Cảng biển Quảng Ninh: Kết nối để vươn xa

23/04/25 4:59 PM

Qua 6 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU (ngày 23/4/2019) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, kinh tế cảng biển của Quảng Ninh có nhiều khởi sắc, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Tận dụng lợi thế biển

Quảng Ninh hiện đang là một trong 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển; có 9/13 địa phương trong tỉnh có biển. Đây là một trong những lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế biển nói chung và kinh tế cảng biển nói riêng. Tuy nhiên, hoạt động cảng biển và dịch vụ cảng biển ở Quảng Ninh chưa tạo ra sức hút cạnh tranh, vẫn còn những tồn tại, như: Hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ; công tác quản trị của các doanh nghiệp khai thác cảng biển và dịch vụ cảng biển yếu, năng lực cạnh tranh kém; nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa cao;… dẫn đến nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực cảng biển và dịch vụ cảng biển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Quảng Ninh.

Để tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng cảng biển, nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển nhằm đưa dịch vụ cảng biển từng bước trở thành lĩnh vực đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về “Phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Bến cảng cao cấp Ao Tiên (KKT Vân Đồn). Ảnh: Mạnh Trường
Bến cảng cao cấp Ao Tiên (KKT Vân Đồn).

Theo PGS.TS Bùi Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh thời điểm năm 2019 ban hành nghị quyết về phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển là thực sự cần thiết, hợp lý và phù hợp với điều kiện của tỉnh. Nghị quyết xác định được hướng đi đúng đắn, với việc tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ hệ thống các cảng biển mới và cải thiện, nâng cao năng lực cho các cảng biển hiện hữu để không ngừng thu hút các doanh nghiệp về làm hàng.

Song song với tận dụng hiệu quả của các cảng biển hiện hữu, đã được đầu tư trước đó, như: Cảng Cái Lân, cảng Cửa Ông, cảng Hòn Gai, cảng Km6… để trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, tỉnh Quảng Ninh còn xúc tiến, thu hút nhà đầu tư phát triển mạnh mẽ hệ thống các bến cảng phục vụ cho hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại. Điển hình như: Tập đoàn Tuần Châu đầu tư Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu; Tập đoàn Sun Group đầu tư Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long; Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền đầu tư Bến cảng cao cấp Ao Tiên. Những bến cảng hiện hữu này đã và đang tạo ra những giá trị tích cực trong việc luân chuyển hàng hóa, đưa đón các đoàn khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng trên Vịnh Hạ Long, đặc biệt là đã đón nhiều chuyến tàu biển quốc tế, mang theo các đoàn khách quốc tế đến Quảng Ninh tham quan, trải nghiệm.

Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Cái Lân (TP Hạ Long). Ảnh: Mạnh Trường
Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Cái Lân (TP Hạ Long).

Trong 5 năm trở lại đây, tổng sản lượng hàng hóa thông qua các bến cảng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt khoảng 627,7 triệu tấn, bình quân đạt 124,1 triệu tấn/năm; tổng lưu lượng hành khách vận tải biển (khách du lịch qua cảng) dự kiến đạt 293.247 lượt khách; tổng lượng khách du lịch biển, đảo đạt 43,3 triệu lượt khách; tổng doanh thu dịch vụ cảng biển dự kiến đạt gần 26.000 tỷ đồng; tỷ trọng đóng góp của dịch vụ cảng biển vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm sau đều cao hơn năm trước (năm 2019 đạt khoảng 0,43%; năm 2020 đạt khoảng 0,43%; năm 2021 đạt khoảng 0,47%; năm 2022 đạt khoảng 0,49%; năm 2023 đạt khoảng 0,51%; năm 2024 đạt khoảng 0,58%; dự kiến năm 2025 đạt khoảng 0,69%).

Gia tăng năng lực cảng biển

Chia sẻ của ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam tại Hội nghị logistics Quảng Ninh năm 2023, mặc dù Quảng Ninh có bờ biển chạy dọc tỉnh, nhưng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cảng biển và hạ tầng phụ trợ cảng biển cũng như hỗ trợ các chủ tàu, chủ hàng, chủ cảng mở các tuyến vận tải hàng hóa đến, đi vẫn chưa được triển khai đồng bộ, quyết liệt và đi vào chiều sâu; các giải pháp liên kết, tiêu thụ, giao nhận, vận chuyển hàng hóa từ các địa phương khác về Quảng Ninh thông qua cảng biển chưa có nhiều đổi mới, một số cảng chưa phát huy hết công suất.

Thực tế ở Quảng Ninh hiện tại, hầu hết các bến cảng đều là bến cảng tổng hợp, nếu có chỉ là bến cảng trung chuyển, xuất khẩu hàng rời (than, clinker, dăm gỗ), chưa có nhiều bến container với trữ lượng hàng hóa lớn. Nhận diện được những hạn chế này và trước mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2025-2030 đạt trên 2 con số, vững vàng trong kỷ nguyên phát triển mới của quốc gia, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống cảng biển trên địa bàn, đặc biệt là ưu tiên phát triển các cảng bến lớn.

Cảng xăng dầu B12 (TP Hạ Long). Ảnh: Mạnh Trường
Cảng xăng dầu B12 (TP Hạ Long).

Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) tại TP Móng Cái do Công ty CP Cảng quốc tế Vạn Ninh làm chủ đầu tư đang được các cấp, các ngành của tỉnh hỗ trợ triển khai đầu tư rất quyết liệt. Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh được đầu tư xây dựng trên diện tích 82,79ha, tại xã Vạn Ninh (TP Móng Cái) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 2.248 tỷ đồng. Bến cảng được thiết kế hạng mục bến cầu chính dài 500m, có thể đậu đồng thời 2 tàu trọng tải lên đến 20.000DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000DWT và đậu các sà lan ở mặt sau; xây dựng 180m bến sà lan ở phía trong, tiếp giáp bờ; xây dựng 3 cầu dẫn… Riêng khu kho bãi được đầu tư đồng bộ, trang bị hạ tầng hiện đại đáp ứng tốt nhất yêu cầu làm hàng tổng hợp và container.

Đến thời điểm này, bến cảng đã thi công đạt 85% phần san lấp bãi tập kết hàng hóa đợt 1, thi công đạt 93% phần cầu cảng giai đoạn 1, thi công xong trạm biến áp 560kVA/0,4kV và đóng điện. Theo ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái, bên cạnh việc hỗ trợ chủ đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến nguồn vật liệu san lấp, địa phương cũng đề nghị UBND tỉnh dành nguồn vốn ngân sách tỉnh giao cho TP Móng Cái đầu tư tuyến đường kết nối cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái với cảng Vạn Ninh. Hiện tuyến đường này đang chuẩn bị hoàn thành, góp phần kết nối, thúc đẩy hoạt động logistics qua cảng.

Các tàu làm hàng tại khu vực cảng Con Ong - Hòn Nét (TP Cẩm Phả). Ảnh: Mạnh Trường
Các tàu làm hàng tại khu vực cảng Con Ong – Hòn Nét (TP Cẩm Phả).

Tỉnh Quảng Ninh cũng tích cực xúc tiến, thu hút đầu tư cảng Con Ong – Hòn Nét (TP Cẩm Phả), phục vụ đắc lực cho hoạt động logistics. Dự án này được các đơn vị liên quan nghiên cứu rất kỹ lưỡng, xác định là cảng biển nhóm 1 có nhiều lợi thế vượt trội so với các cụm cảng khác ở khu vực phía Bắc. Với luồng nước từ -7m đến -13,4m, khu vực này ít bị tác động của sóng lớn do nằm trong vịnh Bái Tử Long và ít bị sa bồi, thuận lợi cho việc bốc xếp, chuyển tải hàng hóa.

Cảng Con Ong – Hòn Nét nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg (ngày 22/9/2021). Dự kiến, cảng Con Ong – Hòn Nét có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng, khí; đón tàu trọng tải từ 100.000-200.000 tấn hoặc lớn hơn vào làm hàng. Để tạo điều kiện thu hút, hỗ trợ triển khai dự án cảng Con Ong – Hòn Nét, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu đầu tư tuyến đường giao thông kết nối cảng với QL18 và cao tốc Hạ Long – Vân Đồn.

Ông Phạm Xuân Đài, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Đơn vị tích cực hỗ trợ, đồng hành với các nhà đầu tư trong việc triển khai đầu tư hệ thống các bến cảng tại KKT ven biển Quảng Yên, nổi bật là dự án bến cảng KCN Nam Tiền Phong do Deep C làm chủ đầu tư. Hệ thống các bến cảng tại đây khi được đầu tư đảm bảo trung chuyển, lưu kho, XNK hàng hóa, phục vụ toàn bộ hoạt động của các KCN tại địa bàn Quảng Yên, qua đó góp phần giảm chi phí logistics của các doanh nghiệp.

Phối cảnh bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (TP Móng Cái) đang được tích cực triển khai thi công.
Phối cảnh bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (TP Móng Cái).

Cùng với hạ tầng cảng biển, tỉnh cũng phát triển thêm các dịch vụ cảng biển chủ đạo, thế mạnh của tỉnh, như: Dịch vụ lưu kho bãi và cho thuê kho bãi, xếp dỡ hàng hóa; dịch vụ vận tải hàng hóa nhằm mục tiêu chuyển đổi nhiều khu vực trở thành trung tâm vệ tinh dịch vụ cảng biển, tạo sức hút và động lực tăng trưởng. Đến nay đã có 17 doanh nghiệp tham gia hoạt động bốc xếp hàng hóa bằng đường biển, tăng thêm 9 doanh nghiệp so với năm 2018. Trong đó, có 2 doanh nghiệp vận tải biển đã ghi tên vào đội tàu biển tư nhân có uy tín trên cả nước, là Công ty TNHH Hải Nam, Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận.

Hiện Công ty TNHH Hải Nam có 12 tàu biển (6 tàu biển có trọng tải từ 31.000-53.000DWT chạy tuyến quốc tế – châu Á; 6 tàu biển có trọng tải đến 29.000DWT chạy tuyến nội địa); 5 phương tiện thuỷ nội địa mang cấp VR-SB trọng tải đến 23.785DWT chạy tuyến nội địa. Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận có 17 tàu biển trọng tải từ trên 10.000-76.000DWT, chạy tuyến quốc tế (Indonesia, Trung Quốc, Philippines…) và các tuyến nội địa Quảng Ninh, Dung Quất, Vũng Áng, Duyên Hải, Vĩnh Tân, Cần Thơ… Còn Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận đã phát triển thành Việt Thuận Group, là tập đoàn kinh tế đa ngành vững mạnh, tổng trọng tải đội tàu và phương tiện thuỷ xấp xỉ 1 triệu tấn, sản lượng vận chuyển hằng năm đạt hàng chục triệu tấn, tổng số vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng. Việt Thuận Group đã được ghi danh trong bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2022 với thứ hạng 44, là doanh nghiệp số 1 ngành vận tải đường thủy nội địa tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.

Với những giải pháp đã đề ra, hệ thống cảng ở Quảng Ninh kỳ vọng phục vụ đắc lực cho mọi hoạt động trung chuyển, tập kết, lưu kho, xuất nhập khẩu hàng hóa, logistics; đưa đón khách…, tạo động lực tăng trưởng mới cho tỉnh, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Báo Quảng Ninh