“Miếng bánh” thị phần chia thế nào khi Lạch Huyện đầu tư thêm bến cảng mới?

15/03/21 9:18 AM

Doanh nghiệp cảng mong muốn các cơ quan chức năng sẽ có giải pháp điều tiết hàng hóa hợp lý sau khi các bến cảng container Lạch Huyện ra đời.

Hơn 6.400 tỷ đồng đầu tư hai bến cảng mới

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới đây ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng do Công ty CP Tập đoàn Hateco là nhà đầu tư.

Theo thiết kế, hai bến số 5, 6 có chiều dài 375m/bến tiếp nhận cỡ tàu container đến 100.000 DWT; 1 bến sà lan tiếp nhận tàu, sà lan cùng các hạ tầng phụ trợ.

Vốn đầu tư thực hiện dự án do nhà đầu tư đăng ký lên đến hơn 6.400 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (2020 – 2025) dự kiến xây dựng trong 4 năm kể từ khi phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư. Thời điểm triển khai giai đoạn 2 căn cứ vào nhu cầu hàng hóa thông qua cảng.

Bên cạnh hai bến 5, 6 mới được phê duyệt, Công ty CP Cảng Hải Phòng cũng đang đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư dự án hai bến số 3, 4 với tổng chiều dài bến chính là 750m. Công suất khai thác theo thiết kế 1 – 1,1 triệu teus.

Về thời gian xây dựng, ông Nguyễn Tường Anh, TGĐ Công ty CP Cảng Hải Phòng cho biết, dự kiến, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025. Trong đó, bến số 3 sẽ được khởi công trong năm 2021 và đưa vào khai thác năm 2023.

Các cảng khác có lo mất nguồn hàng?

Như vậy, tìm hiểu của PV Báo Giao thông, theo kế hoạch đầu tư, giai đoạn 2021 – 2025, cụm cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) sẽ có tổng cộng khoảng 5 bến cảng container thay vì chỉ có hai bến khởi động (số 1 và số 2) như hiện tại.

Thực tế đó khiến nhiều cảng container phía trong sông Cấm, sông Bạch Đằng (Hải Phòng) như: Cảng Nam Hải; Nam Hải – Đình Vũ, Tân Vũ lo lắng các hãng tàu container sẽ chuyển ra phía Lạch Huyện để tận dụng luồng lạch kết nối tốt hơn, thời gian giải phóng hàng nhanh hơn.

Lãnh đạo Cảng Hải Phòng thừa nhận, khi các bến container ngoài Lạch Huyện đi vào hoạt động, các cảng container phía trong sẽ bị ảnh hưởng về sản lượng do một số hãng tàu tăng kích cỡ để vào cảng nước sâu.

“Tuy nhiên, mục tiêu các bến container tại Lạch Huyện hướng đến là các tuyến vận tải xa, từ Hải Phòng đi trực tiếp châu Âu, Mỹ. Giá dịch vụ cảng biển tại đây cũng cao hơn nên các cảng container phía trong vẫn là sự lựa chọn của những tàu container cỡ nhỏ (sức chở dưới 2.000 Teus) để tối ưu chi phí”, vị này nói.

Đề xuất giải pháp để “miếng bánh” hàng hóa container được chia đều cho các cảng biển tại Hải Phòng, ông Cáp Trọng Cường, Giám đốc Cảng Vip Green Port (Hải Phòng) cho rằng, khu bến cảng Lạch Huyện được định hướng trở thành cảng trung chuyển quốc tế, tạo động lực thúc đẩy toàn bộ hệ thống cảng biển khu vực phát triển.

“Thông thường, cảng biển trung chuyển (Hub Port) chỉ tiếp nhận những tàu mẹ cỡ lớn. Các tàu cỡ nhỏ sẽ đưa hàng về các cảng có quy mô nhỏ hơn (vai trò như Feeder Port). Vì vậy, các cơ quan chức năng cần quy định rõ cỡ tàu khai thác theo đúng định hướng, vai trò của cảng biển để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư”, ông Cường chia sẻ.

Báo Giao thông