Ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong đại dịch Covid-19

3/08/20 7:33 AM

Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 01/2020 gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống con người trên toàn thế giới. Đến đầu tháng 7/2020 đã có hơn 10 triệu người mắc bệnh và hơn nửa triệu người chết. Đại dịch đã gây áp lực nặng nề lên khả năng sản xuất và dây chuyền cung ứng toàn cầu và cũng chính đại dịch cũng mở ra con đường mới để ngành dịch vụ logistics phát triển.

 

logistics

 

“Xương sống” của chuỗi cung ứng

Do đại dịch, chuỗi cung ứng đã bị đứt gẫy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics – xương sống của chuỗi cung ứng. Các dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường bộ và vận tải đường sắt bị tác động nặng nề nhất. Vận tải biển ít bị ảnh hưởng hơn với cước phí vẫn giữ vững mặc dù yêu cầu chuyên chở có giảm sút và khó khăn về thủ tục do đại dịch. Các đặc điểm này của chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics thế giới đã thể hiện đầy đủ trong ngành dịch vụ logistics Việt Nam.

Đối với Việt Nam, từ khi nổ ra đại dịch, cuộc khủng khoảng này tác động mạnh mẽ lên ngành vận tải, logistics và tìm nguồn cung ứng chiến lược trọng yếu. Các ngành sản xuất như dệt may dựa chủ yếu vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc – nơi xảy ra đại dịch bị tác động nhất, đã ngưng trệ sản xuất do đại dịch. Chiến dịch giải cứu hàng hóa bị ách tắc ở biên giới với Trung Quốc giai đoạn đầu của đại dịch và đặc biệt là thời gian cách ly xã hội trong tháng 4/2020 đã làm cho hoạt động sản xuất, logistics, vận tải bị gián đoạn, tắc nghẽn. Từ tháng 5, kinh tế bắt đầu phục hồi nhưng đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các thị trường là đối tác thương mại chính của Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu và logistics.

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), trong quý I/2020, 15 – 50% hoạt động của các hội viên bị ảnh hưởng (giảm về hoạt động và doanh thu) tùy theo loại hình dịch vụ cung cấp. Khoảng 97% doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ logistics là vừa và nhỏ nên bị tác động nặng nề. Từ tháng 5/2020, hoạt động logistics được phục hồi theo nền kinh tế nhưng hiện nay nhìn chung khoảng 20% DN kinh doanh dịch vụ logistics vẫn còn suy giảm về hoạt động. So với trước đại dịch, lượng hàng hóa vận tải qua biên giới giảm đi nhiều, phải đổi lái xe, đổi đầu kéo là những khó khăn hiện hữu.

Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở sâu rộng, phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư FDI với hơn 70% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu là thuộc khu vực này. Theo đó, ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng chịu tác động của khoảng hơn 30 DN cung cấp logistics xuyên quốc gia có quan hệ mật thiết với các chủ hàng và hãng tàu biển lớn của thế giới. Nhu cầu quốc tế giảm sút đưa đến đơn hàng xuất khẩu giảm, nhiều công ty phải cho công nhân nghỉ việc. DN dịch vụ logistics bị tác động, ảnh hưởng theo. GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 ước tính tăng 1,81% so với cùng kỳ 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Sự hồi phục và phát triển của một nền kinh tế sau khi dập đại dịch Covid-19 phụ thuộc vào sức sống của các nền kinh tế khác, nhất là các nền kinh tế phát triển. Đây là một đặc điểm nổi bật mà ngành dịch vụ logistics thế giới và Việt Nam đã và đang chịu tác động.

Ngành dịch vụ trọng yếu trong nền kinh tế

Trong thời gian chống dịch vừa qua, logistics đã thể hiện là ngành dịch vụ trọng yếu của nền kinh tế. Ngành dịch vụ logistics đã tích cực tham gia các hoạt động chung như: hỗ trợ các DN xuất khẩu hàng nông hải sản sang thị trường Trung Quốc, các DN kinh doanh kho bãi đã chủ động giảm 10 – 20% giá cho thuê kho lạnh; tích cực tham gia vận chuyển hàng hóa cho thị trường nội địa ngoài phục vụ cho xuất nhập khẩu, nhất là hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong thời gian giãn cách xã hội. Để giải quyết khó khăn trong kinh doanh, các DN đã làm tốt công tác phản biện xã hội, kịp thời phản ánh các ý kiến của DN qua các hiệp hội, hội để Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ giải quyết nhằm giảm chi phí dịch vụ logistics như mục tiêu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề ra, đề xuất các giải pháp, sáng kiến tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái thiết nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập năm 2020 cho DN có doanh thu dưới 200 tỷ đồng. DN sẽ được hưởng lợi từ quyết định này bên cạnh các biện pháp hỗ trợ khác của Chính phủ, góp phần giải quyết một phần khó khăn cho DN kinh doanh dịch vụ logistics trong sản xuất, kinh doanh.

Đại dịch là chất xúc tác thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành dịch vụ logistics, trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, các DN cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam đang tích cực chuyển đổi số nhằm thay đổi sự trì trệ, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics, tăng trưởng, có thêm khách hàng và đạt lợi nhuận tối đa vượt trội so với trước khi chuyển đổi, hướng tới mục tiêu như Chính phủ đã đề ra trong Quyết định số 200/2017 là giảm chi phí logistics đang ở mức cao.

Hiện tại, VLA đang tích cực nghiên cứu dự án phát triển nền tảng số cho dịch vụ logistics. Tại Tân Cảng Sài Gòn, hãng tàu Maesk Lines đã cho thực hiện thành công e-DO – Lệnh giao hàng (Delivery Order) nguyên công (FCL) điện tử và đang tiếp tục áp dụng ở Cảng Hải Phòng. VLA đang xúc tiến thực hiện e-DO bằng công nghệ Block-chain đối với lô hàng lẻ (LCL), mỗi năm có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng Việt Nam. Đi đôi với việc ứng dụng kỹ thuật số, ngành dịch vụ logistics đang nỗ lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ, tận dụng cơ hội phát triển mang lại từ các Hiệp định FTA thế hệ mới khác, trong đó có EVFTA, CPTPP và RCEPT, đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển sản xuất, thương mại và đầu tư. Những yếu tố trên sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành dịch vụ logistics phát triển cả về quy mô kinh doanh lẫn chất lượng cung cấp dịch vụ. Các DN cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam đang chuẩn bị về nguồn nhân lực và năng lực hoạt động để phát triển mạnh sau đại dịch do cơ hội trên tạo ra.

Đại dịch đã làm thay đổi cách tiêu dùng, phương thức hoạt động, trao đổi thương mại. Thương mại điện tử (E-Commerce) của nước ta đã phát triển mạnh mẽ, kéo theo các hoạt động logistics. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, trong thời gian đại dịch, nhu cầu mua hàng trực tuyến để tiêu dùng của Việt Nam tăng 25%. Cũng theo một nghiên cứu của Công ty Tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, quá trình chuyển đổi số đáng lẽ cần 5 năm để áp dụng vào DN và người tiêu dùng, thì nay chỉ mất 8 tuần nhờ “cú hích” từ đại dịch. Vấn đề cải thiện tính cạnh tranh của chuỗi cung ứng và logistics như chi phí, chất lượng và giao hàng đang được đặt lên hàng đầu. Các vấn đề trên sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới mà các DN cần nắm bắt.

Trong đại dịch, các hoạt động logistics mới xuất hiện như vận tải đường sắt tàu container lạnh liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa trọn gói sang Trung Quốc, mở ra hướng xuất khẩu chính ngạch hàng trái cây và nông sản đông lạnh bằng đường sắt sang Trung Quốc và từ đó đi Trung Á, châu Âu. Đối với vải tươi xuất khẩu, trước đây chỉ vận chuyển bằng đường hàng không thì nay được vận chuyển bằng đuờng biển với những lô hàng vải tươi đầu tiên xuất sang Singapore, Mỹ và Nhật Bản trong tháng 6 với giá cước vận tải chỉ bằng 1/3 giá cước vận chuyển bằng đường hàng không.

Để ngành dịch vụ logistics tiếp tục phát triển trong điều kiện mới này, Chính phủ cần quan tâm đầu tư mạnh hơn về phát triển kết cấu hạ tầng logistics đi đôi với cải thiện các thủ tục hành chính, trước hết là các cảng biển nước sâu, khu vực Lạch Huyện và Bà Rịa – Vũng Tàu vì hơn 90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam là thông qua đường biển. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển vận tải đường thủy nội địa, nhất là có luồng lạch cho tàu 20.000 DWT vào, ra thuận tiện khu vực đồng bằng sông Cửu Long – nơi có trên 60% hàng hóa nông hải sản xuất khẩu của cả nước. Cùng với đó, việc phát triển một trung tâm logistics ở Cần Thơ chắc chắn sẽ giúp giảm thiểu chi phí logistics cho khu vực và cả nước.

Trong tương lai, việc phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ giúp cho việc vận chuyển hàng hóa trong nước và liên vận quốc tế đi châu Âu được thúc đẩy mạnh mẽ, giảm chi phí vận tải ở mức cao, tạo thuận lợi cho các hoạt động cung cấp dịch vụ logistics như các DN mong đợi.

Tạp chí GTVT