Đây là một trong những nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh thuyền viên châu Á (ASSM) lần thứ 36 và Hội nghị Ủy ban thuyền viên Châu Á/Nauy (NASCO) lần thứ 28 vừa diễn ra trong 2 ngày 24 và 25 tháng 10 năm 2019 tại Thủ đô Hà Nội do Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đăng cai tổ chức.
Tới dự Hội nghị, về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đồng chí Thái Quỳnh Mai Dung – Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Đối ngoại; về phía Tổng công ty Hàng hải Việt Nam có đồng chí Lê Anh Sơn – Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng chí Nguyễn Cảnh Tĩnh – Quyền Tổng giám đốc và lãnh đạo các công ty vận tải biển, xuất khẩu thuyền viên Việt Nam.
Đồng chí Lê Phan Linh – Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn LĐVN, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và ông Yasumi Morita – Chủ tịch Công đoàn Thủy thủ Nhật Bản đồng chủ trì Hội nghị ASSM lần thứ 36.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Trưởng Ban Đối ngoại TLĐ Thái Quỳnh Mai Dung chào mừng các đoàn đại biểu quốc tế đã đến Việt Nam tham dự Hội nghị; đánh giá cao các nội dung trong chương trình nghị sự của 2 Hội nghị ASSM và NASCO với những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi, phúc lợi của đội ngũ thuyền viên khu vực châu Á, trong đó có thuyền viên Việt Nam.
Từ góc độ là chủ tàu, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Anh Sơn ghi nhận vai trò của Công đoàn Tổng công ty trong việc đăng cai tổ chức 2 hội nghị ASSM và NASCO. Điều này không những khẳng định trách nhiệm của một nước thành viên của Hội nghị mà còn khẳng định vai trò ngày càng lớn của Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong việc tập hợp, đại diện chăm lo bảo vệ quyền lợi cho đội ngũ sỹ quan, thuyền viên Việt Nam làm việc trên đội tàu trong nước và quốc tế; tăng cường hợp tác quốc tế; học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với các tổ chức công đoàn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Nauy; tận dụng các nguồn lực từ các bạn bè quốc tế để đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ thuyền viên Việt Nam.
Tham dự Hội nghị có 75 đại biểu quốc tế đến từ 21 tổ chức công đoàn thuyền viên thuộc 16 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á và Nauy. Các nội dung chính được thảo luận tại Hội nghị ASSM lần thứ 36 và Hội nghị NASCO lần thứ 28 gồm: bảo về quyền lợi cho thuyền viên bị bỏ rơi; xu hướng tàu tự động; vấn đề thuyền viên nữ, việc thực thi Công ước Lao động hàng hải MLC 2006 tại các quốc gia thành viên; các nội dung liên quan đến Liên đoàn công nhân Giao thông vận tải quốc tế (ITF), Diễn đàn thương lượng quốc tế (IBF) – cơ chế thương lượng giữa các công ty vận tải biển (đại diện bởi Nhóm liên kết thương lượng JNG) với các công đoàn thuyền viên (đại diện bởi ITF) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thông tin về việc thực hiện Thỏa ước lao động tập thể tại các quốc gia thành viên…
Hội nghị ASSM và NASCO là cơ chế hợp tác hết sức hiệu quả giữa tổ chức công đoàn các quốc gia cung cấp thuyền viên và các quốc gia có đội tàu lớn khu vực châu Á và Nauy. ASSM và NASCO đã chứng tỏ tính năng động, khả năng cập nhật, thích ứng và chuyển đổi để trở thành diễn đàn trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của mỗi tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên của mình; nhận định, đánh giá và có những đề xuất, kiến nghị mang tầm khu vực tới các tổ chức quốc tế như Nghiệp đoàn công nhân Giao thông vận tải quốc tế ITF, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); thể hiện được vai trò dẫn dắt trong việc đảm bảo quyền lợi, phúc lợi cho đội ngũ thuyền viên khu vực châu Á. Đã có rất nhiều nội dung thiết thực liên quan trực tiếp đến quyền lợi, phúc lợi của thuyền viên châu Á đã được đưa vào chương trình nghị sự các kỳ Hội nghị như: việc thực thi Công ước Lao động Hàng hải (MLC 2006), hỗ trợ thuyền viên bị bỏ rơi; hỗ trợ y tế trên biển; việc thương lượng Thỏa ước lao động tập thể; vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho thuyền viên; thiết lập kênh liên lạc khẩn cấp giữa các thành viên để đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho thuyền viên khi gặp khó khăn…
Công đoàn TCT