Theo ông Phạm Văn Hải – Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: “Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành Vận tải biển, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo tiền lương và phụ cấp để giữ chân thuyền viên”.
Ông Phạm Văn Hải – Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam
2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp vận tải biển thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được tự chủ xây dựng thang bảng lương theo Nghị định số 121/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương. Đồng thời, các doanh nghiệp thực hiện các quy định của Công ước Lao động hàng hải (MLC) và tạo thêm các chính sách thu hút nhân lực trong bối cảnh ngày càng ít người mặn mà với nghề đi biển.
Khối vận tải biển chiếm tỷ trọng doanh thu lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty. Các doanh nghiệp của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam sử dụng 5.000 thuyền viên có độ tuổi từ 18 – 55.
Theo ông Phạm Văn Hải – Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam: “Đây là lực lượng lao động đòi hỏi sức khỏe tốt, được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, điều kiện làm việc thường xuyên xa đất liền và xa gia đình từ 10 đến 12 tháng. Môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và có nhiều rủi ro như tai nạn, cướp biển, dịch bệnh… Môi trường sinh hoạt và giao tiếp bị bó hẹp nên dễ nảy sinh tâm lý tiêu cực cho thuyền viên. Đặc biệt, ngành Vận tải biển bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Do đó, dù sản xuất kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp vẫn cố gắng tăng lương, phụ cấp để giữ chân lao động”.
Về chế độ ăn định lượng của thuyền viên, các doanh nghiệp vận tải biển đang thực hiện theo khoản 1, Điều 9 Nghị định số 121/2014/NĐ-CP ngày 24/12/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Công ước Lao động hàng hải (MLC) năm 2006 về chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển. Đồng thời đảm bảo đầy đủ chế độ, điều kiện sinh hoạt, nghỉ ngơi… trên tàu của thuyền viên.
Tiền lương bình quân cả thời gian nghỉ dự trữ của thuyền viên đạt 14,99 triệu đồng/người/tháng. Tùy thời gian làm việc thực tế trên tàu và kích thước tàu, tuyến tàu mà tiền lương bình quân của thuyền viên có thể cao hơn (bình quân khoảng 17 – 20 triệu đồng/người/tháng).
Tại Công ty Cổ phần Vận tải biển (VOSCO) – đơn vị sử dụng gần 1.000 thuyền viên – đã xây dựng mức lương tối thiểu trên chức danh của thuyền viên.
“Mức lương của thuyền viên làm việc cho VOSCO so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp nội địa không thua kém, nhưng so với các hãng tàu nước ngoài hoặc đánh thuê thì còn nhiều chênh lệch. Tình trạng nhảy việc, nghỉ việc của thuyền viên còn diễn ra khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong việc thu hút, giữ chân nguồn nhân lực, nhất là đối với các chức danh cao trên tàu như thuyền trưởng, máy trưởng” – Ông Phạm Gia Hiến – Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) cho biết.
Công đoàn Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam lắng nghe tâm tư nguyện vọng thuyền viên
Cũng theo ông Phạm Gia Hiến, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh gặp không ít khó khăn nhưng công ty luôn cố gắng xây dựng mức lương và các chế độ phụ cấp tốt cho thuyền viên. Thực tế mức lương tối thiểu của thuyền viên VOSCO là 12 triệu nhưng đi kèm với lương là bảo hiểm xã hội (BHXH), chế độ về kỹ thuật bảo dưỡng, chế độ trên bờ, quản lý, chế độ hàng hải, tàu bè được bảo dưỡng tốt hơn. Ngoài ra còn có các chính sách từ thỏa ước lao động tập thể được ký giữa doanh nghiệp và công đoàn.
Chỉ tính riêng về BHXH, do đặc thù ngành nghề, thuyền viên hết thời gian đi tàu, thời gian lên bờ nghỉ dự trữ không được trả lương. Nhiều doanh nghiệp duy trì đóng BHXH từ 1 – 2 tháng sau khi thuyền viên rời tàu. Còn lại thực hiện theo quy định của BHXH khi người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH. Nhưng VOSCO đã ứng tiền để đóng BHXH cho thuyền viên khi nghỉ công tác. Điều này có lợi cho thuyền viên ở chỗ thời gian đóng hưởng bảo hiểm cho thuyền viên được liên tục, không bị gián đoạn.
Các công ty vận tải biển khác đều tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm bắt buộc cho thuyền viên. Ngoài ra theo quy định của MLC 2006, thuyền viên đi tàu được mua bảo hiểm bảo vệ và bồi thường (P&I) và bảo hiểm tai nạn. Các công ty mua bảo hiểm tai nạn con người với mức bồi thường cao nhất đến 25.000 USD trong trường hợp thuyền viên bị tai nạn lao động dẫn đến bị thương tật với tỷ lệ thương tật bộ phận vĩnh viễn từ 81% trở lên hoặc chết.
Bên cạnh tiền lương, các doanh nghiệp đều trả các loại phụ cấp cùng lương, gồm: Độc hại nguy hiểm, lưu động, thu hút, trách nhiệm, làm việc vào ban đêm, kiêm nhiệm chức danh, sỹ quan an ninh tàu, quản trị, thông tin liên lạc, y tế, tuyến vận tải, tuổi tàu, quản lý tàu… Một số hãng tàu tính trong mức lương giờ cơ bản để chi trả cho thuyền viên. Có công ty xác định và trả thêm phụ cấp thâm niên hàng hải cho thuyền viên nhằm thu hút được thuyền viên ở lại làm việc lâu dài cho công ty.
Tiền thưởng được quy định tại quy chế trả lương, căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh được Hội đồng thi đua khen thưởng quyết định. Khi kết thúc kỳ công tác trên tàu, thuyền viên được nghỉ hàng năm, nghỉ bù các ngày chủ nhật và ngày lễ. Tổng số ngày nghỉ hàng năm, nghỉ bù được căn cứ vào thời gian làm việc thực tế trên tàu để xác định. Số ngày thuyền viên được nghỉ hàng năm có lương tính trên cơ sở tối thiểu 2,5 ngày cho mỗi tháng làm việc…
Trong bối cảnh ngành Vận tải biển bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp vẫn tính toán điều chỉnh mức lương cao hơn nữa để thu hút nguồn nhân lực. Đặc biệt là các chức danh keyman (chức danh lãnh đạo phòng ban quản lý chuyên môn cao) và thuyền viên….
Công đoàn thường xuyên kiến nghị, phản ánh vướng mắc về thực hiện chế độ chính sách đối với thuyền viên để chính quyền quan tâm giải quyết.
“Các doanh nghiệp cổ phần hóa có vốn Nhà nước chi phối trong Tổng Công ty đã chủ động đưa các phụ cấp vào lương để đảm bảo các chế độ cho thuyền viên để thuyền viên yên tâm làm việc”, ông Phạm Văn Hải – Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam khẳng định.