Tuyên bố chung kêu gọi tất cả các Chính phủ ngay lập tức công nhận thuyền viên là những người lao động chủ chốt, và có hành động nhanh chóng, hiệu quả để loại bỏ những trở ngại đối với việc thay đổi thuyền viên, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo mà ngành vận tải biển đang đối mặt, đảm bảo an toàn hàng hải và tạo điều kiện phục hồi kinh tế từ đại dịch COVID-19.
Ngày 10/9/2020, các tổ chức và chương trình của Liên hợp quốc liên quan đến lĩnh vực hàng hải, nhân quyền, thương mại, du lịch và vận tải đã đưa ra Tuyên bố chung kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo thay đổi thuyền viên trên thế giới.
Bị mắc kẹt trên tàu của do các hạn chế đi lại được áp đặt trong đại dịch COVID-19, hơn 300.000 thuyền viên không thể hồi hương và một số lượng tương đương thuyền viên thất nghiệp trên bờ không thể lên được tàu để làm việc.
Những thuyền viên trên tàu đã được gia hạn hợp đồng, đôi khi vượt quá 17 tháng, và đang phải đối mặt với sự mệt mỏi, các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần. Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế (ITF) đã nhận được hàng nghìn lời kêu cứu khẩn cấp từ các thuyền viên và gia đình của họ.
Lĩnh vực vận tải biển đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Tuyên bố chung kêu gọi tất cả các Chính phủ ngay lập tức công nhận thuyền viên là những người lao động chủ chốt, và có hành động nhanh chóng và hiệu quả để loại bỏ những trở ngại đối với việc thay đổi thuyền viên, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo mà ngành vận tải biển đang đối mặt, đảm bảo an toàn hàng hải và tạo điều kiện phục hồi kinh tế từ đại dịch COVID-19.
Tuyên bố cảnh báo rằng các quyền của thuyền viên, như được ghi trong Công ước Lao động hàng hải năm 2006 (MLC 2006), đã được sửa đổi, bổ sung và các văn kiện quốc tế khác, đã không được tất cả các chính phủ tôn trọng, chủ yếu liên quan đến các vấn đề: thời gian phục vụ tối đa trên tàu (11 tháng), quyền của thuyền viên về nghỉ trên bờ, nghỉ phép hàng năm, hồi hương, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế trên tàu và trên bờ.
Tình trạng mệt mỏi của thuyền viên hiện nay đang đe dọa an toàn hành hải. Sự tiếp tục hiệu quả của thương mại và hoạt động không bị gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi vì những con tàu với những thuyền viên mệt mỏi không thể hoạt động vô thời hạn.
Đánh bắt cá thương mại, ngành kinh tế đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực và sinh kế, cũng đang đối mặt với vấn đề thay đổi thuyền viên tương tự.
Do đó, tất cả các chính phủ cần khẩn trương công nhận thuyền viên là những người lao động chủ chốt và có hành động cụ thể, ngay lập tức để loại bỏ những trở ngại đối với việc thay đổi thuyền viên, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo này, đảm bảo an toàn hàng hải và vận tải biển bền vững, đồng thời tạo điều kiện phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Tuyên bố chung nêu ra một loạt 15 biện pháp khác nhau có liên quan mà các Chính phủ phải thực hiện, bao gồm:
• Công nhận thuyền viên là ʺngười lao động chủ chốtʺ cung cấp dịch vụ thiết yếu, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lên và xuống tàu của họ an toàn, không bị cản trở;
• Thực hiện các cuộc tham vấn quốc gia với sự tham gia của tất cả các bộ, ban ngành liên quan, để xác định những trở ngại đối với việc thay đổi thuyền viên, thiết lập và thực hiện các kế hoạch có thể đo lường được, có thời hạn để tăng tỷ lệ thay đổi thuyền viên;
• Thực hiện các giao thức thay đổi thuyền viên, dựa trên phiên bản mới nhất của Khung giao thức khuyến nghị để đảm bảo việc thay đổi và đi lại an toàn của thuyền viên trong đại dịch COVID-19;
• Hạn chế việc cho phép bất kỳ gia hạn mới nào đối với các hợp đồng lao động của thuyền viên vượt quá thời hạn tối đa là 11 tháng theo MLC 2006;
• Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thay đổi hành trình của tàu từ các tuyến thương mại bình thường của đến các cảng được phép thay đổi thuyền viên.
Toàn văn Tuyên bố chung nêu tại: http://www.imo.org/en/MediaCentre/PressBriefings/Pages/27-crew-change-joint-statement.aspx, được ký bởi Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Giám đốc – Tổng thư ký Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR), Tổng thư ký Tổ chức Hhàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Giám đốc điều hành của Hiệp ước toàn cầu Liên hợp quốc và Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO)./.