Những thủy thủ tàu viễn dương bật khóc trên biển

4/12/19 7:29 AM

7 năm trước, trong chuyến đi biển đầu tiên, Jun Russel Reunir phải xúc quặng sắt liên tục hơn 12 tiếng, tới mức các cơ bắp đau nhức, rã rời.

“Tháng đó, tôi đã khóc ba lần trong cabin của mình”, Reunir, 27 tuổi, hiện làm việc trên tàu UBC Cyprus ở Bắc Thái Bình Dương, nhớ lại.

Suốt hàng chục năm nay, các thủy thủ tàu viễn dương Philippines như Reunir đã trở thành lực lượng lao động chính trong ngành vận tải biển quốc tế, chịu trách nhiệm vận chuyển gần 90% thương mại toàn cầu.

Vài tháng trước, Reunir cùng 18 thủy thủ Philippines lái một tàu chở xi măng từ Nhật Bản đến Philippines. Đối với người đi nhờ trên tàu, chuyến đi đó mang đến những cảm giác mới mẻ. Tiếng sóng biển bị lấn át bởi âm thanh gầm rú của động cơ, xác cá chuồn nằm rải rác trên boong tàu sau một trận bão, hay mùi dầu rẻ tiền tràn ngập trong gió.

Nhưng với các thủy thủ, nỗi vất vả khi làm các công việc nặng nhọc trên tàu hàng ngày cũng không tệ bằng sự nhàm chán mỗi khi họ thảnh thơi. Cảm xúc lãng mạn dành cho biển dường như đã chết từ lâu.

Các thủy thủ tàu UBC Cyprus ở cảng Calaca, Philippines. Ảnh: NY Times.

Các thủy thủ tàu UBC Cyprus ở cảng Calaca, Philippines. Ảnh: NY Times.

Jayson Guanio, 29 tuổi, đầu bếp của con tàu, kể lại trong chuyến chở quặng từ Montenegro tới Trung Quốc kéo dài hai tháng, có lần anh đã phải chạy lên buồng lái để ngắm một hòn đảo xa với hy vọng có thể nhìn thấy một cái gì đó khác biển.

Nhưng thủy thủ phòng máy Arnulfo Abad, 51 tuổi, người đã lênh đênh trên biển suốt ba thập kỷ, cho biết ông rất hài lòng với công việc này. “Biển đã cho tôi cuộc sống”, Abad nói.

Hầu hết thủy thủ trên tàu đều xuất thân từ gia đình ngư dân, thợ mộc hoặc nông dân. Trở thành một sĩ quan, điều mà tất cả thủy thủ đều ao ước, cần đến tấm bằng đại học. Một số người đã phải dựa vào nguồn thu nhập từ việc chăn nuôi lợn hay bán kem trên phố để có thể có được tấm bằng đó. Họ rời bỏ cuộc sống ở các vùng quê nghèo với thu nhập khoảng 100 USD mỗi tháng để lênh đênh trên biển với số tiền kiếm được gấp 10 lần.

Sau các chuyến đi biển, họ trở về nhà với những sợi dây chuyền vàng trên cổ, xây nhà cao cửa rộng cho bố mẹ và giúp anh em hay các cháu học đại học. Rồi những lời cầu hôn đến dồn dập.

Thủy thủ viễn dương, công việc đầy vất vả nhưng được trả lương hậu hĩnh, đã trở thành một nghề “hot” ở Philippines vào những năm 1980, khi một chiến dịch đào tạo ngành nghề này được tổ chức. Nhiều công ty nhân sự quảng bá thủy thủ Philippines cho các hãng vận tải biển quốc tế. Trong khi đó, các trường đào tạo ngành hàng hải mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu cho những người muốn theo công việc này.

Vài năm trở lại đây, số lượng thủy thủ Việt Nam, Myanmar hay Trung Quốc làm việc trên các tàu biển đang tăng lên. Nhưng trong số 1,6 triệu thủy thủ trên thế giới, có tới 400.000 người Philippines. Năm 2018, kiều hối mà các thủy thủ Philippines gửi về đã đạt mức 6 tỷ USD. Trên tàu UBC Cyprus hay nhiều tàu biển khác, văn hóa Philippines luôn thống trị.

Thuyền trưởng tàu UBC Cyprus, Rodrigo Soyoso, đứng trong buồng lái. Ảnh: NY Times.

Thuyền trưởng tàu UBC Cyprus, Rodrigo Soyoso, đứng trong buồng lái. Ảnh: NY Times.

Rodrigo Soyoso, thuyền trưởng người Philippines, lúc mới đầu là một người học việc trên một tàu đánh cá gồm 30 thuyền viên. Giống như mọi người ở đây, anh chỉ được tắm một lần mỗi tuần và phải buộc chân vào một lỗ thông gió khi ngủ trên boong tàu để tránh bị rơi xuống biển.

Soyoso đã từng lái tàu kéo, tàu chở vật nuôi và tàu du lịch trước khi thăng tiến trở thành một sĩ quan. Là thuyền trưởng, Soyoso phải đảm bảo tuân thủ các quy định hàng hải quốc tế, tránh va chạm với các tàu khác, theo dõi tình hình thời tiết trên biển. Thuyền trưởng này cũng phải đối phó với các nhân viên hải quan tham nhũng và dự trữ vài tút thuốc lá để làm “quà qua cửa” khi cần.

Họ luôn giữ những nét văn hóa của quê hương kể cả lúc ăn uống hay khi rảnh rỗi, vui chơi. Họ làm thịt heo quay nguyên con, một món ăn phổ biến ở Philippines. Ở boong sau của tàu, họ còn thiết kế một khu chơi bóng rổ, môn thể thao rất được yêu thích ở quê hương.

Trên tàu UBC Cyprus, thủy thủ đoàn đều là nam giới. Chỉ có 1% thủy thủ trên các tàu biển là nữ giới.

Trong những buổi karaoke vào tối thứ bảy, những người đàn ông này thường hát các bài thể hiện nỗi niềm khao khát trong lòng “Trái tim khao khát của tôi sẽ phải đợi em bao lâu?”

Internet đã giúp cuộc sống của các thủy thủ bớt cô đơn hơn, nhưng họ chỉ có 50 MB dung lượng miễn phí để sử dụng. “Chỉ cần vào Facebook là hết luôn”, thuyền trưởng Soyoso nói.

Không còn mạng, họ chỉ biết chờ đợi đến lúc tàu đi qua một hòn đảo để thu tín hiệu điện thoại. Họ đứng chen chúc nhau ở khu vực để dây neo và bè cứu sinh để cố thu đủ tín hiệu nhận một tin nhắn. Trước khi có Internet, họ thường phải kéo nhau đến bốt điện thoại mỗi khi tàu cập cảng để gọi về cho người thân, hoặc nói những lời yêu thương như “Anh yêu em” với vợ hay người yêu qua sóng vô tuyến.

Đại dương là một nơi làm việc vô cùng nguy hiểm. Trong 10 năm qua, đã có 1.036 vụ tàu mất tích trên biển, bao gồm vụ lật tàu chở xi măng ở gần Scotland khiến tất cả thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Lực giật của một sợi dây neo có thể xé toạc đầu một thủy thủ, một tấm lưới thép có thể cắt đứt các ngón tay, hay một đợt sóng biển mạnh đánh vào thân tàu có thể khiến họ ngã dúi dụi hoặc rơi xuống biển. Ngoài ra, còn nhiều mối nguy hiểm khác như bị điện giật, bỏng hay viêm ruột thừa luôn rình rập họ. Trong khi đó, bệnh viện gần nhất phải cách từ vài tiếng đến vài ngày bay bằng trực thăng cứu hộ.

Tuy nhiên, theo thuyền trưởng Soyoso, thách thức lớn nhất với các thủy thủ chính là cảm giác bị cô lập. Khi ở trên tàu, họ rất dễ chán nản, tuyệt vọng khi không có cách nào giải quyết các vấn đề cá nhân, gia đình. Nhiều người không còn thiết tha làm việc và thậm chí tuyệt vọng tới mức tìm đến cái chết.

Xa nhà liên tục trong nhiều tháng cũng là chuyện rất khó khăn. Hồi tháng 4, Reunir đang ở cảng khi vợ anh gọi điện báo vừa sinh con gái. “Sinh nhật đầu tiên của con bé có lẽ tôi cũng không thể có mặt”, Reunir nói.

Jun Russel Reunir (trái) xem ảnh con gái trên điện thoại. Ảnh: NY Times.
Jun Russel Reunir (trái) xem ảnh con gái trên điện thoại. Ảnh: NY Times.

Reunir cho biết từ nhỏ anh đã muốn trở thành thủy thủ. Sau khi đạt được giấc mơ này, anh đã tận hưởng các chuyến phiêu lưu trên biển, vượt qua các khu vực thường xảy ra cướp biển như Vịnh Aden, hay đương đầu với các cơn bão ở Biển Bắc, chấp nhận sống xa người anh yêu thương trong suốt 10 tháng.

Sau khi anh đi biển, nền kinh tế Philippines cũng có nhiều khởi sắc và đã có nhiều cơ hội việc làm hơn trên đất liền. Sau 7 năm lênh đênh trên các con tàu chở hàng vượt biển, giờ Reunir chỉ mơ ước được trở về thị trấn nhỏ nơi anh lớn lên, trồng trọt và chăn nuôi.

Nhưng từ giờ tới lúc đó, anh vẫn cần vợ cho con gái xem những bức ảnh của anh, để khi gặp lại nhau, con bé có thể nhận ra bố.

Vnexpress/(Theo NYTimes)