Theo Cục Hàng hải Việt Nam, cảng nước sâu là cơ sở hạ tầng thiết yếu với một nền kinh tế hướng về xuất khẩu như Việt Nam. Trong đó, 2/3 hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra ở phía Nam, 100% hoạt động xuất nhập khẩu đi Mỹ đều thông qua khu vực Cái Mép-Thị Vải (CM-TV). Do vậy, muốn giữ luồng chảy thương mại được suôn sẻ, chuỗi cung ứng không bị ngắt quãng, trước hết phải bảo đảm an toàn cho cảng biển, không để hoạt động khai thác cảng bị gián đoạn do dịch COVID-19.
Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT)
Dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng cụm CM-TV vẫn duy trì hoạt động ổn định. 7 tháng đầu năm, hàng container thông qua cảng tăng trưởng 41%, cao nhất trong vòng 3 năm qua. Để đạt kết quả này, các cảng đã áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả và hợp lý để vừa sản xuất, kinh doanh, vừa phòng, chống dịch.
Ngay từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đã lập phương án dự phòng trong trường hợp có F0 tại cảng. Theo đó, CMIT chia thành 5 khu vực gồm: văn phòng, kỹ thuật, cẩu cảng, bãi container, cầu cảng; 3 luồng hàng gồm: ngoài bến đến và đi bằng xe tải, hàng hóa đến và đi bằng sà lan, hàng hóa đến và đi trên tàu mẹ. Phương án này nhằm phân tách các khu vực và luồng hàng để giảm thiểu tối đa sự tiếp xúc giữa người với người có thể xảy ra giữa các khu vực và các luồng hàng, đồng thời cũng dễ dàng khoanh vùng khi có ca F0 tại từng khu vực, không để cảng ngưng hoạt động.
Nhà ăn của Cảng CMIT bố trí giãn cách giữa các vị trí
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng CMIT cho biết: “Nhờ áp dụng công nghệ thông tin và các quy trình chuẩn cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng như hải quan, cảng vụ hàng hải cùng sự tuân thủ hợp tác của các chủ hàng, DN logistics, hãng tàu… đến thời điểm hiện tại CMIT vẫn hoạt động 24/7 an toàn. Việc chủ động đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch đã giúp CMIT duy trì hoạt động khai thác, giúp cho chuỗi cung ứng vận tải giữa Việt Nam với toàn cầu không bị đứt gãy”.
Công ty liên doanh dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn – SSA (SSIT) cũng đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo quy định, thành lập Ban chỉ đạo cấp cơ sở, thành lập Tổ an toàn Covid-19, đồng thời tổ chức tuyên truyền, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác trên và thực hiện công tác xét nghiệm sàng lọc.
Nhân viên Cảng SSIT đã được bố trí “3 tại chỗ” để thực hiện mục tiêu kép.
Ngay từ đầu tháng 7 đến nay, cảng SSIT đã tổ chức nơi lưu trú ngay tại cảng cho hơn 250 cán bộ, công nhân viên và khoảng 150 người lao động các nhà thầu theo tinh thần văn bản chỉ thị của UBND tỉnh.
Đánh giá về công tác phòng chống dịch tại cảng biển, ông Nguyễn Công Vinh Phó, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, các DN đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, bài bản từ khâu tiếp nhận tàu vào, các nhà thầu phụ, bốc dỡ hàng hóa và đặc biệt là thực hiện 5K. Nhờ kiểm soát và thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch nên một số cảng đã xuất hiện các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nhưng đã được phát hiện kịp thời, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của cảng. “Mục tiêu của tỉnh là phải giữ cho được “vùng xanh” của cảng biển nên lãnh đạo tỉnh mong các DN tiếp tục đồng hành, có những giải pháp mới để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả”, ông Nguyễn Công Vinh nói.