Mỗi khi nói đến đời người thủy thủ, nhiều người vẫn tưởng rằng đó là một cuộc sống tự do, phiêu bạt nay đây mai đó. Nhưng thực sự, với nhiều thuyền viên, họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc “bán” cả tuổi trẻ của mình cho biển cả mênh mông. Biển mang đến cho họ lợi ích vật chất, đồng thời cũng mang lại nhiều hiểm họa như cướp biển, bão biển… luôn song hành cùng những cuộc hành trình của các thuyền viên.
Tại Hội nghị tôn vinh sỹ quan, thuyền viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lần thứ I, tôi có dịp gặp anh Trần Khắc Thắng người Hải Phòng, hiện đang là Thuyền trưởng Tàu Precious Coral thuộc Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranchart) để nghe anh tâm sự về nghề của mình. Mười năm, tuy không phải là dài nhưng từng ấy thời gian lênh đênh trên biển cũng khiến phong thái của anh dày dạn hơn cái tuổi 37 của mình.
Đến hôm nay, anh Thắng vẫn không quên được chuyến tàu đầu tiên trong cuộc đời của mình. Lần đầu tiên xa nhà trên một con tàu ngoại quốc chỉ có một vài thuyền viên người Việt, đối với cậu sinh viên mới ra trường thì đó là một thử thách không dễ dàng gì. Anh chia sẻ “những ngày đầu tiên trên tàu là khoảng thời gian khó khăn nhất trong đời mà từ trước đến nay chưa bao giờ anh trải qua. Không kể đến điều kiện sinh hoạt, ăn uống không phù hợp, thiếu thốn, thì nỗi nhớ nhà là điều đáng sợ nhất. Nhiều lúc nhớ nhà đến chực rơi nước mắt, tôi phải dằn lòng mình, lao vào làm việc ngày đêm để vơi đi nỗi nhớ”.
Trong chuyến tàu đầu tiên đó, mỗi lần gặp sóng to gió lớn, tàu lắc lư, anh say sóng đến tối tăm mặt mũi, nhưng đến ca trực anh vẫn phải vào ca làm việc bình thường. Ngày qua ngày, cứ vào ca làm việc rồi lại nghỉ hết ca, cứ thế xoay vòng, nếu hôm nào phải làm tăng ca thì đó là việc bất đắc dĩ. Những hôm gặp gió mùa, biển động, sóng đánh trùm lên cả boong tàu, ai cũng quay cuồng, hoa mắt, ruột gan cồn cào. Say xe thì chỉ vài giờ lúc chạy xe, chứ đi biển thì có khi say triền miên ngày này qua ngày khác theo hải trình đến khi nào không say được nữa thì thôi. Mặc dù say thì các anh vẫn phải làm việc bình thường, vẫn phải ăn uống để lấy sức làm việc. Thậm chí có những chuyến đi quá dài thì khi đặt chân lên đất liền có cảm giác chòng chành, khó chịu mà những người thủy thủ như anh nói vui là say đất.
Làm nghề thủy thủ, điều khiển những con tàu vất vả là thế nhưng để trờ thành một sỹ quan, thuyền viên đâu phải là điều dễ dàng. Phải học tập và rèn luyện sức khỏe bản thân từ thời gian ngồi trên giảng đường đại học. Quá trình làm việc phải trải qua tuần tự các chức vụ thuyền phó 3, phó 2, phó 1 rồi cuối cùng mới được làm thuyền trưởng hay thợ máy 3, máy 2, máy 1 rồi mới đến máy trưởng…Người thủy thủ phải tranh thủ thời gian trên bờ để đi học các lớp y sơ cứu để tự chăm sóc sức khỏe cho mình mỗi khi đi tàu.
Tôi hỏi anh, vất vả là thế có khi nào anh nghĩ tới việc mình sẽ chuyển công tác không. Anh nói:”khó khăn là khó khăn chung của công ty, của cả ngành hàng hải. Quan trọng là phải đặt niềm tin để vượt qua những gian nan thử thách đó”. Hai chữ niềm tin của anh ẩn chứa nhiều điều mà có lẽ người ngoài cuộc như tôi không thể hiểu hết được nhưng có lẽ chính niềm tin và sự quyết tâm cao đó mà trong những năm vừa qua Công ty Vitranchart đã có nhiều biện pháp trong công tác tổ chức, quản lý điều hành, phát động các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, khen thưởng kịp thời để phát huy được mọi nguồn lực và đem lại những kết quả sản xuất kinh doanh hết sức khả quan. Yên tâm về lương bổng cũng như những chính sách đãi ngộ mà công ty mang lại, anh càng có quyết tâm phấn đấu hơn trong công việc. Anh luôn là người tiên phong làm việc trên các tàu khai thác tuyến xa với môi trường làm việc khắc nghiệt, thời gian đi tàu có khi lên đến cả một năm.
Người đi biển như anh, vất vả lắm, khó khăn cũng nhiều, mà nỗi nhớ khi xa gia đình lại càng chẳng mấy khi vơi. Thế nhưng, anh vẫn chọn cho mình con đường đó vì nó đã trở thành cuộc sống thứ hai mà anh không thể nào rời xa được. Đối với anh, niềm hạnh phúc trọn vẹn nhất là sau mỗi chuyến hải trình, trở về mái nhà thân thương, được nhìn thấy niềm vui mừng của vợ, tiếng hò reo tíu tít của các con, cùng những cái ôm, hôn đong đầy yêu thương, mong nhớ. Tại hội nghị lần này, anh vinh dự là một trong những người đại diện cho hơn 3000 sỹ quan thuyền viên đang công tác trên đội tàu của Tổng công ty nhận bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Điều đó như một lời tri ân, sự cảm ơn đến công lao và những đóng góp của các anh cho sự phát triển của công ty nói riêng và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nói chung./.