Từ các phong trào thi đua trong thời gian qua xuất hiện nhiều tấm gương lao động giỏi, lao động sáng tạo có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Những đóng góp của các đồng chí không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho đơn vị, doanh nghiệp mà còn xây dựng hình ảnh đẹp về đội ngũ công nhân, viên chức, lao động năng động, sáng tạo.
Nỗ lực để chinh phục khó khăn
Gần 30 năm gắn bó với bến Cảng, với dầu mỡ, bulông, ốc vít… nhiệm vụ được giao phù hợp với chuyên ngành đào tạo, anh Bùi Văn Điển – Nhân viên Kỹ thuật Đội Cơ giới, Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu thuộc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng đã có cơ hội để thể hiện năng lực của mình. “Thời gian đầu mới vào nghề, tôi cũng có nhiều bỡ ngỡ, nhưng chính khó khăn, bỡ ngỡ đó đã tạo động lực để tôi học hỏi, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giúp nâng cao năng suất lao động”, anh Điển chia sẻ.
Anh Bùi Văn Điển – Nhân viên Kỹ thuật Đội Cơ giới, Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu
Trong nhiều ý tưởng sáng kiến của anh Điển, chúng tôi ấn tượng nhất với sáng kiến: “Chế tạo đồ gá tháo lắp sửa chữa bình tích áp thủy lực xe nâng hàng TCM FD-100”. Đội Cơ giới Cảng Hoàng Diệu đang quản lý và sử dụng 06 xe nâng hàng TCM FD-100. Quá trình quản lý và sử dụng 06 xe nâng hàng này đem lại hiệu quả cao đáp ứng nhu cầu khai thác. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, hệ thống phanh cẩu các xe bị hỏng, phanh không bắt. Khi kiểm tra thì phát hiện bình tích áp thủy lực không còn hiệu năng nguyên nhân chính là do áp lực dầu ép piston nén lò xo đã tạo áp năng tích trữ cho hệ thống phanh. Hơn nữa, trong quá trình tháo lắp, tách rời các chi tiết gặp khó khăn do mặt bích của bình chịu lực đẩy của lò xo nên cần phải có dụng cụ chuyên dụng.
Ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi, từ những vật tư có sẵn, anh Điển đã cho ra đời sáng kiến khi áp dụng vào thực tiễn, đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng, góp phần giúp cho việc tháo lắp sửa bình tích áp thủy lực nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm được nhân công và thời gian sửa chữa. Giá trị làm lợi của sáng kiến là 60 triệu đồng. Trong năm 2019, tổng ga buồng cẩu của xe cần trục Kato bị hỏng, anh Điển cũng nghiên cứu và đưa ra sáng kiến “Sử dụng bộ tổng côn xe ô tô HOWO thay thế cho bộ tổng ga thủy lực buồng cẩu trên cần trục KATO 500 E-v bằng phương pháp cải tiến cút ống dầu thủy lực”. Giá trị làm lợi của sáng kiến này là 30 triệu đồng.
Mỗi sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất thành công lại tạo thêm động lực để anh bước tiếp trên hành trình sáng tạo. Những sáng kiến đó đã góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất. Với những nỗ lực trong lao động, sáng tạo, anh liên tục được Giám đốc Công ty công nhận Danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở. Mới đây, anh vinh dự là một trong 14 công nhân xuất sắc của Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được tặng Danh hiệu Lao động sáng tạo năm 2019.
Nhiều giải pháp làm lợi cho doanh nghiệp
Dáng người nhỏ nhắn, giọng nói trầm ấm, luôn khiêm tốn, đặc biệt tuổi đời còn khá trẻ nên mới gặp, ít ai biết anh Trần Văn Chung (sinh năm 1986) lại là chủ nhân của nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm cho DN hàng trăm triệu đồng. Là Tổ phó Tổ Điện, Đội Sửa chữa 2, Trung tâm Sửa chữa, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, anh Chung dành nhiều thời gian nghiên cứu tính năng hoạt động của các loại máy móc. Đồng thời, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp để làm chủ thiết bị, đề xuất nhiều ý tưởng sáng tạo. Được mệnh danh là “cây sáng kiến” của công ty, đến nay Tuấn có trong tay hàng chục cải tiến kỹ thuật lớn, nhỏ nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, tiết giảm chi phí cho đơn vị.
Anh Trần Văn Chung – Tổ phó Tổ Điện, Đội Sửa chữa 2, Trung tâm Sửa chữa, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng
Ý tưởng đầu tiên của anh Chung bắt nguồn từ việc Chi nhánh Cảng Tân Vũ được đầu tư và sử dụng 18 Cần trục giàn RTG 40 tấn của hãng Terex Noell sử dụng điện. Việc kiểm tra sửa chữa và bảo dưỡng định kỳ trong tháng là rất cần thiết mà quan trọng nhất là phải kiểm tra búa khung cẩu container. Búa khung cẩu container di chuyển bay này sang bay kia hay nâng hạ từ xe chủ hàng, tàu vào bãi hay nâng container lên xe chủ hàng và ngược lại. Búa khung cẩu có thể chịu tải hàng chục tấn để đảm bảo an toàn cho hàng hóa, phương tiện, đặc biệt là con người. Tuy nhiên việc theo dõi, kiểm tra số lần đóng mở thông qua bộ đếm nhưng theo thiết kế của hãng thì bộ đếm được đặt trong tủ điện điều khiển trên cabin, còn bộ đếm số giờ hoạt động các cơ cấu khác lại được đặt ở buồng điện dưới chân. Điều này gây khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức cho người đi lấy số liệu. Từ đó, sáng kiến “Chuyển bộ đếm số lần đóng mở búa khung cẩu container từ trong tủ điện Cabin xuống buồng điện dưới chân cần trục giàn RTG Terex” được nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn.
Hay như sáng kiến“chuyển neo giữ cáp điện đế Tukan từ mép ngoài máng điện cần trục QC vào phía trong trên các tấm đan để tránh hỏng cáp điện QC”, “hoán cải giắc cắm điện cuộn hút phanh sự cố cần trục giàn QC” được áp dụng vào thực tế, tiết kiệm cho công ty hàng chục triệu đồng một năm và được lãnh đạo đơn vị đánh giá cao.
Không ngừng phấn đấu, rèn luyện và hết mình vì công việc, anh Trần Văn Chung đã nhiều lần vinh dự được Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở. Năm 2019, anh được đề nghị tặng Danh hiệu Chiến sỹ thi đua Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Với anh Chung, được làm việc trong một tập thể đoàn kết như Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng chính là điểm tựa vững chắc để anh tiếp tục đóng góp công sức cho sự phát triển bền vững của ngành Hàng hải. Năm 2019, anh được Công đoàn Tổng công ty tặng Danh hiệu Lao động sáng tạo./.