Tại Hội nghị đại biểu người lao động năm 2021, Công ty Vận tải biển VIMC đã quyết định đồng ý phương án tăng lương cho lực lượng thuyền viên để giữ chân người lao động.
Hội nghị trực tuyến giữa 3 điểm cầu Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của 141 đại biểu đại diện cho 631 cán bộ, công nhân lao động, sỹ quan, thuyền viên đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy khó khăn nhưng năm 2020, công ty vẫn đảm bảo đầy đủ việc làm, tiền lương, quyền lợi, phúc lợi, đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên. Trong đó có đội ngũ sỹ quan, thuyền viên. Tình hình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc được duy trì. Các quy chế, nội quy, quy định của công ty, Tổng công ty đều được cán bộ, công nhân viên nghiêm túc tuân thủ. Các phong trào thi đua với những mục tiêu cụ thể đã thu hút người lao động tích cực tham gia…
Trong năm 2021, các nhóm giải pháp được công ty tập trung thực hiện là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó bao gồm cả khối thuyền viên và khối văn phòng. Công tác duy trì đảm bảo kỹ thuật để vận hành đội tàu an toàn, hiệu quả thông qua việc thu xếp cho tàu lên đà hợp lý. Duy trì việc cung cấp vật tư chính hãng cho các chi tiết quan trọng và gia công hoặc đã qua sử dụng cho các chi tiết không quan trọng. Tăng cường sửa chữa của thuyền viên trên tàu, thu xếp vetting. Kiểm soát tốt hơn về “under performance” của tàu…; bám sát thị trường và diễn biến dịch Covid-19 để khai thác tàu hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo yếu tố sức khỏe cho thuyền viên.
Đồng thời tăng cường công tác khách hàng, đặc biệt là với khách hàng truyền thống và nhóm khách hàng mới. Chăm lo tiền lương, quyền lợi, phúc lợi cho đội ngũ thuyền viên, đặc biệt là những thuyền viên đang phải làm việc trên tàu từ 12 tháng trở lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19…
Theo đồng chí Lê Phan Linh – Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, trong năm 2020, Công ty Vận tải biển VIMC đã góp phần duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn “kép”: Dịch Covid-19 và ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế thế giới, ngành Vận tải biển thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đề nghị tập thể lãnh đạo, cán bộ, đoàn viên, người lao động kiên trì thực hiện hiệu quả công tác xử lý tài chính cho đội tàu. Tập trung thực hiện Tuyên bố Đại Lải 2021 của Tổng công ty. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình trạng kỹ thuật của đội tàu, công tác thị trường, khai thác.
Trong điều kiện tài chính hạn hẹp, cần tính toán để có thứ tự ưu tiên xử lý công việc phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Nghiên cứu, tìm kiếm các hướng kinh doanh mới để tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có của công ty như quản lý tàu thuê. Có cơ chế động viên, khuyến khích kịp thời, minh bạch để người lao động phát huy sáng tạo, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, đặc biệt là đối với đội ngũ sỹ quan, thuyền viên…
Đồng chí Lê Phan Linh cho biết, trong thời gian tới, khi chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH một thành viên, công ty sẽ có quyền tự chủ hơn, tính chuyên môn hóa cao hơn. Điều đó đòi hỏi công ty phải tập trung để sắp xếp lại tổ chức bộ máy cho tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức Công đoàn cần tuyên truyền, lan tỏa những nỗ lực chăm lo quyền lợi, phúc lợi cho đoàn viên, người lao động của lãnh đạo công ty và công đoàn trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay để người lao động thấu hiểu, chia sẻ và gắn bó lâu dài với công ty.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Trần Duy Minh đã phát động phong trào thi đua năm 2021 với 04 nhóm khẩu hiệu hành động: (1) Đồng tâm hợp lực, vượt khó khăn, thách thức; gắn bó với công ty; duy trì và ổn định sản xuất kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững. (2) Kỷ luật – Tăng cường tiết kiệm và tiết giảm chi phí quản lý, giảm giá thành sản phẩm dịch vụ; đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp. (3) Quản lý, khai thác đội tàu an toàn, hiệu quả. (4) Đẩy mạnh phong trào “Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Sáng tạo – Phát triển” vì sự phát triển vững mạnh của công ty.