Đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững

30/12/20 1:52 PM

Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng năm 2021 đạt khoảng 6,5% hoặc cao hơn; chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ năm 2022 trở đi.

Tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn -0

Toàn cảnh hội nghị

Ngày 29-12, hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tiếp tục diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong ngày làm việc thứ 2, hội nghị dành phần lớn thời gian để các bộ trưởng, trưởng ngành nêu các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho kế hoạch năm 2021.

Triển khai nhiều dự án trọng điểm

Xác định phát triển hạ tầng giao thông tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết năm 2021, Bộ GTVT sẽ triển khai hàng loạt dự án, công trình giao thông trọng điểm như dự án đường cao tốc Bắc – Nam, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc và nhiều dự án đường bộ quan trọng khác. “Trong những ngày đầu năm mới 2021 sẽ khởi công dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, tiếp theo là dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, dự án Quốc lộ 19 nối Kon Tum với Bình Định, dự án tuyến tránh Long Xuyên…” – Bộ trưởng Bộ GTVT thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định nhiều dự án khác cũng sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới, trong đó có 4 dự án tại Đông Nam Bộ và 5 dự án tại khu vực ĐBSCL, nhằm gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông cho các vùng. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội xin chủ trương đầu tư nghiên cứu đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao.

Đối với lĩnh vực hàng không, ngành GTVT sẽ tập trung vào các sân bay Điện Biên, Chu Lai, Côn Đảo. Về hàng hải, tập trung vào 10 cảng lớn như cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), cảng Đà Nẵng, cảng Quy Nhơn (Bình Định), cụm cảng quốc tế TP HCM.

Về lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng quy hoạch là vấn đề then chốt. Trong năm 2021, toàn ngành tập trung khắc phục các hạn chế trong quy hoạch đô thị, giải quyết các vấn đề đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt quan tâm đến hạ tầng kết nối vùng để tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) với các bộ ngành, địa phương tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn; thực hiện các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho những dự án chậm tiến độ về thủ tục, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tiếp tục phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công gây dựng, nhất là trong 5 năm qua

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Đề cập nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng phải tranh thủ tận dụng thời cơ và cơ hội để đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh đến một chương trình quan trọng trong năm 2021, đó là tăng tỉ trọng của ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp mũi nhọn và công nghiệp phụ trợ gắn với công nghệ thông minh, chuyển đổi số; tập trung hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý kết hợp triển khai các loại hình kinh tế mới, kinh tế số và cung cấp các dịch vụ công, triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Đây cũng là nội dung được nhiều bộ trưởng đề cập. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các DN và Chính phủ cần đồng hành trong phát triển thương mại điện tử, nhất là chuyển đổi số. Dẫn số liệu thống kê năm 2020, nước ta có tới 550 cuộc giao thương, xúc tiến thương mại trên nền tảng số và điện tử, giúp cho DN và các địa phương chậm phát triển có điều kiện khai thác những thị trường ở xa, khó khăn, nhất là những thị trường mới nổi, thị trường FTA, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đúc kết: “Nếu chúng ta không linh hoạt khai thác tốt nền tảng số và cơ chế thương mại điện tử thì sẽ không đạt được những chỉ số ấn tượng vừa qua”.

Trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ. Dự kiến đầu tháng 3-2021, Bộ Y tế sẽ khai trương chương trình điều hành điện tử trạm y tế xã với trên 10.600 trạm. Đặc biệt, 98 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân đã được tạo lập trong hơn 5 tháng qua, tiến tới đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, khám điều trị ngoại trú không dùng giấy, giúp người dân theo dõi được tình trạng sức khỏe của mình, xây dựng một nền y tế thông minh.

Chia sẻ thông tin về chuyển đổi số tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết bộ sẵn sàng tháo gỡ các khó khăn trong lĩnh vực cho các bộ, địa phương nếu gặp vướng mắc về chuyển đổi số. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với gần 60.000 DN số Việt Nam có năng lực và sẵn sàng tham gia các chương trình chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương chỉ cần đặt ra các bài toán những vấn đề của mình cho giới DN số Việt Nam, có thể trực tiếp hoặc thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông thì sẽ được hỗ trợ. Bộ trưởng cũng kiến nghị trong nhiệm kỳ tới chọn đột phá là công nghệ, đặc biệt là công nghệ số.

Phấn đấu đạt tăng trưởng 6,5%

Cảng Đà Nẵng

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ chủ đề năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển”.

Trên tinh thần đó, Chính phủ thống nhất định hướng điều hành và quan điểm chỉ đạo: Trước hết là tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng dịch chuyển đầu tư thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ngay từ đầu năm 2021 phải bắt tay vào việc ngay, không ngừng nghỉ, phải lăn xả vào công việc. Tinh thần là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức.

Về phương hướng trong thời gian tới, Thủ tướng lưu ý phải duy trì nền tảng vĩ mô ổn định, bền vững, không được để lạm phát cao. Cần giữ vững được nhịp độ và phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công gây dựng, nhất là trong 5 năm qua. Đặc biệt, trước tình hình thực tế về yêu cầu phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 6,5% hoặc cao hơn; đồng thời chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ năm 2022 trở đi.

Thủ tướng nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng nhưng cần bảo đảm sự vững chắc ở nhiều mặt trong sự tăng trưởng đó, như bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, đồng thời góp phần chống tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển. “Chúng ta cũng cần lưu ý rằng yêu cầu tăng trưởng kinh tế về số lượng cần phải gắn chặt với nâng cao chất lượng tăng trưởng và đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế” – Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, để Việt Nam trở thành một nền kinh tế năng động thì ngay từ các bộ, ngành, địa phương phải đổi mới cách quản trị. “Từng cấp, từng ngành phải gỡ nút thắt để vùng lên phát triển bền vững, tinh thần là không được để người dân và DN và các tổ chức quốc tế mất niềm tin vào Chính phủ, vào bộ trưởng, vào chủ tịch, bí thư các tỉnh, TP” – Thủ tướng quán triệt.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Mục tiêu là xây dựng một hệ thống hành chính nhà nước gần dân, lắng nghe, phục vụ dân từ cấp cơ sở đến trung ương.

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT cùng với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương tiếp thu ý kiến tại hội nghị, hoàn chỉnh báo cáo các dự thảo Nghị quyết 01, 02 trình Thủ tướng ký ban hành để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2021, không để chậm trễ.

Báo Người lao động