Ngày 10/11, đoàn công tác do Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) về tình hình thực hiện kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển 10 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ 2 tháng cuối năm.
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ và Văn phòng Ủy ban. Về phía VIMC, có đồng chí Lê Anh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng chí Nguyễn Cảnh Tĩnh – Tổng Giám đốc cùng các Thành viên Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc.
Đồng chí Nguyễn Cảnh Tĩnh – Tổng giám đốc VIMC phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Cảnh Tĩnh – Tổng Giám đốc VIMC báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh VIMC 10 tháng năm 2022. Sản lượng vận tải biển toàn Tổng công ty ước đạt 17,7 triệu tấn. Sản lượng hàng thông qua cảng toàn VIMC ước đạt 103,6 triệu tấn, sản lượng container ước đạt 4,4 triệu TEU (đơn vị dung lượng vận tải tương đương với thể tích một container kích thước 20 feet). Doanh thu hợp nhất ước đạt 12.944 tỷ đồng, tương đương 103% kế hoạch năm 2022. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 2.957 tỷ đồng, tương đương 117% kế hoạch năm 2022. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng của VIMC trong 10 tháng năm 2022 ước đạt 103,6 triệu tấn.
Về công tác tái cơ cấu doanh nghiệp, VIMC đã quyết liệt trong công tác cơ cấu nợ cả ở doanh nghiệp thành viên và Công ty mẹ với kết quả nợ giảm tương đối tốt cũng như tác động tích cực đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số đơn vị đã triển khai mạnh công tác tái cơ cấu như Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship hay Công ty Cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart).
Trong công tác chuyển đổi số, VIMC đã tập trung đẩy mạnh theo định hướng áp dụng mạnh mẽ và triệt để công nghệ phục vụ cho hoạt động khai thác, song song với nghiên cứu dần dần tiến tới làm chủ công nghệ. Trong đó, khối vận tải biển đã ứng dụng hệ thống đặt chỗ trực tuyến (E-Booking), số hóa hoàn toàn nghiệp vụ như quản lý thông tin chỗ, báo cước, tra cứu thông tin hàng hóa, chăm sóc khách hàng… Khối cảng biển và dịch vụ hàng hải đạt tỷ lệ gần 90% khách hàng sử dụng Dịch vụ Cảng điện tử, giúp cho công tác phục vụ khách hàng được cắt ngắn thời gian, giảm thiểu các chứng từ, giấy tờ, tác nghiệp thủ công; thay thế bằng các ứng dụng công nghệ thông tin tự động hóa từ xa. Khối vận tải biển đạt tỷ lệ 70% các doanh nghiệp đã áp dụng lệnh giao hàng điện tử eDO, giúp công tác phục vụ khách hàng có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Khối gián tiếp tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản trị và điều hành thông qua các ứng dụng VIMC Cloud, VIMC eOffice, eLearning, VIMC eDoc, hệ thống báo cáo thông minh MIS-BI, các hệ thống hoạt động tập trung tại 1 nền tảng VIMC Working Place.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Sau khi nghe báo cáo của VIMC và ý kiến đóng góp của các Vụ chức năng và Văn phòng Ủy ban, phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả tích cực đạt được của tập thể lãnh đạo và người lao động của VIMC trong bối cảnh dịch bệnh mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, có nhiều tác động bất lợi đến doanh thu, lợi nhuận trong 10 tháng năm 2022.
Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh đánh giá: Dự báo kinh tế toàn cầu trong Quý 4 sẽ còn chịu nhiều tác động của cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine và việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu. Bên cạnh đó, các vấn đề thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… có chiều hướng diễn biến phức tạp, trái quy luật, khó dự báo hơn. Lạm phát gia tăng kéo theo lãi suất tăng mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua của các thị trường lớn như Châu Mỹ và Châu Âu, kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường vận tải biển nói riêng và hoạt động của ngành hàng hải nói chung.
Từ những dự báo trên, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh đưa ra gợi mở mang tính định hướng cho VIMC nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã giao cho Tổng công ty. Cụ thể, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh đề nghị Nhóm Người đại diện phần vốn nhà nước tại VIMC, Hội đồng quản trị, Ban điều hành VIMC chỉ đạo, hỗ trợ, đốc thúc hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển tại các doanh nghiệp thành viên trên cơ sở các chỉ tiêu đã giao cho Người đại diện phần vốn. Về Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Đề án cơ cấu lại VIMC giai đoạn 2021-2025, Ủy ban đã xin ý kiến các Bộ, ngành và Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương. Sau khi có ý kiến tham gia của các cơ quan nêu trên, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh đề nghị VIMC khẩn trương tiếp thu, hiệu chỉnh ý kiến các bộ, ngành hoàn thiện các nội dung trên trình Ủy ban xem xét, quyết định.
Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh yêu cầu VIMC đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư, gắn với bảo đảm chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Trong đó, VIMC cần triển khai các giải pháp tạo sự đột phá trong công tác đầu tư tại Dự án đầu tư xây dựng bến 3, 4 Lạch Huyện, Dự án xây dựng bến số 1 cảng Quy Nhơn, Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu… Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh giao nhiệm vụ VIMC tiếp tục tập trung theo dõi, nắm bắt, cập nhật diễn biến tình hình thị trường vận tải biển để hỗ trợ các đơn vị vận tải biển tận dụng tốt hơn cơ hội thị trường; đồng thời, đẩy mạnh chương trình marketing với khách hàng, hãng tàu để tăng thêm các tuyến dịch vụ mới về hệ thống cảng của Tổng công ty. VIMC cũng cần chủ động tìm kiếm thị trường mới cho đội tàu, tập trung quyết liệt tìm chủ hàng mới cho cảng trong bối cảnh sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng đang suy giảm và thị trường vận tải biển sẽ gặp nhiều khó khăn từ Quý 4.
Bên cạnh đó, VIMC cần rà soát, tối ưu các khoản chi phí để có phương án tiết kiệm, cắt giảm tối đa các chi phí không cần thiết; ưu tiên bố trí cho các nội dung phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra doanh thu và lợi nhuận.
Đối với Đề án di dời Cảng Hoàng Diệu, trên cơ sở ý kiến tham gia của các Bộ ngành, Nhóm người đại diện phần vốn nhà nước tại VIMC cần khẩn trương phối hợp cùng Vụ Công nghệ và Hạ tầng để hoàn thiện Đề án báo cáo Lãnh đạo Ủy ban trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2022. Về Dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh giao Vụ Công nghệ và Hạ tầng chủ trì cùng các đơn vị của Ủy ban phối hợp với VIMC đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu bến cảng tại huyện Cần Giờ trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo đó, quy hoạch khu vực Cù lao Phú Lợi nằm ở cửa sông Cái Mép, bên trái luồng Vũng Tàu – Thị Vải thuộc huyện Cần Giờ có chức năng là cảng trung chuyển container quốc tế để triển khai đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với một số đề xuất, kiến nghị cụ thể VIMC, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh giao Vụ Công nghệ và Hạ tầng chủ trì cùng các đơn vị của Ủy ban phối hợp với Tổng công ty rà soát, nghiên cứu, báo cáo Lãnh đạo Ủy ban xem xét, quyết định trên nguyên tắc hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp; đồng thời, cũng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành.