Mắc kẹt hơn 1 năm trên biển, thuyền viên Việt kiệt quệ chờ hồi hương

15/10/20 8:56 AM

Hàng ngày, hàng giờ, ngoài đại dương mênh mông, hàng trăm nghìn thuyền viên vẫn đang đặt cược mạng sống của mình trên những chuyến tàu viễn dương, góp sức phát triển chuỗi hệ thống cung ứng toàn cầu. Nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát, sức khỏe, tinh thần và sự an toàn của họ lại đang bị đe dọa.

Mắc kẹt hơn 1 năm trên biển

Ông Lê Minh Dũng – Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Biển Trường Phát Lộc xác nhận, hiện công ty có 51 thuyền viên đã quá thời hạn hợp đồng, đang mắc kẹt trên biển cần được hồi hương gấp. Trong số này, có 11 người đã ở trên biển hơn 1 năm, chưa được đặt chân xuống đất liền.

Công ty CP Vận tải Dầu Phương Đông Việt, Công ty CP Vận tải Biển và Hợp tác lao động Quốc tế Inlaco Saigon và Công ty Thanh Hà – TMAS cũng đang gặp tình trạng tương tự, rất nhiều thuyền viên của họ cần được thay thế gấp nhưng không thể.

Mắc kẹt hơn 1 năm trên biển, thuyền viên Việt kiệt quệ chờ hồi hương - 2

Công ty CP Vận tải Biển Trường Phát Lộc xác nhận, hiện công ty có 51 thuyền viên đã quá thời hạn hợp đồng, đang mắc kẹt trên biển cần được hồi hương gấp

Về nguyên nhân dẫn đến sự việc trên, ông Dũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều chính phủ đã phát lệnh hạn chế di chuyển. Do đó, tàu và máy bay bị từ chối nhập cảnh, dẫn đến hàng trăm thuyền viên phải làm việc với thời gian vượt quá điều khoản hợp đồng nhiều tháng trời vì không thể rời khỏi tàu.

Ngoài những rủi ro có thể xảy ra do bất ổn tâm lý, vấn đề nhu yếu phẩm mang theo đang dần cạn kiệt cũng là khó khăn mà các thuyền viên đang phải đối mặt. Trước tình hình hiện tại, không chỉ thân nhân các thuyền viên mà chính các chủ tàu cũng đang nóng lòng, tìm mọi cách để đưa thuyền viên của mình về nước.

Kiệt quệ chờ ngày hồi hương

Theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), các thủy thủ thường làm việc trên tàu 4 – 6 tháng trước thời gian nghỉ phép trở về đất liền. Trong thời gian lênh đênh trên biển, họ làm việc theo ca từ 10-12 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần.

Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về lao động hàng hải quy định rõ thời gian tối đa liên tục mà một thủy thủ nên phục vụ trên tàu không nghỉ phép là 11 tháng. Vì vậy, vệc thuyền viên bị kéo dài hơn thời hạn thông thường (11 tháng) có thể gây ra mệt mỏi, có hại cho sức khoẻ tinh thần của thuyền viên cũng như ảnh hưởng đến sự an toàn của ngành hàng hải.

Ngoài ra, do các tàu viễn dương thường không được trang bị internet, nên khi bị kẹt trên biển rất khó để liên lạc với thuyền viên.

Mắc kẹt hơn 1 năm trên biển, thuyền viên Việt kiệt quệ chờ hồi hương - 3

Công việc trên tàu viễn dương có rủi ro lớn vì thường xuyên đối mặt với thiên tai, cướp biển…

Sau nhiều lần tạm hoãn việc thông quan giữa các nước và đến nay vẫn chưa thể, các doanh nghiệp này đã có đơn kêu cứu gửi đến Thủ tướng, mong Chính phủ sẽ có phương án hợp lý để giải quyết tình hình cấp bách này.

Mắc kẹt hơn 1 năm trên biển, thuyền viên Việt kiệt quệ chờ hồi hương - 4

Không chỉ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế, việc thuyền viên bị mắc kẹt trên biển hơn 1 năm còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến tính mạng của họ.

“Chúng tôi mong muốn giải quyết được việc thay thuyền viên sớm nhất để phòng tránh những sự cố tai nạn gây ra những hậu quả đáng tiếc và tổn thất nghiêm trọng về nhân mạng, tài sản và môi trường. 

Chúng tôi đang tìm kiếm sự hỗ trợ của các Chính phủ để tạo điều kiện cho việc thay đổi thuyền viên, các hoạt động cần thiết để duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu và các hoạt động liên quan đến các chuyến bay cứu trợ, y tế và viện trợ nhân đạo. Vì lý do nhân đạo – và sự cần thiết phải tuân thủ các quy định về việc làm và an toàn quốc tế – việc thay đổi thuyền viên không thể bị hoãn vô thời hạn”, ông Dũng cho hay.


Lao động hàng hải, cụ thể là thuyền viên tàu viễn dương đóng góp một phần quan trọng cho nền kinh tế của thế giới. Hơn 80% thương mại toàn cầu tính theo khối lượng được vận chuyển bằng vận tải biển, huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu và phụ thuộc vào 2 triệu thuyền viên trên thế giới – những người vận hành các tàu buôn trên thế giới.


VTC