Ngày 27/3/2025, Học viện Ngoại giao (HVNG) đã tổ chức Đối thoại DAV-NMF với chủ đề “Hợp tác thúc đẩy an ninh biển toàn diện tại khu vực”, triển khai Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa HVNG và Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ (NMF).
Sự kiện có sự tham dự của TS. Nguyễn Hùng Sơn, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao; Phó đô đốc Pradeep Chauhan, Tổng Giám đốc Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ; TS. Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC); cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan và các nhà nghiên cứu chuyên sâu về hàng hải.
Đối thoại tập trung vào các vấn đề quan trọng như thách thức địa chính trị, nhận thức không gian biển, phối hợp xây dựng năng lực đối phó với các thách thức an ninh biển và xu hướng chuyển đổi xanh trong kinh tế biển. Các diễn giả đã phân tích bối cảnh chiến lược khu vực và quốc tế, nhận diện những thách thức đang nổi lên như cạnh tranh địa chính trị, sự xói mòn của chủ nghĩa đa phương, biến đổi khí hậu, nguy cơ trên không gian mạng. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường năng lực biển, củng cố quan hệ hợp tác song phương và đa phương, cùng với việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự biển bền vững. Đối với xu hướng chuyển đổi xanh trong kinh tế biển, các diễn giả đều thống nhất về tầm quan trọng của nền kinh tế biển xanh đối với sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, những thách thức như đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU), ô nhiễm môi trường biển và nước biển dâng vẫn đang cản trở quá trình này. Các kinh nghiệm thực tiễn từ Việt Nam và Ấn Độ về phát triển nền kinh tế biển xanh đã được chia sẻ, đồng thời đưa ra những đề xuất tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại Đối thoại, TS. Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc VIMC, nhấn mạnh vai trò quan trọng của vận tải biển trong việc kết nối Việt Nam và Ấn Độ, góp phần thúc đẩy thương mại song phương và nâng cao vị thế của hai nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông khẳng định tiềm năng lớn trong việc tăng cường kết nối vận tải biển giữa hai nước, khi Việt Nam và Ấn Độ đều sở hữu nền kinh tế năng động và nằm tại các vị trí chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hai quốc gia đang hướng tới mục tiêu nâng tổng kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD, nhưng con số này vẫn chỉ chiếm 2-3% tổng thương mại của mỗi nước. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh hợp tác vận tải biển không chỉ giúp thúc đẩy trao đổi thương mại mà còn hỗ trợ hai quốc gia trở thành những trung tâm hậu cần, vận tải biển quan trọng trong mạng lưới kinh tế toàn cầu. VIMC, với vai trò là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải tại Việt Nam, sẵn sàng hợp tác với các đối tác Ấn Độ để phát triển các tuyến vận tải biển mới, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và thúc đẩy các sáng kiến vận tải bền vững.
Phát biểu bế mạc, TS. Nguyễn Hùng Sơn đánh giá cao kết quả thảo luận và nhấn mạnh rằng sự kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác giữa HVNG và NMF, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về nghiên cứu, trao đổi học thuật, cũng như phát triển nguồn nhân lực hàng hải giữa hai quốc gia.
Học viện Ngoại giao