Đoàn chúng tôi; Lãnh đạo, CNV và Cựu chiến binh Tổng công ty Hàng hải Việt Nam hành hương, tri ân các anh hùng- liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên.
40 năm sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, “Đường lên Tây Bắc xa xôi” giờ chỉ mất nửa ngày đã tới địa đầu Tổ quốc. Đặc biệt đúng ngày này cách đây 35 năm, trong trận đánh chiếm lại điểm cao 1509, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), gần 600 cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn 365 đã anh dũng hy sinh. Ngày 12-7 hằng năm được chọn là ngày giỗ trận của sư đoàn 365. Hiện tại ở chiến trường Vị Xuyên xưa vẫn còn hàng ngàn quả bom, mìn chưa được rà phá, gần 3.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt và quy tập. Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên là nơi yên nghỉ của hơn 1.700 liệt sĩ, trong đó vẫn có gần 300 ngôi mộ “chưa biết tên” và một ngôi mộ tập thể của các chiến sĩ hi sinh tại hang Sập, bình độ 400, xã Thanh Thủy.
Đồng đội tôi nằm đó, những mái đầu xanh mười tám, đôi mươi ngày ấy. Trên chiến trường điếu thuốc chia đôi, nay châm cho các Anh cả chục gói mà chỉ được mấy hàng đầu, khói hương nghi ngút chẳng đủ trọn vẹn gần hai ngàn ngôi mộ.
Đoàn có dịp gặp gỡ và tặng quà cho 2 Cựu chiến binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, một người là thượng úy, đánh Mỹ xong lại tham gia cuộc chiến Biên giới phía Bắc rồi ở lại với mảnh đất còn nghèo khó này, ngoài những đồng trợ cấp bệnh binh thu nhập khác từ làm nông chẳng đáng là bao. Một người là chiến sỹ người dân tộc tham gia chiến trường Nam bộ bị nhiễm chất độc da cam, người đàn ông điếc nặng, vượt gần nửa ngày đường đến nhận quà mà chỉ biết nắm chặt tay lãnh đạo, không nói thạo tiếng Kinh nên mắt cứ rưng rưng, tay chân lóng ngóng.
Lên điểm cao 468, gần chục chiến sỹ đoàn Cựu chiến binh Tổng công ty đã từng tham gia chiến trận này không khỏi bồi hồi, trào dâng ký ức hào hùng oanh liệt. Anh Thảo- Văn phòng, anh Sửu, anh Tuấn- Cảng Khuyến Lương… chỉ cho tôi đây hầm chiến sự, kia nơi anh giữ chốt, kia Điểm 1509 chỗ các bạn anh nằm… Thời gian có thể đổi thay, nhưng có những điều dường như hóa bất tử như lời thề ghi trên báng súng “Sống bám đá- chết hóa đá- thành bất tử”. Sau hơn 3 thập kỷ, trở lại mặt trận Vị Xuyên, thắp hương cho đồng đội, các anh chị vẫn nhớ như in ký ức một thời máu lửa, vẫn mang nặng nỗi niềm về những đồng đội hy sinh mà hài cốt còn lưu lạc hay chưa biết tên.
Trong trận chiến khốc liệt trung tuần tháng 7/1984, có những đơn vị trước khi lên đường quân số khoảng 104, nhưng chỉ có 39 người trở về. Chị Hồng Thanh, cựu chiến sỹ Quân y tiền phương, cả ba chú cháu ruột cùng tham gia chiến trận Biên giới, chú của chị đã mãi mãi không về để thấy các cháu trưởng thành… Chiến tranh: khốc liệt- bi hùng, ranh giới sống- chết mong manh hơn bao giờ hết, ngay cả người viết bài này nếu không có cuộc chuyển binh sang Không quân đầu năm 1979 thì cũng chẳng biết trước điều gì … để hôm nay có những dòng này như nén tâm nhang dâng lên đồng đội nằm rải khắp trên 6 tỉnh biên cương, trong đó hơn có hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh bảo vệ biên giới Vị Xuyên thuộc 9 sư đoàn chủ lực; như lời tri ân hơn 9.000 thương – bệnh binh cùng nhiều đơn vị bộ đội trực tiếp tham chiến, đẩy lùi sự xâm lấn của quân xâm lược dã man.
Chúng tôi trồng 2 cây Bồ đề này như tiếng lòng xin Đức Phật chở che, tiếp dẫn cho linh hồn các Anh được siêu sinh tịnh độ, dù chỉ còn một phần xác thịt cũng ấm trong lòng đất Mẹ, phù hộ cho quốc thái, dân an, cho ngành Hàng hải thuận buồm- xuôi gió vươn khơi xa phát triển vững bền.