18 vụ tai nạn hàng hải trong năm 2019 khiến hàng chục phương tiện bị chìm, gây thiệt hại hơn 10.000 tấn hàng hóa.
Các vụ tai nạn hàng hải đã gây thiệt hại lớn về người và của cho các DN
Cục Hàng hải VN vừa báo cáo Bộ GTVT về tình hình tai nạn hàng hải năm 2019. Theo đó, năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 18 vụ tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển Việt Nam (11 vụ đâm va, 2 vụ mắc cạn, 4 vụ chìm đắm và 1 vụ cháy, nổ).
“So với năm 2018, số vụ tai nạn hàng hải không đổi tuy nhiên, số người chết và mất tích tăng gấp 3,5 lần (14 người so với 4 người của năm 2018). Bên cạnh thiệt hại về người, các vụ tai nạn cũng gây tổn thất to lớn về vật chất với 10 phương tiện, hơn 10.000 tấn hàng hóa (300 container, 3.450 tấn than cám, 5.800 tấn clinker) bị “nhấn chìm”, văn bản bản do Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Hoàng ký nêu rõ.
Cũng theo ông Hoàng, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình hình tai nạn hàng hải diễn biến phức tạp trong năm 2019 là do thuyền viên không mẫn cán trong công tác cảnh giới khi tàu hành trình, hạn chế về trình độ, không sử dụng tất cả các thiết bị phù hợp với hoàn cảnh để đánh giá đầy đủ nguy cơ đâm va. Nhiều trường hợp hoa tiêu dẫn tàu và thuyền trưởng chủ quan, chưa chấp hành các nội quy cảng biến khi điều động tàu trong vùng nước cảng biển.
“Một số nguyên nhân khác dẫn đến tai nạn như nhiều ngư dân tham gia điều khiển phương tiện nhưng không có bằng cấp hay giấy chứng nhận khả năng chuyên môn; Không tuân thủ quy định về đèn hiệu, tín hiệu khi hoạt động trên biển và quy định về hoạt động trên luồng hàng hải; không tổ chức trực canh; cho tàu cá chạy cắt ngang mũi tàu lớn đang chạy để lấy may”, Cục Hàng hải nhận định.
Cục Hàng hải cho biết, năm 2020, cơ quan này sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát tàu biển, phương tiện thủy nội địa hoạt động trong khu vực vùng nước cảng biển, đặc biệt chú trọng bảo đảm định biên an toàn tối thiểu và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên; công tác xếp dỡ, chằng buộc hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
“Các phương tiện sẽ không được rời cảng nếu các khiếm khuyết nghiêm trọng chưa được khắc phục”, ông Hoàng nói và khẳng định: Cục cũng sẽ chỉ đạo giám sát chặt chẽ việc đón trả và dẫn tàu của hoa tiêu tại khu vực (đúng người, đúng thời gian, địa điểm, tốc độ); Tăng cường thanh, kiểm tra đối với các cơ sở đào tạo, cương quyết đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị, cơ sơ vi phạm về đào tạo, sát hạch cấp chửng chỉ chuyên môn của thuyền viên và hoa tiêu hàng hải.
Ngoài ra, công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường sử dụng các trang thiết bị hỗ trợ, giám sát (VTS, AIS, LRIT) cũng sẽ được đẩy mạnh để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý ATGT hàng hải trong thời gian tới.