Dù đạt giá trị giao thương lớn cùng tốc độ tăng trưởng cao, song chi phí cho dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện nay vẫn chiếm khoảng 20% GDP. Nguyên nhân chính của bất cập này bắt nguồn từ vấn đề chất lượng kết cấu hạ tầng phục vụ. Giải quyết nút thắt logistics, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhấn mạnh việc hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics.
Nhiều tồn tại, hạn chế trong thu hút đầu tư hạ tầng logistics
Theo Bộ KH&ĐT, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 – 2.300 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực logistics. Trong đó, 80% là DN trong nước và chiếm 20% thị phần logistics tại Việt Nam; 20% DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 80% thị phần.
Vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với DN logistics là chất lượng hệ thống hạ tầng cho dịch vụ logistics chưa được đầu tư, nâng cấp tương xứng, phù hợp với yêu cầu của tốc độ phát triển nhanh và hiện đại của dịch vụ này trên thế giới.
Trong đó, đầu tư cho hạ tầng logistics vẫn chủ yếu là đường bộ hơn là phương thức vận tải có sức chuyên chở lớn và giá cả cạnh tranh như: vận tải thủy nội địa, đường sắt… Điều này hạn chế về lựa chọn phương thức vận tải, tạo ra nhiều điểm tắc nghẽn trong chuỗi dịch vụ logistics, làm gia tăng chi phí cho DN. Bên cạnh đó, các trung tâm logistics chủ yếu phát triển ở các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế, nơi sản xuất và phân phối hàng hóa lớn như Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương.
Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN chủ cảng, chủ tàu, chủ hàng và các DN cung cấp dịch vụ hàng hải nói chung, đặc biệt là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mạnh dạn đầu tư phát triển để tăng cường kết nối trong vận tải thủy nội địa.
Việc quy hoạch hạ tầng logistics còn rời rạc và thường tập trung vào các phương thức đơn lẻ như quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch hệ thống cảng… Quy hoạch kết nối các đầu mối logistics hay quy hoạch vận tải đa phương thức còn hạn chế. Việt Nam hiện chưa có quy hoạch kết nối giữa đường bộ và đường thủy.
Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra, việc chậm áp dụng công nghệ vào phục vụ hoạt động của ngành logistics cũng là một trong những nguyên nhân khiến chi phí logistics của Việt Nam cao, khó cạnh tranh với các nước khác.
Ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam nhận xét: “Hiện nay, hạ tầng giao thông phục vụ logistics của Việt Nam còn nhiều hạn chế, cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện để phát triển. Đặc biệt, nhiều chi phí không hợp lý khiến chi phí logistics của Việt Nam thuộc diện đắt đỏ trên thế giới. Các hoạt động kết nối thiếu tính đồng bộ…”.
Tập trung thu hút đầu tư hạ tầng logistics
Với mục tiêu phát triển hạ tầng dịch vụ logistics nhằm góp phần đem lại giá trị gia tăng cao của ngành dịch vụ này, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu, Bộ KH&ĐT đề xuất các giải pháp định hướng tăng cường thu hút đầu tư vào hạ tầng logistics ở Việt Nam, trong đó có đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Bởi trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công ngày càng khó khăn, nhu cầu đầu tư cho hạ tầng giao thông là rất lớn và cấp thiết, việc thu hút các nguồn vốn từ xã hội thông qua PPP cho các dự án giao thông là một chính sách đúng đắn. “Cần sớm ban hành Luật PPP nhằm tạo hành lang pháp lý phát triển logistics, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi cao hơn cho các địa phương, đặc biệt là các tỉnh trong nhóm đang phát triển có chỉ số cạnh tranh cao”, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Chính phủ cần sớm thông qua danh mục các dự án PPP giao thông trọng điểm, trong đó ưu tiên cấp quốc gia phân theo từng lĩnh vực giao thông để làm cơ sở bố trí nguồn lực và kêu gọi đầu tư. Thông tin về danh mục này cần được công khai, minh bạch tới các nhà đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế. Tiếp đó, sửa đổi chính sách tiếp cận đất đai tạo quỹ đất cho logistics…
Về định hướng giải pháp hoàn thiện công tác quy hoạch, Bộ KH&ĐT cho biết, các địa phương cần có chương trình hành động chung trong việc xây dựng các trung tâm logistics và kho phân phối tập trung của vùng, tránh việc mỗi tỉnh chỉ hướng đến địa phương của mình trong kế hoạch hành động; xem xét lập trung tâm logistics tại các vùng kinh tế trọng điểm để tập trung hàng xuất khẩu và phân phối hàng nhập khẩu, thành phẩm.
Đặc biệt, định hướng các giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào hạ tầng logistics, Bộ KH&ĐT đề xuất đẩy mạnh hợp tác công tư đối với các dự án kết cấu hạ tầng giao thông; mua lại và sáp nhập đối với các nhà đầu tư nước ngoài, để kêu gọi nguồn vốn FDI đầu tư vào hạ tầng logistics ở Việt Nam.
Báo Đấu thầu