Ngày hội sáng tạo VIMC 2019 “Đổi mới, Sáng tạo, Ứng dụng KHCN trong SXKD tiết giảm chi phí”

21/11/19 12:46 PM

Tiếp nối thành công của Ngày hội Sáng tạo năm 2018, ngày 16/11/2019, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã tổ chức Ngày hội Sáng tạo VIMC 2019 nhằm các mục đích đẩy mạnh các hoạt động đổi mới, sáng tạo, đổi mới doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

Hoạt động này còn nhằm phổ biến, nhân rộng các ý tưởng, đề xuất, sáng kiến tới các doanh nghiệp trong toàn Tổng công ty đồng thời giúp cho cán bộ nhân viên và các doanh nghiệp thành viên ngày càng gắn bó, đoàn kết, tạo một sân chơi trí tuệ và một văn hóa doanh nghiệp đổi mới.

Một số ý tưởng và sáng kiến có tính thực tiễn, mang lại hiệu quả cao

CICT PORTAL là cổng thông tin điện tử được đội ngũ Công nghệ thông tin của Công ty TNHH cảng container quốc tế Cái Lân thiết kế, phục vụ riêng cho hoạt động khai thác mặt hàng Thức ăn chăn nuôi (Nông sản) nhập khẩu.

Đối tượng sử dụng: Các khách hàng (consignee) có hàng hóa trên tàu nông sản khai thác tại CICT, các đơn vị vận tải/ủy thác (transport agent) của chủ hàng và các phòng ban của cảng (Khai thác, An ninh, Marketing.

Khách hàng của CICT luôn có nhu cầu nắm được thông tin: lượng hàng của mình trên tàu đã được dỡ bao nhiêu? còn được lấy bao nhiêu? tàu chở hàng hóa của mình đã bắt đầu/ kết thúc khai thác hay chưa? lượng hàng trong kho còn bao nhiêu? Lượng hàng đã lấy ở các tàu trước là bao nhiêu? … Trước đây, cách duy nhất để chủ hàng có được thông tin này là chờ báo cáo bằng file excel qua email của cảng theo ca 06 hoặc 12 tiếng. Trong trường hợp cần thông tin ngay lập tức, khách hàng buộc phải gọi điện thoại/ gửi email tới Phòng khai thác và sẽ mất một khoảng thời gian để cảng truy xuất thông tin và phản hồi lại khách hàng. Do đó, độ trễ trong lưu truyền thông tin là điều không tránh khỏi. Ngoài ra, những nguyên nhân khách quan khác như đường dây điện thoại bận hoặc kết nối email gặp vấn đề cũng gây cản trở cho việc tiếp cận thông tin của khách hàng.

Các phòng ban chuyên môn của CICTcần có một công cụ phục vụ cho việc điều hành toàn bộ các hoạt động khai thác trong cảng (lượng hàng đã dỡ phân chia theo hầm hàng/chủ hàng/phương tiện vận tải, lượng hàng cần giao, lượng phương tiện đã đăng ký/đang chờ/đang lấy hàng…) để từ đó có được cái nhìn bao quát và đưa ra được những quyết định điều phối khai thác một các chính xác và kịp thời.

Để giải quyết các vấn đề trên, CICT đã xây dựng Cổng thông tin điện tử CICT PORTAL với các tiêu chí chính xác, trực quan và cập nhật theo thời gian thực.

CICT Portal được giới thiệu tại Hội nghị Khách hàng Nông sản 2018 do CICT tổ chức ngày 20/12/2018. CICT PORTAL được đưa vào sử dụng chính thức từ ngày 01/01/2019. Hiện tại, sau 10 tháng đi vào hoạt động; CICT Portal chạy trên nền tảng web với các cải tiến và giao diện tương thích cho cả máy tính và điện thoại thông minh.

Toàn cảnh Cảng container quốc tế Cái Lân

 Sáng kiến “Tận dụng tối đa nguồn nhân lực và uy tín sẵn có của để phát triển dịch vụ tàu ngoài” của Công ty Vận tải biển Vinalines (VLC).

Giải pháp/sáng kiến này đã được áp dụng và mang lại hiệu quả cao trọng hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2018-2019 của Công ty, trong đó hoạt động dịch vụ tàu ngoài là điểm sáng trong kết quả sản xuất kinh doanh. Doanh thu hoạt động tàu ngoài năm 2018 đạt gần 100 tỷ đồng, chiếm khoảng 11% tổng doanh thu khai thác cả đội tàu Công ty, lợi nhuận mang lại trên 10 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2019, hoạt động tàu ngoài đem lại kết quả tốt cho Công ty, lãi 1,9 tỷ đồng.

Hình ảnh tàu Golden Bay thực hiện COA

Đề tài “Xây dựng phần mềm đánh giá năng lực, hiệu suất khai thác cảng tương tác với phần mềm quản lý, điều hành” của Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng. Mục tiêu của đề tài là phục vụ công tác quản lý, đánh giá hiệu quả công tác tổ chức, điều hành và khai thác tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ, tiến tới áp dụng tại các Chi nhánh trực thuộc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng.

Theo ý tưởng đề xuất, khi triển khai và đưa vào ứng dụng, dự kiến chi phí thiết kế xây dựng phần mềm khoảng 500 triệu đồng. Như vậy, so với những giải pháp tương tự mua của nước ngoài, giải pháp trên vừa đảm bảo phù hợp với mô hình, yêu cầu khai thác của các cảng trong nước, vừa đáp ứng tốt các nhu cầu sử dụng, chi phí triển khai và vận hành thấp, phù hợp với điều kiện thực tế và đem lại hiệu quả cao. Việc đưa giải pháp của ý tưởng vào áp dụng thực tế sẽ đem lại lợi ích thiết thực cả về giá trị kinh tế làm lợi lẫn góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác và chất lượng thực hiện nghiệp vụ khai thác, giao nhận, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ vững vị thế và tạo lợi thế cạnh tranh cho Cảng Hải Phòng.

Bến cảng Tân Vũ trực thuộc Công ty CP Cảng Hải Phòng

 Đề tài “Thiết kế, lắp đặt hệ thống màn hình hiển thị chỉ báo hỗ trợ người vận hành xe đầu kéo dừng xe đúng vị trí” của Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng. Với mục tiêu áp dụng công nghệ vào quá trình khai thác, giải pháp được xây dựng nhằm giúp người vận hành chủ động, an toàn và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại đơn vị.

Giải pháp được xây dựng ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng 2 camera quan sát giúp phát hiện đầu kéo và nhận dạng container khi đi vào vùng hoạt động, một cảm biến quét biên dạng có chức năng giúp hệ thống xác định quá trình nhập hoặc xuất container, bộ thu phát tín hiệu không dây giúp phân biệt đang khai thác loại container 20 feet hoặc 40 feet. Giải pháp được xây dựng dựa trên cơ sở thực tế nên rất phù hợp với tất cả các đơn vị, tổ chức khai thác cảng biển trên toàn quốc. Ngoài ra có thể cái tiến để áp dụng cho các thiết bị cẩu bờ sử dụng trong bãi góp phần hình thành một dây chuyền khép kín khai thác an toàn, năng suất.

Đề tài “Thực trạng chi phí vận tải và đề xuất một số phương án giảm chi phí vận tải tại Vinalines Logistics Việt Nam – Chi nhánh Hải Phòng” của Công ty Vinalines Logistics.

Trong thời gian qua, ngành logistics nước ta có mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics của Việt Nam được tính khoảng 25% GDP của Việt Nam, cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Mỹ và cao hơn các nước đang phát triển như Trung Quốc hay Thái Lan. Mức chi phí này cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, còn so với Singapore thì cao hơn tới 3 lần.

Trước mắt, để giảm chi phí vận chuyển, các doanh nghiệp cần tăng cường khả năng quản lý chi phí vận chuyển dựa trên các nguyên nhân chủ quan. Nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp bằng việc giảm giá cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận khả quan cho công ty, Công ty Vinalines logistics đang áp dụng những biện pháp thực tế như sau: Tham gia vào các hiệp hội vận tải để trao đổi học hỏi kinh nghiệm; Sử dụng tối đa tiện ích của công nghệ thông tin sẽ giúp giảm được những chi phí cho việc đi tìm kiếm đối tác và chi phí về nhân sự và giúp các DN giảm được ít nhất 5% chi phí vận tải; Chủ động liên kết với các đơn vị có cùng loại hình khai thác; Mua vé tháng cho những máng hàng chuyên tuyến; Tối đa số chuyến vận chuyển 1 ngày trong điều kiện cho phép; Kết hợp đóng trả container 20dc/40hc; Chạy kẹp lệch cont 20 dc; Nâng cao ý thức của lái xe trong việc giữ gìn tài sản, tác phong làm việc.

Sáng kiến “Thiết kế và chế tạo ngáng thủy lực tự động trút ben hàng, không sử dụng điện động lực” của Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh. Mục tiêu của giải pháp là đưa thiết kế vào ứng dụng khai thác, tăng năng suất xếp dỡ các mặt hàng đá dăm, cát dùng ben và mặt hàng dăm gỗ dùng thùng xả đáy.

Hiệu quả kinh tế: Việc kết hợp “Ngáng xả hàng rời thủy lực không sử dụng điện động lực” với ben hàng rời giúp giảm thời gian 1 chu trình làm hàng từ 3 phút xuống còn 2 phút, đồng nghĩa với tăng năng suất từ 850 tấn/máng/ca lên 1.275 tấn/máng/ca. Với việc giảm bớt 2 nhân công lao động/ca/máng, chi phí nhân công lao động giảm từ 680 đồng/ tấn xuống còn dưới 320 đồng/tấn. Nếu chỉ tính chi phí nhân công lao động và sản lượng hàng đá dăm 1 triệu tấn/ năm, chi phí sản xuất đã giảm được 360 triệu đồng/ năm.

Giải pháp, sáng kiến “Thiết kế chế tạo Hệ thống khung ngáng cẩu 02 thùng container chứa hàng rời, điều khiển bằng điện – thủy lực xả hàng trên không xuống hầm tàu, lắp đặt trên cần cẩu bờ di động hoặc hệ thống cẩu giàn QC” của Công ty CP cảng Quy Nhơn.

Thiết kế của giải pháp này là chế tạo khung ngáng cẩu cùng lúc 02 thùng hàng và lắp đặt hệ thống điện – thủy lực để điều khiển đóng mở nắp thùng hàng thay thế con người. Hệ thống này do người lái cẩu chủ động điều khiển. Giải pháp có thể được áp dụng rộng rãi trong ngành khai thác cảng biển để xếp dỡ các mặt hàng rời từ ô tô xuống tàu thủy. Loại cần cẩu áp dụng là các loại cẩu bờ di động có sẵn hệ thống cấp điện đến đầu móc cẩu (Liebherr, Gottwald, cẩu giàn QC…). Chi phí xếp dỡ của giải pháp mới tiết kiệm 1.033 đồng/tấn so với giải pháp cũ. Theo kế hoạch của Cảng Quy Nhơn, lượng hàng dăm gỗ xếp dỡ bằng cẩu bờ Gottwald khoảng 350.000 tấn/năm, do vậy việc sử dụng Hệ thống ngáng xả đáy tự động 02 thùng dăm gỗ có thể giúp tiết kiệm hơn 360 triệu đồng/năm cho Cảng Quy Nhơn.

Ban tổ chức đã trao giải đặc biệt cho Công ty TNHH cảng container quốc tế Cái Lân với giải pháp CICT Potal; Giải nhất cho Công ty CP Cảng Hải Phòng; Giải nhì cho Công ty CP Cảng Đà Nẵng; Giải ba cho các đơn vị: Công ty CMIT, Công ty Vosco và Công ty Vinalines Logistics.

Một số hình ảnh trong cuộc thi Chung kết “Ngày hội sáng tạo VIMC 2019”