Nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực vận tải biển trực thuộc Vinalines đang từng ngày thoát lỗ, thậm chí làm ăn có lãi…
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thuộc diện “ông lớn” trong thị trường vận tải biển một thời của Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) đã có nhiều tín hiệu khả quan, thậm chí làm ăn có lãi. Trong đó đáng kể nhất là Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco)
Theo ông Bùi Việt Hoài, Phó TGĐ Vinalines, kiêm Chủ tịch HĐQT Vosco, thị trường vận tải biển năm 2019 đã phục hồi ở mức khá hơn so với một vài năm gần đây, nhất là đối với đội tàu hàng khô khi chỉ số BDI thường xuyên dao động quanh mức 1.400 điểm.
Số liệu công bố tại đại hội cổ đông Vosco tháng 4/2019 cho thấy, sản lượng vận tải năm 2018 của Vosco đạt hơn 6,8 triệu tấn với tổng doanh thu đạt hơn 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận 51 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch đặt ra là cân bằng thu chi.
“Có được kết quả này là do Vosco đã chủ động trong hoạt động khai thác đội tàu, quản lý chặt chẽ nhiên liệu, phụ tùng vật tư. Ngoài 14 tàu hiện có, Vosco còn thuê ngoài 6-7 tàu để tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường vận tải”, ông Hoài nói và cho biết, năm 2019, kế hoạch doanh thu được thông qua của Vosco là hơn 1.640 tỷ đồng, lợi nhuận 76 tỷ đồng.
Một đơn vị vận tải biển lớn khác của Vinalines là Công ty CP Vận tải biển Vinaship cũng đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2018 khi hoạt động kinh doanh chuyển từ lỗ sang lãi hơn 33 tỷ đồng. Tổng doanh thu đạt gần 700 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2019 doanh thu của Công ty đạt 354,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 26,6 tỷ đồng
“Kết quả trên có được nhờ việc tái cơ cấu với các tổ chức tín dụng và Công ty mua bán nợ (DATC) đã tạo động lực cho công ty sớm giải quyết những khó khăn về tình hình tài chính”, đại diện Vinaship chia sẻ.
Vẫn đối mặt nhiều khó khăn
Dù có được nhiều tín hiệu khả quan, song theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q. Tổng giám đốc Vinalines, mục tiêu đặt ra cho các doanh nghiệp này trong năm 2019 vẫn khá nan giải khi thị trường vận tải biển dự báo tiếp tục trong tình trạng cung lớn hơn cầu. Giá cước vận tải có thể tụt xuống khá thấp. Minh chứng là 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số BDI đã giảm đến 40% so với cùng kỳ 2018.
“Trong bối cảnh chung, đội tàu biển Việt Nam vẫn chủ yếu hoạt động trên các tuyến ngắn, tuyến Nội Á và chỉ đảm đương khoảng 10% thị phần vận tải hàng hóa, nhập khẩu, làm hạn chế năng lực cạnh tranh, không ít công ty đã phải bán trụ sở, bán tàu để xử lý nợ tồn đọng”, ông Tĩnh nói.
Cũng theo ông Tĩnh, nhằm giúp các DN vận tải thành viên đứng vững trên thị trường, Vinalines sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương thuê thêm tàu ngoài vào khai thác, nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Bên cạnh đó, Vinalines đã và đang triển khai việc hình thành các tuyến vận tải chuyên môn hóa dưới thương hiệu chung nhằm tập hợp nguồn lực, thống nhất và có sự phân bổ thị trường hợp lý, giảm sự cạnh tranh nội bộ giữa chính các đội tàu thuộc Tổng công ty, từ đó phát huy khả năng khai thác của các tàu hiện có, cắt giảm chi phí vào giai đoạn khó khăn của thị trường”, ông Tĩnh cho hay.
Báo Giao thông