Nhìn lại quá trình đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp của Vinalines

14/09/18 7:18 AM

Tại thời điểm thành lập tháng 4/1995, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam bao gồm 24 doanh nghiệp thành viên độc lập, 1 doanh nghiệp thành viên hạch toán phụ thuộc và có vốn góp tại 8 doanh nghiệp liên doanh trong và ngoài nước. Trong đó có 7 doanh nghiệp vận tải biển, 3 doanh nghiệp khai thác cảng và 23 doanh nghiệp dịch vụ hàng hải. Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển với nhiều thăng trầm, Vinalines đánh dấu một giai đoạn phát triển mới bằng việc cổ phần hóa công ty mẹ và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào cuối năm 2018.

Dấu ấn “512” trong giai đoạn 10 năm đầu tiên

Từ cuối năm 1999, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình tổ chức Tổng công ty tham gia góp vốn với các doanh nghiệp thành viên, thực chất là chuyển đổi phương thức quản lý vốn từ “giao vốn” sang “góp vốn” hay “đầu tư vốn” cho các doanh nghiệp thành viên. Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 512/QĐ/TTg ngày 26/4/2001. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên đã cơ bản hoàn thành được các mục tiêu về đầu tư, phát triển, giữ được tốc độ tăng trưởng liên tục, từng bước đổi mới tổ chức và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo dựng được uy tín thương hiệu Vinalines trên thương trường hàng hải khu vực và quốc tế.

Đến năm 2005, sau 10 năm thực hiện việc sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã có sự thay đổi căn bản bao gồm 46 doanh nghiệp thành viên, trong đó có 16 doanh nghiệp nhà nước, 22 doanh nghiệp cổ phần và 8 doanh nghiệp liên doanh.

Sau kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1996-2000 và kế hoạch 5 năm lần thứ hai giai đoạn 2001-2005 theo các Quyết định số 159/TTg và 1419/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, về cơ bản Vinalines đã tạo ra bước phát triển vững chắc về cơ sở vật chất kỹ thuật, về đổi mới công nghệ và quản lý, đạt tốc độ tăng trưởng liên tục năm sau cao hơn năm trước, tạo dựng được uy tín kinh doanh, gắn kết và thực hiện phân công hợp tác giữa các doanh nghiệp thành viên nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để cùng xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển chung. Vị thế của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được nâng cao trên thị trường hàng hải khu vực và quốc tế. Sản lượng vận tải biển năm 2005 đạt gần 22 triệu tấn, tăng hơn 5 lần so với năm 1995. Sản lượng hàng thông qua cảng năm 2005 đạt hơn 37 triệu tấn, tăng hơn 3 lần so với năm 1995. Tổng doanh thu năm 2005 đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với năm 1995. Lợi nhuận năm 2005 đạt gần 700 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với năm 1995. Nộp ngân sách năm 2005 hơn 620 tỷ đồng tăng gần gấp đôi so với năm 2000. Đến hết năm 2005, tổng số vốn nhà nước tại Tổng công ty là gần 3.200 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm năm 1995. Tổng số tàu biển đến hết năm 2005 là 104 tàu với tổng trọng tải gần 1,2 triệu DWT, tuổi tàu trung bình còn hơn 17 năm. Tổng số m cầu cảng đến hết năm 2005 là gần 9.000m.

Cổ phần hóa các doanh nghiệp vận tải biển 2006-2010

Theo Kế hoạch phát triển giai đoạn 2006 – 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1366/QĐ-TTg, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sớm trở thành Tập đoàn hàng hải mạnh trong khu vực, đa sở hữu kinh doanh đa ngành, trong đó vận tải biển, quản lý và khai thác cảng, dịch vụ hàng hải là chính, giữ vai trò chủ lực trong ngành hàng hải Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, Tổng công ty thực hiện kế hoạch 2006 – 2010 trong bối cảnh môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Tình hình thị trường trong giai đoạn đầu của kế hoạch (2006 – 2008) có nhiều yếu tố thuận lợi, góp phần mang lại hiệu quả cao cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2008, khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng lớn tới các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam mà ngành hàng hải được xem là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong giai đoạn này, Tổng công ty đã hoàn thành công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp như Công ty Hợp tác lao động với nước ngoài phía Nam, Công ty Vận tải biển Vinaship, Công ty Vận tải Dầu khí Việt Nam, Công ty Hàng hải Đông Đô, Công ty Vận tải biển Bắc, Công ty Thương mại và Dịch vụ cảng Sài Gòn, Công ty Vận tải biển Việt Nam, Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam đồng thời chuyển đổi các cảng Hải Phòng; Sài Gòn, Đà Nẵng, Quảng Ninh sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên. Tiếp nhận và hoàn thành việc chuyển đổi mô hình cho 05 doanh nghiệp cảng: Cam Ranh, Cái Cui, Nghệ Tĩnh, Quy Nhơn và Nha Trang.

Tái cơ cấu “276” lần thứ nhất

Đầu năm 2011, mô hình tổ chức của Tổng công ty đã chuyển thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 25/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2011 cũng đánh dấu năm thứ ba liên tiếp nền kinh tế, tài chính thế giới phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng trên quy mô toàn cầu.

Bước sang năm 2012, tình hình kinh tế, tài chính thế giới tiếp tục khủng hoảng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty tiếp tục suy giảm mạnh và ảnh hưởng lớn nhất chính là hoạt động vận tải biển khi chỉ số BDI giảm hơn 90%. Đứng trước giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của ngành hàng hải, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam xác định chỉ có tái cơ cấu mới hy vọng để đổi mới toàn diện, từng bước vượt qua khó khăn và phát triển. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty trong đó tập trung vào tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu về mô hình tổ chức và sắp xếp đổi mới doanh nghiệp. Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 04/2/2013.

Giai đoạn 2013-2015, bên cạnh những việc làm nhằm tháo gỡ những khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên, Tổng công ty tiếp tục tiến hành cơ cấu, khoanh nợ, bán, thanh lý các tài sản của các đơn vị nhận chuyển giao từ Vinashin. Với mục tiêu chủ yếu là tiếp tục thực hiện kế hoạch sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống của người lao động, đã sắp xếp lại các ban tham mưu của Tổng công ty, giảm từ 21 đơn vị xuống còn 16 đơn vị, thu gọn được 11 đầu mối doanh nghiệp, hoàn thành việc chuyển đổi 05 doanh nghiệp, cổ phần hóa 12 doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động đối với 04 doanh nghiệp.

Trong hai năm 2016-2017, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu tài chính và xây dựng phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty báo cáo Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo phương án này, Nhà nước sẽ nắm 65% cổ phần tại Công ty mẹ. Các nhà đầu tư bên ngoài được mua không quá 35% vốn. Mức vốn điều lệ dự kiến của Vinalines khoảng hơn 14.000 tỷ đồng.

Định hướng phát triển “276” lần thứ hai

Ngày 27/02/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 276/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược, Kế hoạch đầu tư phát triển và Kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016- 2020 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Theo đó, định hướng phát triển của Vinalines phấn đấu giữ vững vị trí doanh nghiệp hàng đầu của ngành hàng hải Việt nam trong lĩnh vực cảng biển, vận tải biển và dịch vụ logisics; phấn đấu đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực; có năng lực cạnh tranh cấp độ quốc tế và tham gia chia sẻ thị trường khu vực, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng hải của khu vực và thế giới.

Vinalines đặt mục tiêu sản xuất kinh doanh trong 5 năm (2016- 2020) là tổ chức quản lý khai thác và đầu tư phát triển các ngành nghề kinh doanh chủ yếu, gồm: Vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải; đem lại hiệu quả, lợi nhuận cao; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; thu hẹp quy mô các lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả; điều chỉnh phù hợp tỷ lệ vốn góp của Tổng công ty tại các doanh nghiệp thành viên, đa dạng hóa sở hữu. Tổng công ty sẽ tập trung phát triển và khai thác hiệu quả các cảng biển do Tổng công ty hiện nắm giữ nằm ở những vị trí chiến lược và đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế vùng tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam và giữ vai trò huyết mạch trong tổng thể mạng lưới giao thông vận tải quốc gia.

Cổ phần hóa Công ty mẹ – Tổng công ty năm 2018

Ngày 20/6/2018 tại Quyết định số 751/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) với số vốn điều lệ của Vinalines sau cổ phần hóa là hơn 14.046.058.000.000 đồng. Đây là cơ sở để Tổng công ty tiến hành việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 5/9/2018 vừa qua và dự kiến chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào cuối năm 2018.

Đó là thời điểm quan trọng, đánh dấu việc Tổng công ty chính thức bước sang một giai đoạn phát triển mới về chất. Chuyển sang hoạt động theo mô hình quản trị mới, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam-CTCP với tên giao dịch quốc tế là VIETNAM MARITIME CORPORATION (VIMC) vẫn xây dựng tầm nhìn đến năm 2020 là doanh nghiệp hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam, phấn đấu đến năm 2030, trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực, có năng lực cạnh tranh cao.

Thế mạnh riêng mang đến sự khác biệt

Với 3.200 km đường bờ biển, nằm trên tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, với thị trường gần 100 triệu dân, tốc độ phát triển kinh tế hàng đầu châu Á và thế giới, Việt Nam đang trở thành điểm thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đối với lĩnh vực cung cấp dịch vụ hàng hải. Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua hệ thống cảng biển của Việt Nam luôn có tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm, đến năm 2030 đạt 2.100 triệu tấn. Đặc biệt, tổng khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam năm 2020 sẽ đạt khoảng 250 triệu tấn (20 triệu teu) và cán mốc khoảng 500 triệu tấn (40 triệu Teu) giai đoạn đến năm 2030. Trong hơn 20 năm qua, tổng lượng hàng container qua cảng biển đã tăng gần 30 lần. Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics đạt 20 – 25% năm. Có thể nói, tiềm năng phát triển cho thị trường hàng hải Việt Nam là rất lớn. Với định hướng ngành hàng hải sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong Chiến lược biển của Việt Nam trong 10 năm tới, Chính phủ đã có chiến lược tập trung ưu tiên phát triển mạnh dịch vụ vận tải biển, khai thác tốt tiềm năng phát triển cảng biển, đẩy mạnh và phát triển các hoạt động logistics hỗ trợ cho hoạt động hàng hải.

Hiện nay, khách hàng là các nhà sản xuất lớn luôn mong muốn các hãng tàu bên cạnh việc cung cấp dịch vụ vận chuyển sẽ đảm nhiệm luôn công việc làm chuỗi cung ứng. Việc thiết kế các dịch vụ tích hợp nhằm tạo ra chuỗi dịch vụ trọn gói cho khách hàng, gồm: dịch vụ vận chuyển bằng đường biển/đường bộ/sà lan, dịch vụ kho bãi, thực hiện phân phối cho các hệ thống bán lẻ, là thế mạnh và cũng là lợi điểm độc nhất bởi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là một trong những doanh nghiệp hàng hải lớn nhất Việt Nam hội tụ cả 3 lĩnh vực cốt lõi: đội tàu, cảng biển và dịch vụ logistics.

Trong những năm gần đây, kết quả sản xuất kinh doanh Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, Vinalines ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất trong năm 2017 vừa qua đạt 15.790 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất năm 2017 đạt 969 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2016.