Giải pháp để đưa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiến lên sẽ là tiếp tục thanh lý “trẻ hóa” đội tàu, chuyển hướng đầu tư bằng việc thuê/mua tàu để khai thác khi thị trường thuận lợi.
Trong những năm qua, hoạt động của Tổng công ty luôn phải song hành hai nhiệm vụ là phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu nợ. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải biển, thì nhiệm vụ trên càng chồng chất khó khăn.
Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Tổng công ty cho biết, dịch COVID-19 lây lan và kéo dài trên nhiều quốc gia, tác động mạnh vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vận tải biển; trong đó có Vinalines.
Cụ thể, đội tàu của Tổng công ty gồm 70 chiếc, hoạt động cả nội địa và quốc tế, nhiều tàu chạy hàng khu vực xa như châu Mỹ, châu Phi…, nhưng 3 tháng qua không có đơn hàng chạy về hay hai chiều, mà chủ yếu dừng neo chờ. Đội tàu dầu đang bị các đối tác trả hoặc yêu cầu giảm cước.
Trong khi đó, hàng container nội địa Bắc – Nam cũng đang giảm mạnh khoảng 20 – 30% chiều từ Hải Phòng vào Tp. Hồ Chí Minh; giá cước cũng giảm 10 – 20%, chỉ còn khoảng 5,5 triệu đồng/container 20 feet và 6 triệu đồng/container 40 feet (chiều Hải Phòng – Tp. Hồ Chí Minh) và khoảng 1,8 – 2 triệu đồng/container 20 feet (chiều ngược lại).
Hàng gom từ các cảng khác về cảng Cái Mép – Thị Vải để xuất khẩu đi thị trường Mỹ và châu Âu cũng đang giảm khoảng 30 – 40% khiến một loạt tàu feeder (tàu gom hàng) trong cảnh “đói hàng”.
Riêng mặt hàng khô, do các nhà máy, công trình xây dựng tạm dừng nên nhu cầu về nguyên vật liệu giảm sâu, giá cước giảm từ 230.000 đồng xuống còn 160.000 đồng/tấn.
“Đáng lo ngại là do lệnh phong tỏa, đóng cửa biên giới cả hàng không và cảng biển tại nhiều quốc gia, đã khiến các tàu của Vinalines đang đợi hàng tại nước ngoài như Ấn Độ, Bangladesh, Philippines không thể thay thuyền viên, thuyền viên không được lên bờ, việc cung cấp thực phẩm cho nhu cầu sinh hoạt rất khó khăn”, ông Trần Tuấn Hải chia sẻ.
Đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, không chỉ Vinalines, mà hầu hết các đội tàu biển lớn trên thế giới cũng đang phải hứng chịu những khó khăn do dịch COVID-19.
Theo cập nhật mới nhất của Sea-Intelligence, ngành vận tải biển đang đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu vận chuyển container lên tới 6,4 triệu TEU trên phạm vi toàn cầu.
Số lượng các chuyến trống và bị cắt giảm các tuyến vận tải chính của các hãng tàu ngày càng tăng, tính đến ngày 11/4 đã vượt qua con số 384 chuyến, tương đương khoảng 3 triệu TEU. Hiện việc hủy chuyến sẽ tiếp tục diễn ra và nhu cầu vận chuyển cả năm 2020 có thể giảm tới 20% so với năm 2019.
Theo báo cáo sơ bộ từ Vinalines, quý I/2020, sản lượng hàng thông qua cảng của nhóm cảng chi phối ước đạt hơn 16,6 triệu tấn, bằng 96% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, so với cùng kỳ năm 2019, một số cảng trọng yếu có sản lượng sụt giảm mạnh như: Hải Phòng chỉ đạt 75%, Sài Gòn đạt 85%. Sản lượng vận tải biển của Vinalines cũng sụt giảm nghiêm trọng khi chỉ đạt gần 4,7 triệu tấn, bằng 84% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, sản lượng container ước đạt gần 60 nghìn Teus.
Thực trạng đó khiến doanh thu hợp nhất của Vinalines chỉ bằng 78% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 2.200 tỷ đồng. Bức tranh tài chính của doanh nghiệp từ lãi 24 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2019) chuyển sáng lỗ hợp nhất hơn 111 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2020.
Ông Phan Tuấn Linh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (đơn vị thành viên của Vinalines) cho biết, quý I/2020, thị trường hàng hóa đi/đến Trung Quốc ngưng trệ khiến sản lượng hàng qua cảng Quy Nhơn sụt giảm hơn 20%. Cảng đã phải mở rộng khai thác thị trường hàng rời đi Nhật Bản kết hợp với hàng container xuất đi Mỹ, châu Âu để cầm cự.
“Khó khăn hơn khi hiện nay chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc, các mặt hàng qua cảng đồng loạt giảm; trong đó, lượng hàng rời đi Nhật đã giảm 10%, hàng container đi Mỹ, châu Âu đang “lao dốc”, dự kiến chỉ còn đạt 9.000 Teus thay vì 15.000 Teus như tháng trước”, ông Linh nói.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q.Tổng giám đốc Vinalines cho biết, dự kiến, quý II/2020, hoạt động dịch vụ của hàng hải nói chung và Vinalines nói riêng tiếp tục bị tác động mạnh khi những mặt hàng chủ lực là may mặc, giày da, đồ gỗ hiện đang đóng góp khoảng 60-70% sản lượng xuất khẩu chuyên chở tuyến xa sẽ bị sụt giảm mạnh từ 30-50% do giảm nhu cầu tại châu Âu và Mỹ.
Về giải pháp phục hồi sản xuất trong thời gian tới, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh chia sẻ, trong bối cảnh lĩnh vực vận tải biển còn gặp nhiều khó khăn lại thêm chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch COVID-19, giải pháp để đưa Vinalines tiến lên sẽ là tiếp tục thanh lý “trẻ hóa” đội tàu, chuyển hướng đầu tư bằng việc thuê/mua tàu để khai thác khi thị trường thuận lợi, tiến tới tham gia các liên minh về vận tải biển quốc tế để hiện diện là một đơn vị trung chuyển hàng container trong khu vực.
Đặc biệt, Vinalines sẽ cơ cấu vốn đầu tư, tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển mới, các trung tâm phân phối logistics, cảng cạn ICD… để phát triển tối đa dịch vụ tích hợp (vận tải biển – cảng biển – dịch vụ hàng hải); trong đó tập trung kết nối đến các cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, Lạch Huyện; đưa công nghệ thông tin trở thành xương sống, “số hóa” từ khai thác đội tàu, kho bãi, cảng biển đến quản lý logistics.
Mục tiêu của Vinalines là trở thành nhà cung cấp giải pháp tối ưu trong giao nhận, kho vận trên nền tảng cung ứng dịch vụ “Door to Door”, từng bước hình thành dịch vụ chuỗi cung ứng toàn cầu để thu hút khách hàng, đưa doanh thu của nhóm dịch vụ logistics chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của toàn Tổng công ty.
Theo lãnh đạo Vianlines, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt với Tổng công ty vì là dấu mốc 1/4 thế kỷ xây dựng và phát triển của doanh nghiệp. Do đó toàn thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên của Tổng công ty sẽ quyết tâm để vượt qua “bão COVID-19” trong thời gian tới.
Nói thêm về sự kiện này, ông Trần Tuấn Hải cho hay, 25 năm kể từ khi thành lập, “con thuyền” Vinalines vẫn đứng vững để chinh phục đại dương dù không ít lần chông chênh trên đỉnh sóng. Đó là ngay khi được thành lập, Vinalines đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.
Tuy nhiên, với nhiều giải pháp, đặc biệt là việc phát triển đội tàu biển, cảng biển và hệ thống cảng cạn (IDC) trong 5 năm để nâng cao sức cạnh tranh, đến năm 2000, năng lực xếp dỡ của Vinalines đạt 2.800 tấn/m bến/năm, tăng 1.100 tấn/m bến so với năm 1995. Số tàu của Vianlines nâng lên 79 chiếc với tổng trọng tải 884.000 DWT.
Nhờ đó, khối lượng hàng hóa vận tải và sản lượng hàng hóa qua cảng của Vinalines lần lượt tăng gấp từ 2-3 lần so với năm 1995 (tương đương 11,4 triệu tấn và 20,6 triệu tấn).
Từ cuối năm 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới diễn ra ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng hải, giá cước vận tải biển sụt giảm nghiêm trọng, số lãi từ mảng vận tải trong tình trạng “rơi tự do”. Vinalines trở thành một trong những “ông lớn” rơi vào vòng xoáy nợ nần, đứng trước bờ vực phá sản.
Trước khó khăn đó, ngày 4/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012 – 2015.
Hàng loạt giải pháp đã được tiến hành như: cơ cấu lại các khoản nợ vay, xử lý nợ thông qua tham gia đàm phán trên nguyên tắc giá thị trường; kiên quyết loại bỏ các công ty hoạt động kém hiệu quả; thanh lý tàu già, biên chế lại đội tàu, thu gọn đầu mối của Tổng công ty, cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên,…
Nhờ sự quyết liệt đó, đến năm 2016 dù vận tải biển vẫn chồng chất khó khăn nhưng hoạt động cảng biển của Vinalines đạt lợi nhuận trước thuế hơn 920 tỷ đồng. Đặc biệt, sau nhiều năm tích cực đàm phán với các ngân hàng, tổng số nợ phải trả của Vinalines giảm từ 67.550 tỷ đồng (năm 2013) xuống hơn 17.000 tỷ đồng (năm 2019).
Lỗ lũy kế giảm từ hơn 23.000 tỷ đồng (năm 2013) xuống hơn 3.100 tỷ đồng (năm 2019). Nợ được kéo giảm, sản xuất kinh doanh bắt đầu có lãi, vốn chủ sở hữu tại Vinalines đã thay đổi mạnh mẽ từ âm hơn 8.700 tỷ đồng năm 2013 lên dương gần 9.000 tỷ đồng năm 2019.
“Mỗi lần khó khăn, Vinalines đều có những giải pháp, cách làm để vượt qua khó khăn. Với niềm tin như vậy, hy vọng Vinalines tiếp tục vượt sóng lớn “COVID-19” để đạt được những kết quả tích cực trong thời gian tới”, ông Trần Tuấn Hải nhấn mạnh./.