Tín hiệu tích cực sau cổ phần hóa

30/05/22 2:52 PM

Hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Hàng hải VIệt Nam (VIMC) tiếp tục đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ những tháng đầu năm…

Đột phá cảng biển

Cuối tháng 3/2022, sau khoảng 7 tháng gửi văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét chủ trương đầu tư khu bến container tại huyện Cần Giờ, TP.HCM, định hướng phát triển khu bến này tiếp tục được VIMC đề cập trong một tham luận về giải pháp kéo giảm chi phí logistics.

tín hiệu tích cực từ “ông lớn” hàng hải sau cổ phần hóa

Cảng biển vẫn đang là lĩnh vực kinh doanh mang lại nguồn thu lớn cho VIMC

Dẫn chứng cơ sở của đề xuất này, VIMC cho biết, năm 2021, sản lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển của cả nước vào khoảng 23,9 triệu TEUs, tập trung chủ yếu tại cảng biển TP.HCM, Vũng Tàu và Hải Phòng.

“Mặc dù vậy, hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam hiện chủ yếu là hàng xuất nhập khẩu và nội địa. Tỷ trọng hàng trung chuyển quốc tế còn thấp và nhiều dư địa phát triển”, VIMC nhận định.

Theo thông tin được doanh nghiệp này đưa ra, cảng biển trung chuyển container quốc tế tại Cần Giờ sẽ được đầu tư có khả năng tiếp nhận tàu mẹ trọng tải đến 250.000 DWT, tổng chiều dài cầu bến chính khoảng 6,8km, công suất thiết kế đến 15 triệu TEUs.

Như vậy, nếu được chấp thuận, đây sẽ là khu bến cảng thứ 2 của Việt Nam có khả năng đón được những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, bên cạnh cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

“Khu vực Cần Giờ có vị trí tại đầu tuyến luồng hàng hải Cái Mép – Thị Vải, có độ sâu lớn, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện, sóng, gió, nằm trong khu vực có hoạt động hàng hải sôi động.

Đây là điều kiện quan trọng để hình thành hệ thống cảng và phát triển dịch vụ trung chuyển container quốc tế”, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Tuyên giáo – Truyền thông VIMC chia sẻ thêm.

Cơ sở để Tổng công ty Hàng hải mạnh dạn đề xuất hình thành thêm một cảng nước sâu quy mô “khủng” tại Việt Nam không chỉ là điều kiện tự nhiên mà còn là đối tác chiến lược.

Được biết, song hành cùng VIMC trong “thương vụ” đầu tư này chính là Công ty Mediterranean Shipping Company (MSC). Đây là hãng tàu container hàng đầu thế giới đang khai thác đội tàu hơn 625 chiếc, kết nối tới 500 cảng biển toàn cầu. Sản lượng vận tải hàng năm đạt khoảng 23 triệu TEUs.

MSC cũng sở hữu khoảng 60 cảng biển trên toàn cầu, năng lực khai thác hàng năm trên 30 triệu TEUs.

“Bài học kinh nghiệm của các quốc gia khai thác hiệu quả cảng trung chuyển quốc tế cho thấy, sự tham gia, đồng hành của các hãng tàu lớn là một yếu tố cần thiết đóng góp cho sự thành công”, đại diện VIMC nói.

Cần phải nói thêm, năng lực phát triển cảng biển của Tổng công ty Hàng hải không chỉ thể hiện qua đề xuất dự án đầu tư khu bến Cần Giờ mà trước đó, hàng loạt cảng biển có sự tham gia của VIMC đều được đầu tư, vận hành hiệu quả, mang lại nguồn thu lớn.

Theo thống kê 3 tháng đầu năm 2022, doanh thu toàn VIMC ước đạt hơn 4.700 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 955 tỷ đồng. Riêng khối cảng biển (15 cảng) lợi nhuận ước đạt 464 tỷ đồng, đóng góp 49% vào lợi nhuận toàn VIMC.

Trước đó, năm 2021, lợi nhuận trước thuế năm 2021 khối cảng biển ước đạt hơn 2.200 tỷ đồng, chiếm 78% tổng lợi nhuận hợp nhất toàn VIMC. Nổi bật là nhóm cảng liên doanh như: Cảng SSIT ước lãi gần 140 tỷ đồng, CMIT ước lãi gần 90 tỷ đồng.

Riêng cảng Quy Nhơn, từ sau khi VIMC chính thức tiếp nhận (5/2019), các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh liên tục tăng trưởng, lợi nhuận đạt 400 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm ban đầu.

tín hiệu tích cực từ “ông lớn” hàng hải sau cổ phần hóa

Cùng với cảng biển, khối vận tải biển của VIMC cũng có sự đột phá lớn trong thời gian qua

Hồi sinh hoạt động vận tải

Một trong những đột phá đối với Tổng công ty Hàng hải VN trong hai năm trở lại đây là sự hồi sinh mạnh mẽ của đội tàu.

Dấu ấn đậm nét thể hiện trong năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song, nhờ theo sát diễn biến thị trường, linh hoạt trong điều chỉnh phương án khai thác, đàm phán hợp đồng để nâng giá cước vận tải và giá cho thuê tàu, khối vận tải biển VIMC đã đạt được mức lợi nhuận ấn tượng.

Năm 2021, lợi nhuận khối vận tải biển năm 2021 đạt 869 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với kết quả thực hiện năm 2020.

Hàng loạt tên tuổi vốn nổi tiếng với sự thua lỗ trong nhiều năm trước đó, đến năm 2021 cũng ghi nhận mức lợi nhuận “đáng nể” như: Công ty Vosco ước lợi nhuận hơn 185 tỷ đồng, Công ty Vinaship ước lãi gần 165 tỷ đồng, Công ty Biển Đông ước lãi 37 tỷ đồng,…

Đến quý 1/2022, khối vận tải biển tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực với lợi nhuận toàn khối ước đạt 467 tỷ đồng.

“Tới đây, VIMC sẽ tập trung thực hiện cơ cấu lại đội tàu; Hợp tác với MSC nghiên cứu phát triển đội tàu container và mạng lưới feeder vận chuyển container kết nối các cảng biển của Việt Nam, hợp tác tham gia trên các tuyến vận tải nội Á và liên châu lục.

Nhằm bắt kịp sự phát triển xu hướng container hóa trong vận tải biển, VIMC cũng lên kế hoạch đầu tư 2 tàu container 1.700 – 2.200 TEU với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng”, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc VIMC nói và cho biết, VIMC cũng sẽ chỉ đạo các DN vận tải biển nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường vận tải biển, đặc biệt là diễn biến giá cho thuê tàu, nguồn cung tàu đóng mới, nhu cầu vận tải các mặt hàng chính như: than, quặng, nông sản, … trong ngắn, trung và dài hạn để tận dụng tối đa cơ hội phát triển, gia tăng lợi nhuận.

Báo Giao thông