Cảng Quy Nhơn cán đích năm 2023 với 9,6 triệu tấn hàng hóa thông qua, có lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 141 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch năm 2023.
Đối mặt nhiều thách thức
Tháng 8/2023, cảng Quy Nhơn chính thức đưa vào khai thác thử nghiệm Bến số 1 sau khi hoàn thành nâng cấp.
Năm qua, bên cạnh những khó khăn của yếu tố thị trường hàng hóa, tình hình kinh tế xã hội, việc dừng khai thác bến số 1 để phục vụ thi công đã hạn chế năng lực tiếp nhận tàu của Cảng Quy Nhơn. Đây là một trong những khó khăn của cảng trong việc khai thác, chăm sóc “giữ chân” khách hàng.
Dự kiến đến cuối năm 2024, sau khi luồng được nâng cấp và nạo vét sẽ giải phóng được khả năng tiếp nhận tàu 50.000 DWT đầy tải của Cảng Quy Nhơn
Theo lãnh đạo Cảng Quy Nhơn, năm qua, tình hình thị trường có nhiều biến động với sự bất ổn chính trị, tôn giáo tạo ra các xung đột vũ trang ở nhiều khu vực trên thế giới.
Các cường quốc, các liên minh kinh tế, chính trị áp dụng chính sách cấm vận thương mại, kìm hãm phát triển, làm suy yếu nền kinh tế lẫn nhau dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.
Kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là các thị trường Mỹ và Âu, sức mua giảm sâu. Riêng lĩnh vực nhà ở tại Mỹ, Âu có thể sẽ vẫn suy yếu trong năm 2023 và 2024, khiến nhu cầu tiêu thụ đồ nội ngoại thất giảm, là một trong những yếu tố chính khiến hoạt động xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam giảm.
Trong khi đó, hàng hoá thành phẩm (sản phẩm gỗ, wicker, đá granite) xuất khẩu chính của Bình Định thông qua Cảng Quy Nhơn tập trung ở hai thị trường này.
Giá thị trường xuất nhập khẩu các mặt hàng dăm gỗ, viên gỗ nén, tole cuộn, phân bón biến động mạnh trong năm, việc chênh lệch giá lớn khiến các chủ hàng cũng hạn chế sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Hiện nay, Cảng Quy Nhơn có gần 1.200m cầu cảng, cầu cảng lớn nhất có chiều dài 480m và độ sâu trước bến -12,2m. Tuy nhiên, do giới hạn về luồng hàng hải nên hiện mới chỉ có thể tiếp nhận được tàu có chiều dài dưới 200m và tàu 50.000 DWT giảm tải.
Dự kiến đến cuối năm 2024, sau khi luồng được nâng cấp và nạo vét sẽ giải phóng được khả năng tiếp nhận tàu 50.000 DWT đầy tải của Cảng Quy Nhơn.
Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
Dự báo trước tình hình khó khăn, ngay từ đầu năm, Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Công ty duy trì ổn định chất lượng dịch vụ, tăng cường chăm sóc khách hàng, thị trường truyền thống, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn nhằm hỗ trợ khách hàng tăng sản lượng xuất khẩu qua cảng.
Cảng Quy Nhơn đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để bảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh
Đồng thời, rà soát, đánh giá lại hiệu quả các dịch vụ, điều chỉnh giá một số dịch vụ không đem lại hiệu quả cao, năng suất thấp; tổ chức hội nghị nhóm khách hàng mục tiêu đem lại sản lượng, doanh thu lớn cho cảng hoặc nguồn hàng có tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo Cảng Quy Nhơn, trong năm 2023, cảng đã làm tốt công tác thị trường khách hàng, duy trì ổn định 100% lượng hàng xuất nhập khẩu của khu vực cảng biển Quy Nhơn xếp dỡ thông qua cảng cũng như tăng cường tìm kiếm khách hàng mới (trong năm, cảng đã thu hút hơn 20 khách hàng mới).
“Đặc biệt ngay từ đầu năm, nhận định nguồn hàng XNK có thể suy giảm, dù hạn chế điều kiện cầu bến nhưng cảng đã triển khai nhiều biện pháp thu hút nguồn hàng nội địa trong khu vực, dự kiến nhóm hàng nội địa năm 2023 tăng trưởng 80% so với năm 2022, góp phần tăng sản lượng và chi phối hơn 85% tổng sản lượng thông qua cụm cảng biển Quy Nhơn”, lãnh đạo Cảng Quy Nhơn cho hay.
Cảng cũng triển khai đồng bộ nhiều phương án như xây dựng giải pháp logistics tiết kiệm cho khách hàng, hỗ trợ khách làm các thủ tục hành chính (chứng chỉ vùng trồng, giấy phép quá cảnh, thủ tục hải quan…); gặp gỡ các hãng tàu có nhu cầu, khả năng kết nối tuyến Quy Nhơn – Đông Bắc Á, cam kết sản lượng, slot trong từng giai đoạn, thuyết phục hãng tàu cung cấp giá vận tải biển hợp lý nhất để chủ hàng quyết định xuất hàng qua Cảng Quy Nhơn.
Thời gian qua, cảng đã và đang tập trung thị trường Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia.
Hiện tại, cảng đã có được một số lượng khách hàng truyền thống, sản lượng ổn định, tăng trưởng. Bên cạnh tuyến dịch vụ container tương đối ổn định và đa dạng dịch vụ, cảng cũng triển khai sâu rộng công tác thị trường, thu hút nguồn hàng này.
Việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật cũng là một trong những yếu tố quan trọng được cảng Quy Nhơn tập trung phát triển với định hướng “Lấy khách hàng làm trung tâm”.
Cảng cũng đã áp dụng chuyển đổi số trong kinh doanh, khách hàng, vận hành sản xuất, quản trị điều hành sản xuất, nâng cao trải nghiệm tích cực cho khách hàng qua hệ thống Eport – trung tâm thông tin dữ liệu dành khách hàng, hệ thống CRM (quản lý quan hệ khách hàng), đầu tư hệ thống kho dữ liệu, BI tích hợp dữ liệu TOS, TCKT, NSTL.
Để giảm chi phí, cảng chuyển đổi cẩu RTG từ sử dụng nhiên liệu diesel sang sử dụng điện. Nghiên cứu cải tiến công cụ làm hàng viên gỗ nén, tăng năng suất giải phóng tàu và đảm bảo an toàn lao động.
Nghiên cứu ý tưởng Kaizen và đổi mới sáng tạo áp dụng vào thực tế sản xuất để nâng cao hiệu quả trong sửa chữa phương tiện thiết bị, nâng cao độ bền cho thiết bị và an toàn trong quá trình vận hành thiết bị.
Với những nỗ lực duy trì, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 của Cảng Quy Nhơn có những chuyển biến. Cảng Quy Nhơn cán đích năm 2023 với 9,6 triệu tấn hàng hóa thông qua. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 141 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch năm 2023.
Ngày 18/1 vừa qua, 40,4 triệu cổ phiếu của Công ty CP Cảng Quy Nhơn với mã chứng khoán QNP đã được niêm yết và chính thức giao dịch tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE). Việc niêm yết cổ phiếu là một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và nghiêm túc, thể hiện năng lực và sự minh bạch của cảng Quy Nhơn. Trở thành doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE là một sự ghi nhận của thị trường đối với Cảng Quy Nhơn. Đây là một bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển của doanh nghiệp, giúp Cảng Quy Nhơn nâng cao uy tín và thương hiệu, mở rộng quy mô hoạt động, thu hút vốn đầu tư và phát triển bền vững.
Báo Giao thông