Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, quản lý chuỗi cung ứng và logistics đã và đang trở thành lĩnh vực mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên sự phát triển tăng trưởng của ngành này hiện nay đang đối diện với vấn đề khó khăn về nguồn nhân lực thiếu về số lượng và yếu về kỹ năng. Giải pháp cho vấn đề này là các bộ ngành, doanh nghiệp (DN) liên quan cần cấp bách liên kết, đầu tư cho công tác đào tạo.
Nhân lực vừa thiếu vừa yếu
Khái niệm chuỗi cung ứng bắt đầu được giới thiệu tại Việt Nam từ những năm 2008 – 2010 và trở nên phổ biến hơn như là một lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn các bạn trẻ. Tuy nhiên, dù là đã trở nên phổ biến hơn nhưng khoảng chênh lệch về kiến thức nền tảng trong nhân sự của ngành vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực.
Nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành cung ứng giúp DN thu được những giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi cung ứng hàng hóa
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng ngày càng trở nên phức tạp với nhiều thay đổi liên tục, đòi hỏi nhiều kỹ năng mới trong nhân sự ngành. Theo báo cáo của Hiệp hội Cung ứng toàn cầu, chỉ có 38% lãnh đạo cấp quản trị các tập đoàn tự tin là đội ngũ cung ứng có được các kỹ năng cần thiết cho việc quản lý chuỗi cung ứng cho tương lai và đa phần nhân sự ngành cung ứng hiện đang thiếu và yếu ở hai nhóm kỹ năng: Nhóm kỹ năng mang tính kỹ thuật như phân tích và làm việc với dữ liệu, và nhóm kỹ năng mang tính tương tác như lập kế hoạch toàn diện cho hệ thống vận hành toàn chuỗi cung ứng.
Thực tế cũng cho thấy, nguồn nhân lực chính là vấn đề nan giải nhất của ngành logistics hiện nay, bởi do phát triển nóng nên nguồn nhân lực của ngành này ngày càng thiếu. Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành này càng khó khăn hơn khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Thêm vào đó, với hơn 30.000 DN logistics đang hoạt động, đến năm 2030, nhu cầu nhân lực của ngành logistics Việt Nam lên đến 2,2 triệu lao động. Số nhân sự hiện tại chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu nhân lực toàn ngành, vấn đề này trở thành một trong những khó khăn hàng đầu của DN logistics Việt Nam.
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh về chất lượng nguồn nhân lực logistics gần đây cũng cho thấy, có đến 53,3% DN thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% DN phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% DN hài lòng với chuyên môn của nhân viên.
Cấp bách đào tạo nhân lực cho ngành cung ứng, logistics
Hiện nay, nguồn cung cấp lao động cho ngành dịch vụ cung ứng logistics chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế. Để phát triển nguồn nhân lực hiệu quả cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam, trước hết Chính phủ cần có định hướng rõ ràng hơn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics. Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa các bộ – ban – ngành có liên quan để có thể phân định khả năng và trách nhiệm mỗi bên trong phát triển nguồn nhân lực.
Theo ông Đào Trọng Khoa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) – cần có sự kết hợp giữa DN và nhà trường để cùng thiết kế ra chương trình đào tạo mang tính thực tiễn hơn, và phải có giải pháp đào tạo mang tính tập trung nhằm giảm bớt áp lực cho việc đào tạo lại trong DN, vừa mất thời gian vừa tốn chi phí. Hiện VLA đang đẩy mạnh các hình thức đào tạo trên nền tảng e-learning, các khoá học trực tuyến mở.
Bà Quyên Nguyễn – Giám đốc Công ty Tư vấn CEL Consulting – cho biết, trước nhu cầu phát triển của ngành, Việt Nam cần có một ngành học chuyên về logistics quản trị chuỗi cung ứng được đào tạo chính quy, bài bản và có hệ thống tại các trường đại học thì nguồn nhân lực mới được cung ứng một cách bền vững và có chất lượng.
Bên cạnh đó, các DN cần có chính sách đào tạo và xây dựng đội ngũ nhân viên, phát huy được sức mạnh của nguồn nhân lực trong DN. Nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, tạo điều kiện cho người lao động học tập, làm việc tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn; ứng dụng khoa học công nghệ trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục hải quan; xác định rõ mục tiêu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo…
Cổng TTĐT Bộ Công thương