Hội thảo đã chỉ ra một số điểm bất cập của hiện trạng logistics của Cần Thơ và xác định thành lập Trung tâm logistics là quan trọng.
Ngày 20/2, tại Cần Thơ đã diễn ra hội thảo khoa học phát triển mạng lưới logistics của TP. Cần Thơ đến năm 2020 tầm nhìn 2030 do Sở Khoa học công nghệ TP. Cần Thơ phối hợp cùng các đơn vị nghiên cứu tổ chức.
Hội thảo tập trung vào thảo luận các nội dung liên quan đến những hạn chế, tồn tại trong hoạt động logistics của TP. Cần Thơ nói chung, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, từ đó đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics.
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ, là giao điểm của nhiều tuyến giao thông đường bộ, đường thủy quan trọng kết nối với TP. HCM và các tỉnh thành lân cận trong khu vực, cùng với hệ thống Cái Cui, Hoàng Diệu – Bình Thủy, Trà Nóc – Ô Môn – Thốt Nốt và cảng hàng không quốc tế đang được tiếp tục đầu tư nâng cấp,… Cần Thơ rất có tiềm năng và triển vọng phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, hiện trạng logistics của Cần thơ nói chung, khu vực ĐBSCL vẫn còn tồn tại những bất cập, khó khăn và điểm nghẽn như: các luồng sông dẫn vào các cụm cảng thường xuyên bị phù sa bồi lắng. TP. Cần Thơ chưa có trung tâm logistics hoạt động hoàn chỉnh theo chức năng của một trung tâm mà chỉ hoạt động chủ yếu ở dạng chức năng đơn lẻ do hệ thống các cụm cảng Cần Thơ được đầu tư đơn lẻ, manh mún, chưa đồng bộ,…Chưa kể đến chi phí doanh nghiệp vận tải phải chịu khi có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu là rất cao (từ 10% – 40% tùy từng chuyến).
Do đó, không chỉ ông Toại mà các chuyên gia khác cũng cho rằng nhu cầu xây dựng một Trung tâm logistics tại TP. Cần Thơ là nhu cầu cấp bách.
Ông Toại cũng thông tin, UBND TP. Cần Thơ đã thống nhất chủ trương xây dựng Trung tâm logistics hạng II tại cảng Cái Cui (khu công nghiệp Hưng Phú, phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) với diện tích trên 242ha. Khi chính thức đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển lưu thông hàng hóa của thành phố và các tỉnh lân cận; kết nối thuận tiện với các hệ thống giao thông vận tải; bám sát được kết cấu hạ tầng giao thông và các hành lang vận tải.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cũng xác định nhu cầu xây dựng Trung tâm logistics tại TP. Cần Thơ là cấp bách và cần thiết. Việc thành lập trung tâm đúng tầm cỡ sẽ góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững và ổn định cho cả vùng ĐBSCL, góp phần giảm thiểu chi phí đầu vào, tăng giá trị gia tăng của hàng hóa đối với các mặt hàng chủ lực của vùng
Báo Giao thông