp tác, chia sẻ thông tin, chuyên môn, thực tiễn tốt nhất, bí quyết và công nghệ từ góc độ kinh doanh, thúc đẩy hơn nữa hợp tác EU – Việt Nam trong lĩnh vực logistics, góp phần phát triển chuỗi logistics tại Việt Nam từ kho bãi, hậu cần, hợp đồng vận tải đến việc phân phối và quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Hiệp định giúp phát triển ngành công nghiệp đóng tàu, khám phá đầu tư, hợp tác về xây dựng, vận hành các tuyến vận chuyển hàng hóa đến cảng, kho bãi ở Việt Nam”, ông Lennart Janssen khẳng định.
Bứt phá vươn xa
Ngay từ khi Việt Nam xúc tiến ký các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải đã chủ động nghiên cứu, rà soát lại hệ thống cảng biển của Việt Nam, xây dựng một số đề án nâng cao hiệu quả khai thác của các cảng biển, trong đó có cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải và cảng Lạch Huyện.
Cùng với đó, Cục Hàng hải Việt Nam đã triển khai nghiên cứu xây dựng một số cơ chế chính sách hỗ trợ các tàu thuyền, tàu container có trọng tải lên đến 20.000 TEU được phép vào các cảng nước sâu và cắt giảm một số thủ tục không cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy thương mại; chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm nghiên cứu phát triển hệ thống thông tin quản lý cảng biển, kết nối với hệ thống thông tin một cửa quốc gia để giảm thủ tục hành chính cũng như ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa bằng đường biển.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của bà Nguyễn Thị Thương – Phó Trưởng phòng Phụ trách Vận tải và Dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay các cảng nằm sâu trong sông, hạn chế về luồng và hơn hết là áp lực về giao thông đường bộ. Việc kết nối các phương thức vận tải còn hạn chế, phương thức vận tải chủ đạo hiện nay là đường bộ, vận tải đường thủy đã phát triển hơn nhưng vẫn còn rất hạn chế. Đồng thời, công tác duy tu, nạo vét luồng lạch còn nhiều bất cập, khó khăn trong việc đổ thải cũng là một trong những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến vận tải biển.
Đồng tình với bà Thương, ông Lê Quang Trung – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho rằng, để hàng hải “đón đầu” các hiệp định thương mại, vươn lên bứt phá thì trước hết cần phải đổi mới tư duy của các doanh nghiệp đầu tư cảng biển.
“Hiện nay, làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam đang tới gần, đã đến lúc các doanh nghiệp đầu tư cảng biển cần phải nâng cao năng lực hoạt động của các cảng biển lên gấp rưỡi để thu hút hàng hóa. Điều này không chỉ tạo tâm lý an tâm đối với những tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư lâu dài, mong muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam mà còn thu hút những nhà đầu tư nước ngoài với những quan tâm khác”, ông Trung cho biết.
Cũng theo ông Lê Quang Trung, trong thời gian tới, điều cần sớm khắc phục là sự phối kết hợp của các ngành vận tải khác như đường bộ, đường sắt… để cải thiện khả năng kết nối của cảng biển với những phương thức vận tải này nhằm tận dụng năng lực vận chuyển hàng hóa vẫn còn dư thừa, giúp đẩy nhanh việc giải tỏa hàng hóa, nâng cao năng lực tiếp nhận và thông qua hàng hóa, giảm chi phí vận tải. Đồng thời, phải ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý, khai thác hệ thống cảng biển, các hoạt động vận tải biển, kết nối giữa các cảng biển, các hãng tàu với doanh nghiệp sản xuất, giảm bớt thủ tục không cần thiết để cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải biển.
Hoạt động logistics có vai trò quan trọng đối với sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, trong đó vận tải biển là một mắt xích quan trọng. Việc cải thiện chất lượng dịch vụ vận tải biển nói riêng và dịch vụ logistics nói chung chỉ có thể thực hiện được nếu triển khai song song giữa việc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước với vai trò là “nhạc trưởng” cùng chính quyền các địa phương, cơ quan liên quan cần phối hợp tốt với các đơn vị hàng hải để xây dựng dịch vụ vận tải biển có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh, tạo lợi thế cho ngành Hàng hải “đi trước đón đầu”, bứt phá để vươn xa.