Đà Nẵng hướng đến trung tâm logistics của khu vực

16/10/20 8:14 AM

Đà Nẵng đang đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng logistics với quyết tâm sớm đưa TP trở thành trung tâm logistics lớn của khu vực và cả nước. Đây là ngành kinh tế khổng lồ của thế giới và Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để phát triển.

Cảng Tiên Sa 

Sức bật từ hạ tầng giao thông

Với địa thế trung điểm của cả nước, điểm cuối tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây lại hội tụ các loại hình vận tải từ hàng không, cảng biển, đường sắt, các tuyến cao tốc… do vậy tiềm năng phát triển logistics của Đà Nẵng rất lớn. Nắm bắt lợi thế đó, thời gian qua Đà Nẵng không ngừng đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông đường bộ, nâng công suất sân bay Đà Nẵng, cảng Tiên Sa. Cụ thể, sau khi hoàn thành nhà ga T2, công suất sân bay Đà Nẵng luôn quá tải, tổng lượng khách năm 2019 đạt hơn 15,5 triệu người (gần gấp đôi công suất). Tương tự, sau khi hoàn thành dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 đã nâng năng lực bốc dỡ lên 10-12 triệu tấn/ năm, sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 43,1 triệu tấn, tăng bình quân 9,3%/năm. Hiện Tiên Sa là cảng container lớn nhất miền Trung với nguồn thu thuế trực tiếp từ các hoạt động qua cảng năm 2019 đạt 3,4 ngàn tỷ đồng. Song song với mở rộng sân bay, bến cảng, Đà Nẵng cũng tích cực kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics (20 ha tại Hòa Vang, 2 ha tại phía Bắc sân bay, 9,1 ha ở Khu Công nghệ cao); thúc đẩy nhanh tiến độ đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây 2, Quốc lộ 14G; thúc đẩy sớm đưa vào hoạt động tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, La Sơn- Túy Loan… Đây là các tuyến cao tốc quan trọng không chỉ góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam mà còn đánh thức tiềm năng, thúc đẩy liên kết giao thương, kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế trong vùng. Từ đó trở thành động lực thúc đẩy ngành dịch vụ logistics của TP phát triển. Có thể nói, nhờ đầu tư mạnh hạ tầng, trong giai đoạn 5 năm qua khối lượng hàng hóa luân chuyển của Đà Nẵng tăng trung bình 7,5%/ năm, khối lượng luân chuyển hành khách tăng 2,2%/năm và doanh thu vận tải tăng 6,8%/năm.

Mặc dù ngành logistics Đà Nẵng có bước phát triển ấn tượng, tuy vậy so với tiềm năng, yêu cầu thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, để logistics là một trong các trụ cột kinh tế, Đà Nẵng còn nhiều việc phải cải thiện. Cụ thể, Đà Nẵng chưa hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia cũng như quốc tế đủ tầm vóc, quy mô để đảm nhiệm vai trò dẫn dắt thị trường và hội tụ doanh nghiệp. Việc phát triển trung tâm logistics hiện tại chủ yếu là nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, mà phần lớn hệ thống kho bãi của doanh nghiệp có qui mô nhỏ. Chẳng hạn Cty cổ phần Cảng Đà Nẵng là doanh nghiệp có hạ tầng kho bãi lớn nhất TP, song chỉ có 28 ha tại Cảng Tiên Sa và 20 ha tại Hòa Vang. Rõ ràng, hệ thống kho bãi và dịch vụ logistics của TP Đà Nẵng vẫn còn thiếu, chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sản xuất, dự trữ của địa phương và vùng lân cận, mà chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa quốc tế ngày một gia tăng qua khu vực Đà Nẵng. Ngoài ra, để phát triển thành trung tâm logistics thì liên kết vùng phải chặt chẽ, song kết cấu hạ tầng giao thông vùng còn hạn chế, dễ chia cắt khi gặp bão lũ. Chưa kể, nguồn nhân lực phục vụ logistics ở Đà Nẵng vẫn thiếu, phần lớn do doanh nghiệp tự đào tạo mà chưa có trường đào tạo chuyên ngành cho logistics.

Động lực cảng Liên Chiểu

Trong giai đoạn tới, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng logistics để trở thành một trong những trụ cột kinh tế. Theo định hướng Nghị quyết 43 sẽ xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm chuỗi cung ứng dịch vụ logistics của miền Trung. Để thực hiện mục tiêu đó, Đà Nẵng đang xúc tiến đầu tư nâng công suất sân bay Đà Nẵng lên 30 triệu khách/năm (vào năm 2030), xúc tiến nhanh dự án Cảng Liên Chiểu, dự án di dời Ga đường sắt. Đặc biệt, TP ưu tiên bố trí quỹ đất phát triển hệ thống kho bãi logistics và tạo cơ chế hấp dẫn khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể, theo qui hoạch phát triển hạ tầng logistics Đà Nẵng đến năm 2030 có tổng vốn hơn 13,6 ngàn tỷ đồng, trên diện tích 312 ha, Đà Nẵng đạt mục tiêu các trung tâm logistics sẽ đáp ứng 35% cho luồng hàng hóa qua cảng biển, 20% qua cảng hàng không và đường sắt.

Hiện tại dự án Cảng Liên Chiểu đang hoàn thành Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Trình thẩm định, phê duyệt đồ án qui hoạch phân khu 1/2000. Trong buổi làm việc mới đây, lãnh đạo TP đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, đồng thời kiến nghị bố trí vốn Ngân sách T.Ư hỗ trợ cho các dự án liên vùng là 1.713,15 tỷ đồng (chiếm 50% tổng mức đầu tư) và nguồn vốn NST.Ư hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương 1.497,3 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn đầu tư công để xây dựng phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Sau đó, các giai đoạn tiếp theo, cảng Liên Chiểu sẽ thu hút nhà đầu tư các hạng mục logistics. Chủ tịch Hội Qui hoạch kiến trúc Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết, cảng Liên Chiểu với qui mô hơn 450 ha (cả khu vực mặt nước), khu vực logistics hơn 200 ha sẽ là động lực lớn để thay đổi Đà Nẵng trong thời gian tới. Nó không chỉ giúp Đà Nẵng vươn lên thành trung tâm chuỗi logistics của khu vực miền Trung kết nối với các nước mà còn hình thành một vùng đô thị cảng biển rộng lớn phía Tây Bắc của Đà Nẵng.

Với dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng cũng đang xúc tiến đầu tư, tổng nguồn vốn hơn 10,2 ngàn tỷ đồng. Theo đó, ga hàng hóa Kim Liên được qui hoạch gắn với cảng Liên Chiểu để hàng hóa chỉ một lần trung chuyển. Ngoài ra, theo đồ án qui hoạch chung Đà Nẵng tới năm 2030, ngoài các tuyến đường vành đai, các tuyến cao tốc, tuyến đường sắt phía Tây, thì TP sẽ xây dựng nhiều đại lộ kết nối Đông-Tây. Như vậy, hàng hóa từ cảng Liên Chiểu, từ sân bay Đà Nẵng sẽ kết nối thuận tiện với các khu công nghiệp, khu công nghệ cao của TP thông qua mạng lưới đường bộ, đường cao tốc đi các khu kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Từ đây, ngành logistics có điều kiện phát triển đột phá, trở thành một trong 3 trụ cột kinh tế quan trọng của Đà Nẵng.

CAND