Gặp thuyền trưởng người Việt đầu tiên đi tàu viễn dương

5/05/23 8:57 AM

Ở tuổi 84, cựu thuyền trưởng Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) Nguyễn Mạnh Hà vẫn nhớ như in những tháng ngày lênh đênh trên tàu, băng qua các đại dương.

Đi biển vì giấc mơ tuổi trẻ

Trong căn nhà nhỏ tại một con hẻm ở quận 4, TP.HCM, người đàn ông tuổi ngoài bát tuần, mái tóc bạc trắng lọ mọ dậy từ sớm.

Ông nấu nướng ăn sáng và tự mình tập đi lại bằng chiếc ghế lăn. Ông là Nguyễn Mạnh Hà – một trong những thuyền trưởng mở đường cho ngành hàng hải hội nhập quốc tế với những chuyến tàu viễn dương đầu tiên.

gặp thuyền trưởng người việt đầu tiên đi tàu viễn dương

Thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Hà đưa ông Đỗ Mười, lúc này là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ thăm tàu Hậu Giang tại cảng Hải Phòng năm 1977

Sinh năm 1939, ông thuộc lứa học sinh đầu tiên của khóa thí điểm (hệ Trung cấp) Trường Sơ cấp Hàng hải (tiền thân của Đại học Hàng hải VN).

Trước khi học hàng hải, ông học lớp Vận tải thủy của Trường Trung cấp giao thông (tiền thân của Đại học GTVT Hà Nội). Tuy nhiên, ông quyết định chuyển sang học lái tàu vì đó là giấc mơ của tuổi 17 khi ông bị ảnh hưởng bởi bộ phim “Bài ca người thủy thủ” của Liên Xô.

Thời điểm ấy, có khoảng 80 học sinh đi tàu để thử sóng nhưng chỉ còn 20 người trụ được, trong đó có ông Hà.

Hơn nửa cuộc đời gắn với biển cả, chuyến tàu khiến ông nhớ mãi là lần nhận nhiệm vụ đi nhận tàu chở dầu Cửu Long 01. Đó là một ngày tháng 9/1975, 4 tháng sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ trưởng Bộ GTVT Dương Bạch Liên trực tiếp giao nhiệm vụ cho thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Hà cùng một bộ phận sĩ quan thuyền viên chủ chốt, lành nghề sang Rotterdam, Hà Lan tiếp nhận tàu chở dầu Cửu Long 01 trọng tải 20.000 DWT, có khả năng đi biển không hạn chế.

Ban đầu, ông đã định từ chối vì lúc ấy, các sĩ quan thuyền viên Việt Nam đều chưa ai quen làm việc trên tàu dầu cỡ lớn mang tính quốc tế. Ông sợ không hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này.

“Tuy nhiên, Bộ trưởng đích thân chọn thuyền trưởng, giao nhiệm vụ kéo cao lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam từ Hà Lan để đưa tàu về. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tôi nhận lời lên đường” ông Hà nhớ lại.

Khi ấy, đơn vị ông đang công tác là Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco) đã thuê cả thuyền bộ Na Uy để làm việc và hướng dẫn cho các thành viên thuyền bộ Việt Nam. Con tàu khởi hành từ Rotterdam vượt Bắc Đại Tây Dương về Địa Trung Hải, ghé cảng Porto Torres của Ý để nhận xăng dầu. Sau đó, thuyền trưởng đưa tàu qua kênh đào Suez, vượt Ấn Độ Dương, ghé Singapore và trở về Việt Nam.

Ông kể, khi tàu về thả neo ở vịnh Hạ Long an toàn thắng lợi, Bộ trưởng Dương Bạch Liên đã lên thăm tàu và khích lệ thuyền viên. Chuyến tàu chở dầu Cửu Long 01 đã mang về 20.000 tấn dầu, chia đều cho miền Bắc và miền Nam.

Đó là lần đầu tiên trong lịch sử hàng hải Việt Nam, một con tàu có trọng tải lớn, mang quốc kỳ Việt Nam, do thuyền trưởng Việt Nam chỉ huy điều khiển đã qua kênh đào Suez với sự chào đón nồng nhiệt của binh lính Ai Cập đang trực chiến bên bờ kênh. Ông kể, khi thấy tàu có treo lá cờ Việt Nam đi qua, nhiều binh lính Ai Cập đã chạy theo dọc bờ kênh và hô lên nghênh đón: “Xin chào Việt Nam”.

Những chuyến tàu vượt ký ức

Thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Hà hiện tại

Sau chuyến tàu Cửu Long 01, uy tín được nâng cao, ông tiếp đà với nhiều chuyến tàu viễn dương khác. Đó là chuyến tàu Hậu Giang (12.800 DWT) chở đường từ Việt Nam, mở đường đến cảng Alexandria (Ai Cập) trả hàng vào năm 1978.

Sau đó, tàu tiếp tục vượt Địa Trung Hải, qua các eo biển Dardanelles, Bosphorus, vào Hắc Hải, mở đường đến cảng Constanza (Rumania) để xếp hàng về Việt Nam.

Tới năm 1992, ông lại cùng sĩ quan thuyền viên tàu Fareast mở đường đến New Zealand và nhiều cảng của các Đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương như Marshall, Kiribati, Nauru, Tavalu, Norfolk, Samoa…

Trí nhớ của người già không cho phép cựu thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Hà nhớ nhiều về những chuyến tàu vượt đại dương suốt sự nghiệp của mình.

Chỉ biết, điều ông trân trọng nhất là các chuyến tàu giúp ông có cơ hội ngắm nhìn thế giới nhiều hơn, gặp gỡ và giao lưu với người dân ở khắp thế giới để biết họ nghĩ gì về mảnh đất quê hương của mình.

Ông kể, có lần tới đảo Norfolk ở Nam Thái Bình Dương đã bất ngờ khi những công nhân xếp dỡ tại đây biết Việt Nam bởi thời đó, internet chưa phát triển, công nghệ thông tin vô cùng hiếm. Đảo Norfolk trước đây từng là nơi giam giữ tù nhân.

Nhiều công nhân xếp dỡ ở đảo này khá ngang tàng, hay phá hàng của các chủ hàng. Họ cho rằng, thuyền viên là người làm thuê khổ cực nên họ phá hàng để thuyền viên… đỡ vất vả.

Thế nhưng khi tàu của ông Hà đến đảo, thái độ của mọi người khiến ông sững sờ. Biết ông là người Việt, họ không phá hàng, thậm chí còn cho ông đồ ăn. Tôi hỏi họ vì sao biết Việt Nam, họ trả lời: Nước của mày nhỏ mà dám đánh “người lớn”, cựu thuyền trưởng cười.

Không chỉ những chuyến tàu đi khắp thế giới, chuyến tàu đặc biệt ý nghĩa trong cuộc đời người cựu thuyền trưởng là khi ông làm Đại phó trên tàu Sông Hương. Đó là con tàu đầu tiên nối liền bờ biển hai miền Bắc – Nam sau ngày thống nhất đất nước.

Trong ký ức của ông, ngày 30/4/1975 lịch sử, ông cùng ban chỉ huy của tàu Sông Hương và thuyền trưởng Nguyễn Tấn Nghiêm đang trên hải trình từ Nhật Bản về sau khi chở hàng. Vừa tới cảng Hải Phòng, ban chỉ huy tàu nhận lệnh mật từ lãnh đạo Công ty Vận tải biển Việt Nam cho biết, Bộ GTVT yêu cầu thuyền trưởng khẩn trương đưa tàu ra vịnh Hạ Long, chọn vị trí neo an toàn và kín đáo, gần cảng Hòn Gai để nhận nhiệm vụ chở hơn 500 cán bộ miền Nam được cử về bổ sung lực lượng tiếp quản các vùng giải phóng.

“Bấy giờ, các lệnh mật hầu hết chỉ dùng mật ngữ. Mọi thứ đều được làm bí mật”, ông Hà chia sẻ.

Năm đó, đích thân bà Ngô Thị Huệ – phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, bấy giờ là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ miền Nam của Ban Tổ chức Trung ương, đã trực tiếp lên tàu Sông Hương giao nhiệm vụ cho thuyền trưởng và ban chỉ huy tàu. Ngày 13/5/1975, tàu Sông Hương đã cập bến Nhà Rồng, chở 541 cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc trở về tiếp quản Sài Gòn và sau đó, chở đồng bào từ miền Nam về với quê hương.

Đối với ông Hà, được nhận nhiệm vụ trên chuyến tàu này là niềm vinh dự. Ông không sao quên nụ cười và cả những giọt nước mắt của những cán bộ được về quê trên tàu. “Nhiều người đã khóc vì được trở về nhà”, ông thổ lộ.


Cả tuổi trẻ cống hiến trên những con tàu lênh đênh trên biển trước khi về bờ làm công việc quản lý, ông thừa nhận, ông làm điều đó phần vì nhiệm vụ, phần vì lòng yêu nghề, phần vì lo cho cuộc sống của người thân yêu chốn quê nhà. Thuở ấy, công việc thuyền trưởng giúp ông kiếm được 170 đồng/tháng, có thể đỡ đần vợ nuôi 4 người con ăn học.

Ở tuổi 84, ông giờ đây chỉ sống một mình. Vợ ông đã qua đời, con cháu cũng hầu hết định cư ở nước ngoài. Chỉ có một người con trai lập nghiệp ở vùng ngoại ô TP.HCM, thi thoảng vào thành phố thăm cha. Hỏi sống một mình ông có cô đơn? Cựu thuyền trưởng trầm giọng: “Cuộc sống của người đi biển luôn cô đơn. Có lẽ tôi đã quen rồi”.


Báo Giao thông